Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Đa dạng việc làm cho người lao động nhìn từ những số liệu thống kê và từ cuộc điều tra 53 DTTS

An Yên - 16:30, 26/11/2024

Những công bố về lao động, việc làm và thu nhập của người dân cả nước trong quý II năm 2024 đã cho thấy,có nhiều vấn đề cần phải lưu tâm. Thêm những dữ liệu từ điều tra thực trạng kinh tế- xã hội 53 DTTS, chắc chắn sẽ là cái nhìn tổng thể, đa chiều để thực hiện tốt hơn chính sách dân tộc về đào tạo nghề, giải quyết việc làm – một yếu tố quan trọng để xóa đói giảm nghèo hiệu quả, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động tại huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai
Tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động tại huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai

Theo kết quả điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019, do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện, cả nước có trên 3,6 triệu hộ đồng bào DTTS, chiếm 13,7% tổng số hộ của cả nước, trong đó khoảng 3,1 triệu hộ (tương đương 83,3%) sống ở khu vực nông thôn. Cũng theo kết quả điều tra này, dân số của 53 DTTS là 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước.

Cư trú chủ yếu ở khu vực nông thôn và nhờ hệ thống chính sách tập trung đầu tư, hỗ trợ cho khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS và miền núi nên tỷ lệ dân số người DTTS trong độ tuổi lao động (LĐ) có việc làm rất cao. Theo kết quả điều tra thu thập thông tin thực trạng KT - XH 53 DTTS, cả nước có gần 8 triệu LĐ người DTTS có việc làm, chiếm 82,1% tổng số người DTTS từ 15 tuổi trở lên.

Việc làm của lao động người DTTS cũng rất đa dạng. Theo kết quả điều tra, xét theo nghề nghiệp, thì người DTTS ở vị trí “Nhà lãnh đạo” chiếm tỷ lệ 0,2% trong tổng số LĐ có việc làm từ 15 tuổi trở lên; làm “Chuyên môn kỹ thuật bậc cao” chiếm tỷ lệ 2,0%; làm “Chuyên môn kỹ thuật bậc trung” chiếm tỷ lệ 1,3%; làm “Nhân viên” chiếm tỷ lệ 0,5%; làm “Dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng” chiếm tỷ lệ 5,3%; làm “Nghề trong nông, lâm, ngư nghiệp” chiếm tỷ lệ 9,9%; làm “Thợ thủ công và vận hành máy móc thiết bị” chiếm tỷ lệ 5,3%; làm “Nghề giản đơn” chiếm tỷ lệ 68,6%.

Còn xét theo cơ cấu, LĐ người DTTS đang làm việc ở tất cả khu vực kinh tế. Trong đó, LĐ người DTTS trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ lệ 73,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ lệ 14,8%, khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ 11,9%.

Đây là những thông số có ý nghĩa quan trọng để những nhà hoạch định chính sách có cái nhìn đa chiều hơn trong việc tham mưu, tạo ra nhiều loại hình việc làm cho người lao động sau cuộc điều tra 53 DTTS năm 2024. 

Theo TS. Phạm Thái Hưng - chuyên gia tư vấn độc lập về phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, bên cạnh xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý để bảo đảm quyền việc làm cho đồng bào DTTS, các chính sách hiện hành cần có nhiều biện pháp để hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho LĐ người DTTS.

Thực tế thì, từ các kết quả điều tra, chính sách về lao động việc làm đã được thực hiện tốt hơn, đa dạng hơn, bao phủ hơn. Cụ thể, trong Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, có Tiểu dự án 3 (Dự án 5) về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững tại vùng nghèo, vùng khó khăn.

Ngoài các chính sách của Trung ương, từ kết quả điều tra 53 DTTS năm 2024, các địa phương chắc chắn cũng sẽ nghiên cứu, xem xét để thực hiện tốt hơn về chính sách tạo việc làm và thu hút lao động DTTS. Bởi, thất nghiệp tăng, thiếu việc làm lớn, thu nhập thấp…, thì câu chuyện đói nghèo vẫn còn hiện hữu.

 Giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người lao động trên cơ sở tình hình thực tế địa phương và căn cứ vào số liệu của điều tra 53 DTTS, sẽ là cách nhanh nhất để người dân vùng DTTS có cơ hội tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.