Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Quảng Ngãi: Tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn

T.Nhân - H.Trường - 20:15, 13/04/2025

Ngày 13/4, tại huyện đảo Lý Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Lý Sơn long trọng tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Các bô lão trên đảo Lý Sơn làm Lễ khao Lề thế lính Hoàng Sa
Các bô lão trên đảo Lý Sơn làm Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Lễ diễn ra vào ngày 16/3 âm lịch hằng năm, tại Đình làng An Vĩnh, do Ban Khánh tiết cùng các tộc họ trên đảo thực hiện. Nghi lễ gồm các phần chính như lễ yết, lễ cung nghinh, lễ thả thuyền… nhằm tưởng niệm và tri ân các binh phu trong Đội Hùng binh Hoàng Sa năm xưa - những người đã không quản hiểm nguy ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia chủ quyền cho Tổ quốc.

Lễ Khao lề không chỉ là hoạt động tâm linh mà còn là dịp để người dân và du khách hiểu rõ hơn về sự hy sinh thầm lặng của cha ông trong công cuộc bảo vệ lãnh hải. Qua đó, góp phần bồi đắp tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của thế hệ trẻ hôm nay.

Các bô lão trên đảo Lý Sơn làm Lễ khao Lề thế lính Hoàng Sa
Các bô lão trên đảo Lý Sơn làm Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Theo Ban Khánh tiết đình làng An Vĩnh, hằng năm, các tộc họ ở làng An Vĩnh lại tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Dịp này, ngoài tri ân những binh phu đi hàng trăm dặm ra các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để đo đạc hải trình, thu lượm sản vật, cắm mốc chủ quyền, Lễ còn giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về tinh thần đoàn kết, yêu nước, yêu biển đảo quê hương.

Hàng trăm năm trước, mỗi bận các binh phu lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng nói trên, đảo Lý Sơn tổ chức Khao lề thế lính Hoàng Sa. “Khao lề” là lệ khao định kỳ hằng năm, còn “thế lính” là việc cúng thế mạng cho những binh phu ra đảo, người đi thì có người về không thấy.

Thắp hương trước những mô hình thuyền đánh cá trước khi thả ra biển
Thắp hương trước những mô hình thuyền đánh cá trước khi thả ra biển

Ngày trước, nối tiếp từng năm, hàng chục binh phu được sung vào Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải để lên đường làm nhiệm vụ, trong số ấy, có nhiều người bỏ mạng nơi đầu sóng, không mang thi thể về được đất liền mà cuốn tròn trong tấm chiếu thả vào lòng đại dương.

Sau Lễ Chánh tế Khao lề thế lính Hoàng Sa, thầy pháp thực hiện các nghi thức thế lính an vị các vong linh chiến sĩ Hoàng Sa trước khi thả thuyền ra biển. Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn - cúng thế cho người sống để cầu mong bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi lên đường làm nhiệm vụ.

Chuẩn bị thả những mô hình thuyền đánh cá mang lễ vật ra biển
Chuẩn bị thả những mô hình thuyền đánh cá mang lễ vật ra biển

Kết thúc phần tế lễ, tiếng ốc u được thổi lên từng hồi trầm hùng hiệu lệnh trai tráng trong làng rước mô hình các thuyền câu ra biển. Tái hiện lại lễ tiễn đưa các hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc.

Sau khi được thả ra biển, những mô hình thuyền đánh cá theo sóng đi muôn nơi
Sau khi được thả ra biển, những mô hình thuyền đánh cá theo sóng đi muôn nơi

Bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, qua nghi lễ này, giúp người dân trên đảo và du khách hiểu rõ hơn về khó khăn, gian khổ cũng như công lao của Đội Hùng binh Hoàng Sa trong việc bảo vệ, gìn giữ chủ quyền lãnh hải quốc gia. Đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, đặc biệt là với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục
Những bữa ăn đong đầy hạnh phúc, yêu thương

Những bữa ăn đong đầy hạnh phúc, yêu thương

Thời gian qua, Đồn Biên phòng Thàng Tín (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) đã phối hợp với các trường mầm non trên địa bàn 03 xã biên giới Thèn Chu Phìn, Thàng Tín, Pố Lồ tổ chức Chương trình "Bữa cơm cho em" tại một số điểm trường. Không chỉ tạo ra mối gắn kết sâu sắc giữa quân - dân ở khu vực biên giới, những hoạt động ý nghĩa này còn khắc sâu hơn hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Biên phòng trong lòng người dân.