Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Có một người phụ nữ Ba Na "không dám bệnh!"

Nguyễn Bá Thuyết - 11:39, 29/07/2021

“Đã có lúc em nản lòng muốn buông bỏ. Nhưng rồi nhìn hai đứa con, nhìn bố mình, lại nghĩ mình mà nằm xuống ai lo cho con, cho bố?. Nghĩ vậy em nuốt nước mắt vào trong, lặng lẽ ráng theo công việc. Nói thật với các anh chị, em không dám bệnh, không được bệnh!”. Sau nhiều lần điện thoại, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được chị - người phụ nữ dân tộc Ba Na, một mình nuôi bố và 2 con bị ảnh hưởng chất độc da cam. Đó là chị Hờ Thủy, ở thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh (Phú Yên).

Hờ Thủy (bên trái), đang cho Hờ Miu ăn
Chị Hờ Thủy (bên trái), đang cho con ăn

Số phận nghiệt ngã

Trong ngôi nhà nhỏ được Nhà nước xây cho đồng bào tái định cư khi triển khai dự án Thủy điện Sông Hinh năm 1995; chưa kịp lau mồ hôi, người phụ nữ Ba Na với khuôn mặt sạm nắng mưa, trải chiếc chiếu xuống nền nhà, pha nước mời chúng tôi… Chị kể cho chúng tôi nghe những nỗi buồn của cuộc đời mình, khi phải chịu hậu quả khốc liệt của chất độc da cam.

Chị là con út của già làng Ma Doanh, 86 tuổi, một cựu chiến binh có nhiều thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Già Ma Doanh đã được tặng Huân chương Chiến công hạng Hai, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng… và vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ.

Khi Hờ Thủy còn đôi mươi, chị là một cô gái Ba Na khá sắc sảo, được nhiều trai bản để ý. Nhưng chị lại nặng lòng với một thanh niên cùng bản. Lễ cưới được tổ chức năm 2007. Năm 2008, Hờ Thủy sinh bé đầu là Hờ My, năm 2012 tiếp tục sinh đứa thứ hai là Hờ Miu. Cuộc sống gia đình bắt đầu rạn nứt, rồi đổ vỡ từ khi phát hiện đứa con thứ hai là Hờ Miu mắc di chứng chất độc da cam nặng, chỉ nằm một chỗ. Đứa con gái đầu Hờ My cũng bị thiểu năng trí tuệ.

Già làng Ma Doanh vì thương con nên nặng lòng suy nghĩ, vết thương cũ tái phát, đủ các thứ bệnh của di chứng da cam làm cho sức khỏe ông kiệt dần. Kinh tế gia đình Hờ Thủy vốn đã khó khăn, ngày càng khó khăn hơn. Tuy cha và con gái Hờ Miu được hưởng trợ cấp của Nhà nước, nhưng chi phí thuốc thang cho 3 người bệnh, trang trải chi tiêu… tiền cứ như “muối bỏ bể”. Trong nhà Hờ Thủy không có thứ gì đáng giá.

Trong lúc hoạn nạn ấy, người chồng của Hờ Thủy lại phó mặc cha già, con thơ bệnh tật lại cho Hờ Thủy rồi “một đi không trở lại”. Kể từ đây (2012) gánh nặng đặt tất cả lên vai Hờ Thủy.

Nghị lực vượt qua nghịch cảnh

Hai năm trở lại đây, già Ma Doanh trở bệnh nặng hơn nhiều. Ngồi bên cụ, tôi thấy cụ nhắm nghiền hai mắt, nghe nhịp thở gấp gáp, khó khăn. Tuy thế, khi tỉnh lại cụ vẫn luôn động viên con gái cố gắng thu xếp đi làm để có tiền mua thêm thuốc thang, chạy bữa lo cái ăn. “Mình phải cố thôi, mình còn có trợ cấp, còn đỡ hơn nhiều người khác”. Nghe cụ nói tôi trào nước mắt. Sức khỏe yếu, đau đớn là vậy nhưng cụ Ma Doanh vẫn gắng gượng tự lo lấy những sinh hoạt của mình, vượt qua đau đớn bằng ý chí, nghị lực của người Bộ đội Cụ Hồ.

Chị Lê Thị Trúc Thư, Cán bộ Thương binh - Xã hội của xã Đức Bình Đông cho biết: Về khoản tiền trợ cấp cho ông Ma Doanh, cháu Hờ Miu và người nuôi dưỡng mỗi tháng được 3.675.000 đồng. Cháu lớn Hờ My đã đi giám định mấy lần nhưng chưa đạt tiêu chí để hưởng trợ cấp. Bình quân mỗi người trong gia đình có khoảng 900.000 đồng mỗi tháng để chi phí cho tất cả mọi sinh hoạt, gồm quần áo, thuốc men, ăn uống... 

“Chị em trong thôn Bình Giang thường xuyên quan tâm thăm hỏi, tạo điều kiện giúp đỡ Hờ Thủy, giúp chị ấy chăm sóc các con. Nhất là dịp lễ, Tết có quà gì cũng ưu tiên nhường phần cho cụ Ma Doanh hoặc cháu Hờ Miu để động viên gia đình, động viên Hờ Thủy thêm niềm vui trong cuộc sống”, chị Hờ Nguyệt - Phó thôn Bình Giang nói.

Để duy trì cuộc sống giữa bộn bề lo toan, mỗi ngày Hờ Thủy phải làm việc liên tục khoảng 17 đến 18 tiếng. “Đã có lúc em nản lòng muốn buông bỏ. Nhưng rồi nhìn hai đứa con, nhìn bố mình, lại nghĩ mình mà nằm xuống ai lo cho con, cho bố?. Nghĩ vậy em nuốt nước mắt vào trong, lặng lẽ ráng theo công việc. Nói thật với các anh chị, em không dám bệnh, không được bệnh!”, Hờ Thủy tâm sự.

Rời thôn Bình Giang, hình ảnh về những khốn khó khôn lường của người phụ nữ dân tộc Ba Na đã, đang và sẽ phải vượt qua tôi không khỏi bùi ngùi, cầu mong cho chị luôn có sức khỏe để vượt lên những gian truân, khổ hạnh của đường đời.