Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Có một bia ký Chăm quý hiếm của Gia Lai ít người biết đến

Ngô Xuân Hiền - 4 giờ trước

Từ trước đến nay, Gia Lai chỉ được biết đến với hai bia ký Chăm là bia Drang Lai (C43, thị xã Ayun Pa) và bia Tư Lương (C237, huyện Đăk Pơ). Tuy nhiên, còn một bia ký khác ít được biết đến: bia C42, nằm sau lưng tượng thần Shiva cưỡi bò tại tháp Drang Lai. Hiện, bia này được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston (Hoa Kỳ). Tư liệu từ Viện Nghiên cứu Thế giới Cổ đại – Đại học New York cung cấp nhiều thông tin quý giá về tấm bia này.

                  

Bia ký C42 - Bảo tàng Mỹ thuật Boston - Hoa Kỳ
Bia ký C42 - Bảo tàng Mỹ thuật Boston - Hoa Kỳ

Cuộc “phiêu lưu” của bia ký C42

Bia ký C42 được người Pháp phát hiện vào đầu thế kỷ XX tại khu đền Drang Lai, Cheo Reo (nay là thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, khi đó thuộc tỉnh Phú Yên). Bia nằm phía sau tượng thần Shiva cưỡi bò, sau đó được chuyển đến tháp Yang Mum, cũng trong khu vực Cheo Reo, nên có lúc được gọi là bia ký Yang Mum.

Văn khắc này lần đầu được linh mục J-B. Guerlach đề cập trong báo cáo của Viện Viễn Đông Bác Cổ năm 1901, dựa theo ghi chép của một “người An Nam”. Năm 1902, nhà nghiên cứu Stenger khảo sát lại, và đến năm 1909, H. Parmentier mô tả kỹ hơn, gọi đây là “Văn khắc Cheo Reo”.

Năm 1927, bia được đưa về Bảo tàng Tourane (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng). Không rõ tấm bia rời bảo tàng khi nào và bằng cách nào, nhưng nhiều khả năng vào giai đoạn giữa Thế chiến II và trước năm 1975. Đến năm 1986, bia C42 xuất hiện tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston (Hoa Kỳ), mang mã số acc.nr.986.331.

Nội dung bia ký C42

Bia ký C42 bằng đá, cao 57cm, nặng khoảng 60kg, khắc 14 dòng chữ Chăm cổ. Bản dịch hoàn chỉnh đầu tiên do Giáo sư Arlo Griffiths thực hiện năm 2012, dựa trên ảnh do Bảo tàng Mỹ thuật Boston cung cấp và bản rập từ Viện Viễn Đông Bác Cổ. Bản dịch tiếng Anh được công bố trên tạp chí HAL Open Science năm 2019.

Tượng thần Shiva cưỡi bò - Bảo tàng Mỹ thuật Boston - Hoa Kỳ
Tượng thần Shiva cưỡi bò - Bảo tàng Mỹ thuật Boston - Hoa Kỳ

Bia được lập vào năm Saka 1331 (tương ứng 1409–1410), sớm hơn bia Drang Lai (C43, Saka 1357 – 1435-1436) và bia Tư Lương (C237, Saka 1360 - 1438-1439). Cả ba bia đều thuộc thời trị vì của vua Vira Bhadravarmadeva, người Việt gọi là Ba Đích Lại.

Ba tấm bia ký này cung cấp nhiều tư liệu quý giá về lịch sử Tây Nguyên, đặc biệt là Gia Lai. Tất cả đều nhắc đến thành phố Nauk Glaun Vijaya - trong đó “Ṅauk Glaun” nghĩa là vùng cao, “Vijaya” là kinh thành Đồ Bàn (nay thuộc An Nhơn, Bình Định). Nauk Glaun Vijaya chính là vùng thượng nguyên của kinh đô Vijaya, tức Tây Nguyên ngày nay.

Ngay từ thời còn là thái tử, Vira Bhadravarmadeva đã được vua cha Jaya Simhavarman giao cai quản khu vực này. Ông cho xây dựng cung điện và đền thờ Samrddhipura tại đây - địa danh được nhắc đến trong cả bia C42 và bia Tư Lương.

Bản rập bia ký C42 của Viện Viễn Đông Bác Cổ
Bản rập bia ký C42 của Viện Viễn Đông Bác Cổ
Bức ảnh trong báo cáo của Parmentier năm 1909 chụp tháp Yang Mum
Bức ảnh trong báo cáo của Parmentier năm 1909 chụp tháp Yang Mum

Cùng với tháp Yang Prong (Đắk Lắk), các tháp Drang Lai, Yang Mum (Gia Lai), Kon Klor (Kon Tum) từng được các học giả Pháp thống kê, miêu tả kỹ lưỡng; nhiều phát hiện gần đây như: phế tích tháp Rong Yang (tháp Phú Thọ) ở TP Pleiku, tháp Bang Keng ở Krông Pa, hay một tháp Chăm tại làng người Gia Rai ở huyện Oyadav (tỉnh Ratanakiri, Campuchia, cách cửa khẩu Lệ Thanh khoảng 10km)… tiếp tục cho thấy dấu ấn đậm nét của văn hóa Chăm cổ tại khu vực Tây Nguyên và vùng phụ cận.

Nhờ công nghệ số, chúng ta mới tiếp cận được những thông tin quý giá về bia ký C42 - một hiện vật Chăm hiếm hoi có nguồn gốc từ Gia Lai nhưng ít người biết đến. Đây là tư liệu lịch sử “quý hơn vàng” cần được các nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ, quảng bá rộng rãi, và xa hơn là xúc tiến lộ trình “hồi hương cổ vật” để một ngày không xa, người dân trong nước có thể chiêm ngưỡng hiện vật này ngay tại quê hương.

Tin cùng chuyên mục
Yên Bái: Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng cho cơ sở lưu trú du lịch năm 2025

Yên Bái: Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng cho cơ sở lưu trú du lịch năm 2025

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái vừa tổ chức Hội nghị Tập huấn bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng cho cơ sở lưu trú du lịch năm 2025. Hội nghị Tập huấn thu hút gần 70 học viên, là nhân viên, người lao động trực tiếp tại các cơ sở lưu trú du lịch; cán bộ trực tiếp phụ trách lĩnh vực du lịch tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh.