Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Có một khu dân cư “trắng đảng viên” ngay giữa thành phố Hạ Long

Tuấn Trình - Mỹ Dung - 08:29, 12/05/2022

Sau hơn 8 năm di dời lên bờ sinh sống, vượt qua nhiều khó khăn ban đầu, cuộc sống của người dân khu tái định cư (TĐC) làng chài Hà Phong, khu 8, phường Hà Phong, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã dần đi vào ổn định. Thế nhưng, điều đáng quan tâm là, đã 8 năm trôi qua, với 350 hộ, gần 2.000 dân, nhưng khu TĐC làng chài này vẫn đang gần như “trắng đảng viên”...

Quảng Ninh đẩy mạnh công tác chuẩn bị bầu trưởng thôn, bản, khu phố
Quảng Ninh đẩy mạnh công tác chuẩn bị bầu trưởng thôn, bản, khu phố

Khu TĐC làng chài Hà Phong nằm không xa Quốc lộ 18. Năm 2014, thực hiện chính sách di dân ở các làng chài trên Vịnh Hạ Long, hàng nghìn người dân đã được di dời lên bờ, bắt đầu cuộc sống mới ở khu TĐC này.

Ở đây có khoảng 350 hộ dân, 1.800 nhân khẩu, với nghề chính là chài lưới truyền thống và làm du lịch. Từ khi lên bờ sinh sống, nhiều hộ dân vẫn đi biển đánh bắt cá nhưng không ít người cũng đã chuyển sang làm lái xe, thợ may, mở tiệm tạp hóa… Cũng nhờ đó, kinh tế làng chài từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, điều băn khoăn là đã 8 năm trôi qua, khu TĐC làng chài, với hàng nghìn dân gần như không phát triển được một đảng viên. 

Ghé thăm khu TĐC làng chài vào một buổi chiều tháng 4, phóng viên đã có dịp trò chuyện với người dân nơi đây. Điều mà có lẽ ai đến đây cũng dễ dàng nhận thấy, trong khu chỉ có các em nhỏ, vài phụ nữ và các ông, bà tuổi ngoài 60 ở nhà, mà hầu như rất ít bóng dáng thanh niên.

Chị N.T.L, khu TĐC làng chài chia sẻ: “Thanh niên hầu như không sống, sinh hoạt ở khu TĐC. Họ ra biển làm tàu hết, bình thường chỉ 15, mùng 1 mới về 1 lần, nay giá dầu đắt đỏ lại ít về hơn”.

Khu tái định cư Làng chài, khu 8, phường Hà Phong, TP. Hạ Long
Khu tái định cư Làng chài, khu 8, phường Hà Phong, TP. Hạ Long

Theo chia sẻ của nhiều người dân, hầu như trình độ học vấn của người dân nơi đây đều thấp, cố gắng cũng chỉ ở mức tiểu học.Vài năm trở lại đây, cũng đã có người tốt nghiệp cấp 2, học cấp 3 nhưng rất ít. Được biết, hiện tại khu TĐC làng chài có 1 đảng viên, nhưng đi làm xa không thường xuyên có mặt tại khu, nên gần như không sinh hoạt tại chi bộ. 

Theo ông Lê Hồng Hải, Bí thư Đảng ủy phường Hà Phong, để xóa “khu trắng đảng viên” và củng cố cơ sở đảng, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu TĐC làng chài, một biện pháp được Đảng bộ Hà Phong đưa ra trước mắt, là điều động, tăng cường đảng viên từ nơi khác về làm nòng cốt, đảm bảo có một chi bộ, sau đó tìm nguồn phát triển tại chỗ. 

"Đảng ủy giới thiệu 1 đồng chí Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xuống làm bí thư chi bộ. Thế nhưng, việc tìm nguồn và phát triển đảng viên tại chỗ 8 năm nay, vẫn chưa hề thấy tín hiệu khả quan", ông Bí thư Đảng ủy phường thông tin.

Ông Nguyễn Văn Kỵ, Khu phó khu TĐC làng Chài, cho biết: “Người dân ở Khu TĐC trình độ học vấn thấp lắm. Nên cũng không ai được kết nạp Đảng, vì không đủ điều kiện. Ngay cả tôi cũng có phải là đảng viên đâu”.

 Chia sẻ về thực trạng gần như “trắng đảng viên” tại khu TĐC làng chài, khu 8, phường Hà Phong, ông Nguyễn Hữu Thọ, Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ thành ủy Hạ Long, cho biết: Việc thành lập chi bộ phải tạo nguồn, mà nguồn thì phải có trình độ. Thanh niên khu này có học hành gì đâu, học hết tiểu học là đi thuyền chài.

 "Quan trọng nhất, đây là khu vực thành phố nên yêu cầu kết nạp Đảng phải học xong phổ thông. Phải đưa các cháu lên bờ, tạo điều kiện ăn học, phổ cập THPT thì mới phát triển Đảng. Cũng cần phải có thêm thời gian nữa, phải 2,3 nhiệm kỳ mới có nguồn được”, ông Thọ cho hay.

Thực trạng một khu TĐC, với gần 2000 dân, ngay giữa lòng thành phố mà sau 8 năm, không phát triển được đảng viên, là điều mà các cấp ủy Đảng, chính quyền nơi đây cần phải quan tâm, xem là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên khắc phục.

Tin cùng chuyên mục
"Quả ngọt" trên đất núi Quảng Nam

"Quả ngọt" trên đất núi Quảng Nam

Những quả đồi đất đá khô cằn ở xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành (Quảng Nam), tưởng chừng như không trồng được loại cây gì. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều hộ dân địa phương đã đầu tư trồng cây dứa. Thấy dứa phát triển tốt, họ mạnh dạn mở rộng diện tích, mỗi vụ thu về hàng trăm triệu đồng.