Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cồng chiêng - Nhạc khí thiêng của người Gia Rai

Hồ Xuân Toản - 15:10, 05/07/2023

Người Gia Rai ở Gia Lai có một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, phản ánh sinh động đời sống hiện thực cũng như hoạt động tâm linh. Nổi bật là kho tàng nhạc khí dân gian, tiêu biểu là cồng chiêng - một trong những nhạc cụ cấu thành nên Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Người Gia Rai đánh chiêng Vang trong Lễ cúng cầu mưa. (Ảnh: Xuân Toản)
Người Gia Rai đánh chiêng Vang trong Lễ cúng cầu mưa. (Ảnh: Xuân Toản)

Chiêng cũng được “định danh”

Cũng như người Ba Na, người Gia Rai không chế tác ra cồng chiêng mà phải mua bán, trao đổi từ nơi khác về. Tuy nhiên, người Gia Rai lại có khả năng thẩm âm, kỹ thuật chỉnh chiêng điêu luyện. Cồng chiêng được xem là tài sản có giá trị, là thước đo cho sự giàu sang, quyền uy trong xã hội người Gia Rai. Đồng bào quan niệm rằng, gia đình, dòng tộc nào có nhiều cồng chiêng, ché (ghè) là gia đình, dòng tộc đó có điều kiện kinh tế, có địa vị, quyền uy trong xã hội và được nhiều người, dòng tộc khác kính nể.

Cồng chiêng là loại nhạc khí tự thân vang, được làm bằng hợp kim đồng. Một bộ cồng chiêng được cấu thành từ hai dạng thức cơ bản: Cồng có núm và chiêng bằng. Người Gia Rai sử dụng nhiều bộ cồng chiêng với các tên gọi và biên chế số lượng trong mỗi bộ chiêng hoàn toàn khác nhau, bao gồm: Chiêng Aráp là bộ chiêng cổ truyền của người Gia Rai, hay còn gọi là “chiêng múa”. Mỗi khi giai điệu chiêng Aráp nổi lên như thúc giục, lôi cuốn mọi người hòa cùng vòng xoang giữa đại ngàn.

Chiêng M’nhum được sử dụng trong các nghi lễ mang tính chất vui vẻ. Hễ có lễ hội vui, uống rượu cần là người Gia Rai lại đem chiêng M’nhum ra đánh. Bộ chiêng gồm 1 chiêng sar, 3 cồng có núm và 5 chiêng bằng. Hợp cùng dàn chiêng M’nhum là chiếc trống lớn. Đôi lúc chiêng M’nhum cũng được đánh trong phần nghi thức của buổi lễ bỏ mả. Sau phần nghi thức thì không đánh nữa mà sử dụng một bộ chiêng khác để đánh quá trình diễn ra lễ bỏ mả.

Bộ chiêng M’lem đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai (Ảnh: Xuân Toản)
Bộ chiêng M’lem đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai (Ảnh: Xuân Toản)

Chiêng Nâm gồm 8 chiếc, trong đó có 1 chiêng sar, 2 cồng có núm và 5 chiêng bằng. Chiêng Nâm được đánh trong các lễ như: Lễ mừng nhà mới, lễ cưới, lễ cầu sức khỏe… tuyệt đối không được đánh trong các lễ buồn như lễ tang, lễ bỏ mả. Khi đánh, người Gia Rai treo chiêng lên xà nhà hoặc ngồi trên ghế kpan.

Chiêng M’lem hay còn gọi là chiêng Ơi Yăh là bộ chiêng đặc biệt, có kích thước rất nhỏ. Đây là bộ chiêng quý của dòng họ Rơmah, chiêng chỉ dùng để đánh trong các lễ của gia đình, dòng họ như: Lễ mừng thọ, lễ cưới, lễ mừng nhà mới. Chiêng không được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.

Bộ chiêng T’rum là bộ chiêng gồm 3 chiếc cồng có núm, được đánh trong các lễ hội vui của gia đình, cộng đồng. Còn chiêng Vang là bộ chiêng của các Pơtao Apui (Vua Lửa) đánh trong các nghi lễ cúng cầu mưa, cầu sức khỏe cho dân làng. Bộ chiêng Vang gồm 3 cồng có núm, khi đánh kết hợp thêm một trống lớn.

