Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Cuộc sống bấp bênh trên hồ Tà Đùng

Lê Hường - Quốc Phong - 18:42, 11/03/2022

Hơn một thập niên chòng chành theo nước lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3, người dân làng chài đau đáu giấc mơ lên bờ. Ước mơ ấy không đơn thuần là mảnh đất cắm dùi, an cư lạc nghiệp, mà là cả khát vọng tương lai của những đứa trẻ phiêu dạt ở lòng hồ. Bởi vậy, họ vẫn miệt mài tìm đủ hướng để phát triển kinh tế, từng bước thực hiện ước mơ.

Hồ Tà Đùng có hơn 40 đảo, bán đảo lớn nhỏ
Hồ Tà Đùng có hơn 40 đảo, bán đảo lớn nhỏ

Mưu sinh dưới nước, mơ ước lên bờ

Hồ Thủy điện Đồng Nai 3, hay còn gọi hồ Tà Đùng, thuộc địa phận huyện Đắk G’long (Đắk Nông) và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà (Lâm Đồng) được mệnh danh là hồ thủy điện đẹp nhất Tây Nguyên. Bởi lòng hồ có diện tích rộng gần 5.000 ha mặt nước với hơn 40 hòn đảo, bán đảo lớn nhỏ, được ví như Vịnh Hạ Long trên vùng cao nguyên đất đỏ.

Năm 2010, hồ Thủy điện Đồng Nai 3 bắt đầu tích nước, hàng chục hộ dân từ các tỉnh miền Tây như An Giang, Kiên Giang… về đây mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản. Những năm sau đó, số hộ dân di chuyển về đây càng đông hơn. Có thời điểm lòng hồ này có cả trăm căn nhà trên thuyền bè neo đậu, trở thành một trong những làng chài nhộn nhịp nhất trênTây Nguyên. 

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nguồn lợi thủy sản ít dần, các hộ dân rời đi nơi khác. Chỉ những người đã lớn tuổi không còn đủ sức để di cư, hoặc có lồng bè nuôi cá đủ trang trải cuộc sống bám trụ nơi này.

Thuyền bè của hộ dân rải rác trên hồ Tà Đùng
Thuyền bè của người dân trên hồ Tà Đùng

Ngồi trước hiên nhà vá lại chiếc lưới đánh cá bị rách, chị Trần Thị Nên chia sẻ: Vợ chồng chị người gốc Campuchia, 8 năm trước di cư về lòng hồ này sinh sống. Ban đầu chị định ở vài năm rồi lại di chuyển đến vùng nước khác, nhưng giờ sức khỏe không còn như trước, con gái lớn cũng lấy chồng ở Bình Phước, nên vợ chồng chị quyết định ở lại gắn bó với hồ Thủy điện Đồng Nai 3 kiếm con tôm, con cá sống qua ngày nuôi đứa con gái nhỏ.

Sống lênh đênh trên mặt nước, hàng ngày chồng và con gái đi đặt lờ bắt cá, còn chị ở nhà nội trợ, và nhận may vá lưới rách kiếm thêm đồng ra đồng vào. Bây giờ cá lớn không còn, cá tạp, tôm ốc nhỏ cũng ngày càng ít đi, thu nhập bập bõm từng ngày, con gái nhỏ của chị cũng đành dở dang chuyện học.

Tương tự, hơn nửa đời người sống trên mặt nước, từ Biển Hồ (Campuchia) dạt về lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3, bà Nguyễn Thị Thanh còn bao nỗi lo lắng, trăn trở.

Bà Thanh chia sẻ: "Hai năm nay dịch bệnh hoành hành đã ảnh hưởng rất lớn đến miếng cơm, manh áo của chúng tôi. Cá không bán được, tôm cua bắt lên cũng chẳng có người mua, mọi chi phí sinh hoạt xoay sở từng ngày, cuộc sống càng thêm khốn khó. Trước còn trẻ, khỏe phiêu dạt theo vùng nước, giờ tuổi càng cao, sức càng yếu chúng tôi chỉ mong ước được lên bờ, có căn nhà nhỏ để cuộc sống an cư”.

