Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Kiên Giang: Những đổi thay của vùng đồng bào DTTS nhìn từ điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS

Tào Đạt - 13:09, 16/10/2024

Cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được triển khai tại 84 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thành phố. Mặc dù số liệu thống kê từ ngành chức năng chưa được công bố chính thức, song từ cuộc điều tra thu thập thông tin đã cho thấy nhiều chỉ số, thông tin vùng đồng bào DTTS ở những địa bàn điều tra đã có sự đổi thay tích cực. Kết quả này là từ thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2019 đến nay, kinh tế ở vùng đồng bào DTTS tại Kiên Giang đã tăng trưởng đáng kể, đời sống bà mon được nâng lên
Từ cơ sở dữ liệu từ cuộc điều tra thu thập thông tin 53 DTTS lần thứ 2, năm 2019 đến nay, kinh tế ở vùng đồng bào DTTS tại Kiên Giang đã tăng trưởng đáng kể, đời sống bà con được nâng lên

Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, diện mạo vùng DTTS chuyển biến tích cực

Với 27 thành phần dân tộc cùng sinh sống, đồng bào DTTS trên địa bàn Kiên Giang chiếm khoảng 14,94% dân số của tỉnh; trong đó, dân tộc Khmer chiếm 13,19%, dân tộc Hoa chiếm 1,69%; các DTTS khác chiếm 0,06%.

Cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 tại tỉnh Kiên Giang được sự phối kết hợp chặt chẽ, hiệu quả của Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và phòng Dân tộc các huyện. Đến thời điểm này, số liệu của cuộc điều tra vẫn chưa được công bố. 

Tuy nhiên, báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho thấy, giai đoạn năm 2019-2024, kinh tế ở vùng đồng bào DTTS của địa phương này đã tăng trưởng đáng kể. Đời sống mọi mặt của bà con được nâng lên, hộ nghèo DTTS giảm mạnh xuống còn 2,40%, hộ cận nghèo là 3,64%. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến cuối năm 2023 ước đạt 63 triệu đồng/người/năm.

Ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết: Dựa trên kết quả của cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019, tỉnh Kiên Giang đã đẩy mạnh triển khai các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, coi đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Gần đây nhất, là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Kiên Giang được bố trí hơn 662,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, nguồn đầu tư giải quyết được rất nhiều những khó khăn cấp thiết trong vùng đồng bào DTTS như, sinh kế bền vững, các mô hình kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhà ở, nước sạch…

Kết quả nổi bật từ nguồn lực đầu tư là 100% số xã vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã có đường đến trung tâm; trên 90% ấp đặc biệt khó khăn có đường giao thông; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, lớp mẫu giáo; 100% xã đã phủ sóng phát thanh và sóng truyền hình, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,6%...

“Đến nay, toàn tỉnh có 37/41 xã vùng đồng bào DTTS được công nhận là xã nông thôn mới, trong đó 6 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao. So với thời điểm điều tra năm 2019, diện mạo vùng đồng bào DTTS của tỉnh Kiên Giang có nhiều thay đổi rõ rệt”, ông Danh Phúc đánh giá.

Các sư và Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã cẩn thận lưu trữ báo Dân tộc và Phát triển được cấp không thu tiền
Các sư và Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã lưu trữ cẩn thận những tờ báo Dân tộc và Phát triển được cấp theo chính sách đối với Người có uy tín

Chất lượng đời sống được cải thiện

Cùng với đầu tư phát triển kinh tế trong đồng bào DTTS, từ các chương trình, dự án, tỉnh Kiên Giang cũng đã hỗ trợ bà con cải thiện chất lượng cuộc sống. Số liệu trong 2 cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS gần đây nhất cho thấy, nhiều tập quán sinh hoạt, sản xuất ảnh hưởng tới sức khỏe trong đồng bào DTTS trên địa bản tỉnh đã từng bước thay đổi tích cực.

Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe đồng bào DTTS được đặc biệt quan tâm. 100% xã vùng DTTS có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế có y, bác sĩ luân phiên trực. Mỗi năm tỉnh cấp gần 1 tỷ đồng triệu đồng để mua thuốc trị bệnh miễn phí cho đồng bào.

Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm y tế, các chương trình y tế quốc gia ở vùng đồng bào DTTS, tỉnh Kiên Giang đã cấp 357.254 lượt thẻ Bảo hiểm y tế, với kinh phí trên 206 tỷ đồng; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đã đạt 89,3%; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng hố xí hợp vệ sinh đạt 88,2%...

Công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, các nhu cầu thụ hưởng văn hóa được cơ bản đáp ứng đã góp phần nâng cao chất lượng dân số trong đồng bào DTTS tại Kiên Giang
Công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, các nhu cầu thụ hưởng văn hóa được cơ bản đáp ứng đã góp phần nâng cao chất lượng dân số trong đồng bào DTTS tại Kiên Giang

Cùng với đó, kể từ năm 2019 đến nay, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Kiên Giang luôn quan tâm. Các lễ hội văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng được bảo vệ tốt hơn; và được đầu tư nhiều hơn cả về nhân lực, vật lực để giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống trên tiến trình hội nhập.

Tỉnh Kiên Giang đã khôi phục, duy trì và phát triển các loại hình văn hóa, như: ghe ngo, các điệu múa truyền thống, Nhạc Ngũ âm, hội diễn văn nghệ quần chúng của người Khmer; các đội văn nghệ múa Lân-Sư-Rồng của người Hoa. Trong các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, tỉnh Kiên Giang đã tạo điều kiện duy trì và tổ chức tốt. Qua đó, nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng…

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc cho rằng, nhìn từ những thông tin sơ bộ từ cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS vừa qua đã cho thấy, một “bức tranh” tương đối đầy đủ và toàn diện về thực trạng kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Đồng thời, đây là minh chứng rõ nhất về những hiệu quả thiết thực khi triển khai các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

"Kết quả cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, sẽ công bố trong thời gian tới, cũng chính là cơ sở quan trọng để hoạch định được những chính sách dân tộc thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đấy phát triển vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS trong những năm tiếp theo", ông Danh Phúc nhấn mạnh.