Bộ chiêng Nâm trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Xuân Toản)
Bộ chiêng Nâm trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Xuân Toản)

Chiêng Honh là bộ chiêng thông dụng nhất của người Gia Rai, được sử dụng phổ biến ở tất cả các nghi lễ trong đời sống. Trong truyền thống, chiêng được “biên chế” gồm 5 cồng có núm và 8 chiêng bằng. Về sau, chiêng Honh được cải biến và tăng số lượng các chiêng để đánh phù hợp các nốt nhạc hiện đại. Chiêng Knăh ring có 6 chiếc gồm 1 cồng có núm và 5 chiêng bằng, sử dụng trong lễ cầu sức khỏe. Còn chiêng Kông kleo gồm 3 còng có núm và 7 chiêng bằng, được dùng trong tất cả các lễ bất kể vui hay buồn của người Gia Rai…

Cồng chiêng – "nơi thần linh trú ngụ"

Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ đặc sắc, độc đáo mà còn là một linh vật thiêng gắn liền với nhiều sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh. Đồng bào tin rằng, mỗi mặt chiêng đều có thần linh trú ngụ, chiêng càng cổ càng xưa thì sức mạnh của thần linh càng lớn.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã từng nhận định: “Cồng chiêng càng cổ bao nhiêu thì thần chiêng càng mạnh bấy nhiêu... Người chủ nhiều cồng chiêng không chỉ là người nhiều của cải mà cái chính là có được sức mạnh của thần chiêng phù hộ”. Do đó, việc sử dụng cồng chiêng phải có nguyên tắc, chỉ sử dụng trong buổi biểu diễn, sinh hoạt cộng đồng hoặc các nghi lễ của gia đình, buôn làng.

Cồng chiêng là phương tiện giúp đồng bào có thể giao tiếp với cộng đồng, thế giới tự nhiên và với các đấng siêu nhiên. Mỗi nghi lễ khác nhau có những loại cồng chiêng khác nhau với nhiều bài bản khác nhau, gắn bó mật thiết với cộng đồng thông qua các giai thoại trong cuộc sống, các nghi lễ vòng đời người và nghi lễ trong chu kỳ canh tác nương rẫy.

Người Gia Rai đánh cồng chiêng trong Lễ mừng lúa mới. (Ảnh: Xuân Toản)
Người Gia Rai đánh cồng chiêng trong Lễ mừng lúa mới. (Ảnh: Xuân Toản)

Trong các lễ thổi tai, lễ trưởng thành, cồng chiêng kết nối con người với thần linh, là lời mời thần linh đến chứng kiến sự ra đời, trưởng thành của đứa trẻ. Trong lễ bỏ mả, cồng chiêng là tiếng vọng tiễn đưa linh hồn của người chết về với thế giới bên kia. Trong lễ mừng nhà mới, lễ cúng cơm mới, cồng chiêng là tiếng rền vang vút tận trời xanh mời thần linh về chứng giám.

Trong các lễ cúng cầu mưa, cầu sức khỏe của các Pơtao Apui, đồng bào sử dụng bộ chiêng Vang (chiêng của các Pơtao Apui - Vua Lửa) để đánh. Trước khi mang chiêng ra đánh, phải có lễ vật là heo hoặc gà và rượu để cúng xin phép thần chiêng.

Trong các lễ cúng có sử dụng bộ chiêng T’rum, người Gia Rai quan niệm, tiếng chiêng càng đánh càng hay, càng nhịp nhàng, điêu luyện để các Yàng nghe thấy sẽ phù hộ cho dân làng làm ăn gặp nhiều may mắn, dồi dào sức khỏe. Nếu đánh mà làm gãy bài chiêng (lạc nhịp) sẽ làm cho các Yàng nổi giận, không phù hộ cho con người. Vì thế khi đánh chiêng, đồng bào thường chú ý đến tiết tấu, bài bản và sự vận hành của cả dàn chiêng trong lễ hội.

Trong xã hội hiện nay, các nghi thức, lễ cúng ngày càng giản lược, người đánh cồng chiêng giỏi đang giảm dần, trong khi đó sự trao truyền giữa các thế hệ ít được thực hiện một cách tự nguyện… Từ những nguyên nhân trên dẫn tới giá trị thiêng của cồng chiêng cũng bị phai nhạt.

Vậy nên việc bảo tồn và phát huy giá trị cồng chiêng cũng như không gian văn hóa cồng chiêng phải được quan tâm nhiều hơn nữa; và cần có lộ trình lâu dài để âm thanh cồng chiêng sẽ vang xa, ngân dài đến nhiều thế hệ mai sau.