Đó không chỉ là mơ ước của vợ chồng bà Thanh, mà còn là khao khát của hàng chục hộ dân làng chài này suốt nhiều năm qua.

Người dân làng chài vẫn hàng ngày đánh bắt thủy sản tự nhiên để mưu sinh
Người dân làng chài vẫn hàng ngày đánh bắt thủy sản tự nhiên để mưu sinh

Tìm hướng làm ăn mới

Hiện lòng hồ chỉ còn 28 hộ dân sinh sống, mỗi hộ chia nhau một vùng nước. Thay vì di cư tìm bến đỗ mới khi nguồn lợi thủy sản tự nhiên không còn dồi dào, các hộ này cũng đã tính kế mưu sinh mới bằng cách chuyển dần sang nghề nuôi cá lồng. Từ vài lồng cá lăng, cá trắm, một số hộ đã phát triển quy mô lớn hơn. 

Đây cũng được coi là hướng đi mới để người dân làng chài có cuộc sống tốt hơn, không còn phụ thuộc vào nguồn cá tự nhiên như trước.

Gia đình anh Trần Văn Hà, được xem là hộ gia đình khá giả nhất xóm chài, ngoài việc thu gom cá của các hộ dân khác đưa lên bờ bán, anh Hà còn nuôi 8 bè cá bống, cá lăng, cá thát lát. Anh Hà tâm sự: Lênh đênh theo dòng nước, cuộc sống bấp bênh, muốn bám trụ thì phải tìm kế khác mưu sinh. Nuôi cá lồng khó nhất là phụ thuộc nhiều vào thời tiết và tìm nguồn thức ăn. Năm nào thời tiết thuận lợi, thì lồng cá còn thu được khá. Năm ngoái tôi thu được vài tấn cá, đủ lấy lại vốn thôi. Năm nay, nếu thuận lợi dự tính thu khoảng 15 tấn cá, trừ chi phí cũng lãi vài chục triệu đồng.

“Chúng tôi cố gắng tích cóp để lên bờ mua đất làm ăn, để con cháu được đến trường, tương lai tươi sáng hơn”, anh Hà chia sẻ thêm.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt làm thức ăn cho cá nuôi trong lồng
Chị Nguyễn Thị Nguyệt làm thức ăn cho cá nuôi trong lồng

Nhiều năm đánh bắt cá tự nhiên, rồi đầu tư lồng nuôi cá, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt hiện đã ổn định hơn. Chị Nguyệt bảo, mình xa quê đã 30 năm rồi, theo dòng nước nay đây mai đó. Hơn 10 năm sống ở lòng hồ này, ngoài đánh bắt tự nhiên, vợ chồng mình đầu tư nuôi cá lồng. Tích cóp dần cũng mua được miếng đất rẫy ở xã Quảng Khê. Hàng ngày, chồng và con trai lên bờ làm rẫy, còn chị và con gái ở nhà đánh bắt cá tạp, nuôi cá lồng và may vá lưới cho người ta. Có cá bán thì mang ra xã, có khách du lịch ghé thăm thì bán cá khô, đủ để duy trì cuộc sống.

“Giờ mình tiếp tục nuôi cá lồng, đầu tư làm rẫy gom góp tiền dựng cái nhà ở nữa coi như cuộc sống ổn định”, chị Nguyệt nói.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long (Đắk Nông) cho biết: Mặc dù các hộ dân sống trên mặt hồ đăng ký tạm trú trên địa bàn huyện, nhưng số hộ dân không ổn định. Địa phương vẫn dõi theo cuộc sống của các hộ dân này, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có phương án hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

 Ngoài việc bảo đảm các quyền lợi tối thiểu như, tạo điều kiện cấp giấy khai sinh, hộ khẩu, căn cước công dân, địa phương cũng rất quan tâm an sinh xã hội. Mỗi dịp lễ, Tết, UBND huyện, xã Đắk Som đều có quà hỗ trợ, động viên tinh thần người dân đang sinh sống ở đây. Đến nay, tất cả người dân đủ điều kiện đều được ngành Y tế địa phương tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.