Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đà Bắc (Hòa Bình): Lấp đầy “vùng trũng” về tiếp cận pháp luật

Hà Anh - 01:11, 16/12/2024

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng DTTS có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân. Thời gian qua, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) đã và đang nỗ lực lấp đầy “vùng trũng” về tiếp cận pháp luật cho đồng bào các DTTS tại các xã vùng cao.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đà Bắc tập huấn kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới, lồng ghép giới cho cán bộ thôn bản.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đà Bắc tập huấn kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới, lồng ghép giới cho cán bộ thôn bản

Đưa pháp luật đến với người dân

Cuối tháng 10 vừa qua, Hội Nông dân huyện Đà Bắc phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình tổ chức giao lưu sân khấu hóa tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên nông dân vùng đồng bào DTTS và miền núi (DTTS&MN) năm 2024, tại Nhà văn hóa xã Tú Lý, huyện Đà Bắc. Đêm giao lưu sân khấu hóa có sự tham dự của đại diện một số ban, ngành, đoàn thể trong huyện và 3 đội với 30 thành viên đến từ các xã: Tú Lý, Vầy Nưa, Toàn Sơn. Đêm giao lưu cũng thu hút đông đảo hội viên nông dân và người dân đến xem và cổ vũ 3 phần thi của các đội, gồm: giới thiệu, trắc nghiệm và tiểu phẩm. Nội dung tập trung vào các quy định của pháp luật với đời sống hội viên nông dân vùng đồng bào DTTS, như: chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình; công tác hòa giải ở cơ sở; bảo vệ môi trường sinh thái.

Qua đó, các đội không chỉ thể hiện am hiểu về các chính sách, kiến thức pháp luật mà còn có sự liên hệ chặt chẽ với mọi mặt đời sống vùng đồng bào DTTS tại địa phương; lồng ghép với hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào DTTS; kinh nghiệm vận dụng các quy định pháp luật để giải quyết vấn đề phát sinh ở cơ sở.

Để khán giả, hội viên nông dân được giao lưu, Ban Tổ chức có thêm nội dung giao lưu với khản giả bằng trả lời các câu hỏi. Qua phần trả lời câu hỏi trắc nghiệm đã một phần giúp cho hội viên nông dân và người dân nắm rõ về nội dung pháp luật và áp dụng vào thực tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, góp phần tạo không khí sôi nổi và vui tươi.

Ông Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cho rằng, những hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật như đêm giao lưu tại xã Tú Lý, huyện Đà Bắc giúp cán bộ, hội viên nông dân vùng đồng bào DTTS tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của người dân vùng DTTS.

Xác định vai trò quan trọng của việc “lấp đầy” vùng trũng về tiếp cận pháp luật cho đồng bào vùng DTTS trên địa bàn huyện Đà Bắc, trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến huyện, xã đặc biệt quan tâm, tổ chức bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền miệng; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền qua các hội nghị tập huấn; tuyên truyền qua các hội thi, hội diễn sân khấu hóa, tuyên truyền qua tài liệu, băng rôn, tờ rơi, áp phích…

Phần giới thiệu của một đội thi tại giao lưu sân khấu hóa tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên nông dân vùng đồng bào DTTS&MN huyện Đà Bắc năm 2024.
Phần giới thiệu của một đội thi tại giao lưu sân khấu hóa tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên nông dân vùng đồng bào DTTS&MN huyện Đà Bắc năm 2024

Có thể kể tới hình thức tuyên truyền qua hình thức tập huấn như hồi tháng 7/2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đà Bắc đã tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới, lồng ghép giới cho cán bộ thôn, bản. Tham dự có 150 học viên là cán bộ xã, thôn bản, Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc và miền núi trên địa bàn huyện. Qua đợt tập huấn, các học viên được trang bị và nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ thôn bản. Qua đó, nâng cao nhận thức và thái độ thực hiện các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết trong phát triển năng lực lồng ghép giới tại vùng đồng bào dân tộc và miền núi cho cán bộ, người làm công tác truyền thông các xã, thôn, bản, góp phần giảm thiểu mất bình đẳng giới vùng đồng bào, DTTS trên địa bàn huyện Đà Bắc.

