Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đặc sắc trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi

Trần Đình Quang - 11:32, 29/10/2021

Đồng bào Cor, Hrê, Ca Dong (thuộc dân tộc Xơ Đăng) sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi Quảng Ngãi như Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long. Trang phục của các dân tộc vùng cao Quảng Ngãi mang nét đẹp đặc trưng tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi tộc người.

Thiếu nữ dân tộc Cor trong ngày hội
Những cô gái người Cor trong ngày hội (Ảnh tư liệu)

Trang phục của người Cor

Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Chư đã có nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu bản sắc văn hóa người Cor cho biết: Người Cor không có nghề dệt nên thường mua vải của các dân tộc khác về để tự may trang phục cho mình. Xưa kia, đàn ông người Cor thường đóng khố ở trần. Khố có màu xanh hoặc đen. Khi trời lạnh thì khoác thêm tấm choàng, chéo qua vai che kín lưng đến bắp chân.

Trang phục nam dân tộc Cor trong ngày hội
Trang phục nam của người Cor trong ngày hội
Thiếu nữ dân tộc Cor trong trang phục truyền thống
Thiếu nữ Cor trong trang phục truyền fthống

Còn phụ nữ Cor mặc trang phục thường ngày rất đơn giản. Áo cộc tay, cổ tròn chui đầu và váy là một tấm vải hình chữ nhật có màu xanh hoặc đen được quấn quanh và giắt mối ở bên hông.

Ngày nay, phụ nữ Cor thường mặc trang phục có hai màu chủ đạo là màu xanh và trắng. Trang phục lễ hội của phụ nữ Cor khá đẹp. Trên đầu có dải vải chít ngang, phần trên cùng có trang trí hình tượng trưng những ngôi sao, giữa lưng có thắt vải màu, tượng trưng như những tổ ong.

Riêng trong lễ cưới, trang phục của cô dâu và chú rể được trang trí khá đẹp. Cô dâu đội chiếc nón cưới bằng nan tre do chú rể đan, tay cầm rựa và chiếc khăn gói trầu cau. Chú rể mặc tấm choàng thường có màu đen sọc dọc màu đỏ, đầu chít mũ lễ có hai mấu chìa ra tựa như cánh chuồn, tai đeo mấu bằng gỗ, vai vác thanh kiếm phép. Ngoài trang phục, người Cor còn tạo ra nhiều loại vòng đeo cườm tay, đeo trên cổ, tô điểm thêm nét đẹp trong lễ hội.

Trang phục người Ca Dong

Đối với trang phục truyền thống của người Ca Dong ở huyện Sơn Tây, theo cố Nghệ sĩ ưu tú Đinh Long Ta miêu tả trong cuốn sách “Mấy nét văn hóa cổ truyền của người Ca Dong”-xuất bản năm 1999 thì: Đàn ông Ca Dong thường mặc tấm vải choàng màu xanh chàm, cổ viền sọc hoặc màu đỏ, có viền sọc xanh trắng quàng chéo từ vai bên này xuống hông bên kia.

Trang phục truyền thống nam, nữ người Ca Dong
Trang phục truyền thống nam, nữ người Ca Dong

Bộ y phục cổ truyền của người phụ nữ Ca Dong gồm: Ruybăng buộc đầu, yếm, hai miếng vải choàng từ vai bên này xuống hông bên kia, từ vai kia xuống hông bên này và váy. Màu váy phổ biến nhất là màu chàm và đen, dài đến giữa bắp chân. Dọc các đường gấp váy có sọc trắng đỏ và trang trí những hoa văn hình chữ chi, chữ x, hình thoi, hình lá cây… Miếng vải choàng thường là một miếng đỏ, một miếng trắng, yếm thường dùng vải màu đỏ. Ruybăng buộc đầu thường có màu trắng, đỏ, vàng, tím, được xâu theo hoa văn hình thoi, tam giác hình lá cây, chiều dài vừa khít đầu, chiều rộng bằng ngón tay cái. Vòng cổ bằng sợi dây cườm nhiều màu và kiềng bằng bạc bằng thau. Vòng chân bằng dây cườm nhiều màu buộc vào cổ chân thành nhiều vòng.

Trang phục của người Hrê

Trang phục của người Hrê khác nhiều so với dân tộc Cor, người Ca Dong bởi người Hrê xưa kia có nghề trồng bông dệt vải. Hiện nay, người Hrê ở Quảng Ngãi chỉ còn lại một làng nghề chuyên dệt thổ cẩm, đó là làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hồng Khánh thì “Người Hrê dù nam hay nữ đều có hai bộ trang phục cơ bản đó là: Trang phục bằng thổ cẩm dùng trong các dip lễ, Tết và trang phục dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Váy áo thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Hrê có 3 màu gồm: đen, trắng và đỏ. Trong đó, màu đen là màu nền chủ đạo vì đồng bào cho rằng, màu đen kín đáo, dịu dàng, mạnh mẽ, dẻo dai …”

Trang phục nam nữ dân tộc Hrê
Trang phục truyền thống của người Hrê

Theo quan niệm của người Hrê, trang phục là nét đẹp văn hóa cổ truyền, mang nặng yếu tố tâm linh. Trong cuộc đời của mỗi người Hrê từ khi lớn lên cho đến khi rời khỏi cõi đời, màu vải áo thổ cẩm đều theo họ. Người con gái khi đi lấy chồng được mẹ đẻ tặng chiếc áo và bộ váy đẹp để đi theo chồng. Khi sinh con, ai cũng dành chiếc khăn thổ cẩm đắp trên bụng đứa trẻ để thần linh che chở phù hộ cho đứa trẻ khỏe mạnh, mau lớn. Khi về già chết đi, người nhà đem chiếc áo thổ cẩm theo người đã chết. Chính vì quan niệm như vậy nên người Hrê ở làng Teng đến nay vẫn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm. Con gái làng Teng trước khi đi lấy chồng ai cũng phải học nghề dệt thổ cẩm làng mình.

Hiện nay trang phục đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Ngãi đang bị mai một đi nhiều. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo tồn văn hóa cổ truyền của dân tộc nên mỗi huyện chỉ sắm vài chục bộ trang phục để phục vụ trong những ngày lễ hội. Một số phụ nữ say mê sắc màu văn hóa dân tộc mình thì tự mua sắm cho bản thân một bộ trang phục để mặc mỗi khi có lễ hội. Cũng có một số trường học đã đầu tư kinh phí mua trang phục dân tộc cho học sinh và giáo viên để mặc trong ngày đầu tuần.

Để bảo tồn bản sắc văn hóa cổ truyền dân tộc, các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Ngãi cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nét đẹp văn hóa từ trang phục, khuyến khích đồng bào sử dụng trang phục của dân tộc mình trong các lễ hội, lễ tết… Bên cạnh đó, cần có chính sách bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc để lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng.  

Du khách tham quan Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) mặc trang phục Hrê chụp ảnh lưu niệm
Du khách tham quan Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) mặc trang phục Hrê chụp ảnh lưu niệm

 

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.