Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đắk Lắk: Mở lớp truyền dạy chỉnh chiêng Ê Đê

Lê Hường - 22:14, 15/05/2023

Chiều 15/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc lớp truyền dạy chỉnh chiêng Ê Đê năm 2023. Tham dự có Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân chia sẻ tại buổi khai mạc
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân chia sẻ tại buổi khai mạc

Hai nghệ nhân được mời truyền dạy là Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân và Nghệ nhân Ưu tú Ama H’loan. Đây là 2 Nghệ nhân Ưu tú có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền dạy đánh chiêng và chỉnh chiêng Ê Đê được mời truyền dạy cho các nghệ nhân. Lớp học có 15 nghệ nhân trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố tham gia lớp học.

Các nghệ nhân tham gia lớp truyền dạy chỉnh chiêng Ê Đê
Các nghệ nhân tham gia lớp truyền dạy chỉnh chiêng Ê Đê

Phát biểu tại buổi khai mạc, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu nhấn mạnh: Hiện nay, nghệ nhân biết chỉnh chiêng trong các buôn làng ngày càng ít đi, việc mở lớp truyền dạy chỉnh chiêng là rất cần thiết. Lớp học là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa cồng chiêng trong đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022 - 2025.

Đồng thời, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cũng đề nghị các nghệ nhân tham gia lớp truyền dạy chỉnh chiêng nghiêm túc tiếp thu các nội dung được truyền đạt để tiếp tục truyền dạy cho các nghệ nhân khác trong buôn làng.

Thay mặt các nghệ nhân tham gia lớp học, nghệ nhân Y Wuang Hwing, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar cảm ơn ban tổ chức
Thay mặt các nghệ nhân tham gia lớp học, nghệ nhân Y Wuang Hwing, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar cảm ơn Ban Tổ chức

Tham gia lớp học, các nghệ nhân sẽ được truyền dạy kỹ năng chỉnh sửa thanh âm từng cái chiêng phù hợp với âm điệu, tiết tấu của bộ chiêng. Sau khi hoàn thành nội dung tập huấn, các nghệ nhân có thể tiếp tục trao truyền kỹ năng chỉnh chiêng cho các học viên lớp kế cận.

Ban tổ chức chụp hình lưu niệm cùng các nghệ nhân
Ban Tổ chức chụp hình lưu niệm cùng các nghệ nhân

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên, người trực tiếp đứng lớp chia sẻ: Đồng bào Tây Nguyên rất tôn trọng người chỉnh chiêng, những người lấy lại âm thanh cho chiêng. Từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu văn hóa dân gian của các dân tộc Tây Nguyên. 

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân chia sẻ thông tin, truyền dạy lý thuyết cho các nghệ nhân
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân chia sẻ thông tin, truyền dạy lý thuyết cho các nghệ nhân

Thời điểm đó, ở mỗi buôn làng, có thể bắt gặp vài ba nghệ nhân chỉnh chiêng. Nhưng người biết chỉnh chiêng trong các buôn làng ngày càng thưa vắng, vì những nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi đã về với ông bà tổ tiên. Đến bây giờ, có những buôn không còn người chỉnh chiêng, thậm chí có những xã không còn người chỉnh chiêng, có những huyện chỉ còn 1 - 2 người biết chỉnh chiêng.

Sự thiếu vắng đội ngũ biết chỉnh chiêng ở các buôn làng là sự mất mát rất lớn, trong khi các buôn làng ngày càng có nhiều các nghi lễ được thực hiện, bà con vẫn đánh chiêng, nhưng có những bộ chiêng, chiếc chiêng không còn âm thanh chuẩn, thậm chí sai lạc một cách trầm trọng. Vì vậy, những lớp học chỉnh chiêng như thế này rất có ý nghĩa rất lớn trong việc giữ gìn giá trị cồng chiêng.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân hướng dẫn kỹ năng chỉnh chiêng cho các nghệ nhân
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân hướng dẫn kỹ năng chỉnh chiêng cho các nghệ nhân

Lớp truyền dạy chỉnh chiêng Ê Đê sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 15 - 19/5.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.