Đến giữa năm 2024, toàn huyện Đà Bắc đang duy trì hoạt động của hơn 120 tổ hòa giải ở các xóm, bản, khu dân cư với gần 700 hòa giải viên. Bằng việc tiếp nhận, nắm bắt, giải quyết hòa giải thành công hơn 98% số vụ việc phát sinh trên địa bàn.

Thống kê trong 5 năm (2019 - 2024), các cơ quan, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn của huyện Đà Bắc đã phối hợp tổ chức được 1.856 buổi tuyên truyền, hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật, truyền thông từ huyện đến thôn, bản, bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến… với 121.698 lượt người tham gia. Cùng với đó, đã cấp phát 10.532 cuốn tài liệu tuyên truyền cho đồng bào DTTS; tổ chức trợ giúp pháp lý cho 711 người. Qua đó giúp nâng cao ý thức tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật cho đồng bào DTTS, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền

Trong nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân, huyện Đà Bắc thực hiện đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền. Trong đó, ưu tiên tuyên truyền nâng cao nhận thức về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030; các chính sách có liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN nhằm tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách trên địa bàn huyện.

Hằng năm, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch ngay từ đầu năm. Căn cứ vào đặc điểm tình hình cụ thể của địa phương, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện theo phương châm toàn diện; trong đó tập trung vào một số vấn đề cơ bản, sát với đời sống của người dân như Hiến pháp năm 2013; Luật Dân sự; Luật Đất đai; Luật Phòng, chống ma túy; các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý, bảo hiểm xã hội, đăng ký quản lý hộ tịch, chứng thực, thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống mới; Luật Hôn nhân và Gia đình, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới; tuyên truyền về Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025”…

Các nội dung nói trên đã được đội ngũ cán bộ tư pháp, tuyên truyền viên truyền tải đến người dân thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng… Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội và xu thế công nghiệp 4.0, hình thức vận động, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã có nhiều đổi mới theo hướng đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin, góp phần giảm chi phí, nhân lực trong quá trình thực hiện tuyên truyền. Các cổng, trang thông tin điện tử của các ban, ngành, địa phương đã giúp Nhân dân tìm hiểu, tiếp cận, khai thác và sử dụng các văn bản thuộc nhiều lĩnh vực. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo,… cũng được chú trọng với nhiều hình thức sinh động, tránh sự nhàm chán, cứng nhắc, phù hợp với thói quen sử dụng điện thoại thông minh của người dân. Theo ông Xa Vũ Tùng, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Đà Bắc, việc đổi mới hình thức tuyên truyền đã tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; giúp cho đồng bào các dân tộc trong huyện dễ hiểu, dễ nhớ hơn khi tiếp cận với các quy định của pháp luật.

Tuyên truyền phổ biến pháp luật thông qua hình thức tiểu phẩm sân khấu hóa.
Tuyên truyền phổ biến pháp luật thông qua hình thức tiểu phẩm sân khấu hóa

Đặc biệt, thực hiện phương châm hướng mạnh về cơ sở trong tuyên truyền pháp luật, những năm gần đây, công tác tuyên truyền pháp luật đã được chú trọng thực hiện đến tận các thôn, bản, khu dân cư. Phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, cán bộ tư pháp xã, thị trấn. Chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải được nâng cao đã góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở trên địa bàn huyện thời gian qua.

Có thể khẳng định, từ chú trọng thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã giúp đồng bào các dân tộc ở huyện vùng cao Đà Bắc nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS cơ bản được ổn định, giữ vững. Đồng bào các dân tộc phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tập trung xây dựng nông thôn mới, vươn lên phát triển toàn diện về mọi mặt.


Tin cùng chuyên mục
Công tác giảm nghèo huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Đẩy mạnh các hoạt động cải thiện dinh dưỡng trong vùng đồng bào DTTS (Bài 3)

Công tác giảm nghèo huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Đẩy mạnh các hoạt động cải thiện dinh dưỡng trong vùng đồng bào DTTS (Bài 3)

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, ngoài việc thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn còn thực hiện các nội dung hỗ trợ nhằm cải thiện dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe cho Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS.
Đọc nhiều