Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đại đức Danh Út - Tấm gương về tinh thần học tập và hoạt động thiện nguyện

M. Phương - S. Vy - 06:33, 16/11/2022

Đại đức, Tiến sĩ Danh Út - trụ trì chùa Khmer Thôn Dôn (Keomunìvansà) TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang còn đảm nhiệm vai trò là Người có uy tín, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước Tp. Rạch Giá . Đại đức là người luôn được Nhân dân trong vùng kính trọng. Bao năm qua, Đại đức đã có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội, chung tay cùng với chính quyền địa phương vận động đồng bào Khmer xây dựng phum sóc văn minh, tiến bộ.

Đại đức Danh Út bên bảng lưu niệm khi khánh thành cầu do chính mình thiết kế
Đại đức Danh Út bên bảng lưu niệm khi khánh thành cầu do chính mình thiết kế

“Học là con đường thoát nghèo bền vững”

Sau khi vào tu học tại chùa Thôn Dôn lúc 12 tuổi, sư Danh Út đã ý thức rằng, chỉ có học thì mới có thể giúp ích cho đạo và đời nên sư luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Sau 15 năm tu học, sư Danh Út luôn đạt được nhiều thành tích trong học tập và công tác xã hội. Thấy được sự trưởng thành và tiến bộ nhanh của sư Danh Út, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước (SSYN) tỉnh suy cử sư Danh Út làm trụ trì chùa Thôn Dôn vào năm 2008.

Sau 5 năm làm trụ trì, Đại đức Danh Út đúc kết được rằng, nếu không học tập nâng cao kiến thức, thì sẽ rất khó phát triển, bởi làm ruộng, rẫy cũng cần học tập về kỹ thuật, đồng bào dân tộc Khmer muốn phát triển kinh tế phải có kiến thức.

Là người gắn bó với đồng bào phật tử Khmer, Đại đức Danh Út càng nêu gương để phật tử xem trọng việc học. Với ý chí vượt khó trong học tập, Đại đức Danh Út đã lần lượt có bằng cử nhân ngành Xã hội học (năm 2010) và cử nhân ngành Việt Nam học (năm 2012). Không chỉ lấy được tấm bằng cử nhân mà sư Út cũng đã tiếp tục học Thạc sĩ chuyên ngành Văn hóa Khmer Nam Bộ - Đại học Trà Vinh và trở thành Tiến sĩ vào đầu năm 2022, với tuổi đời mới 40 (Đại đức Danh Út sinh năm 1982 - PV).

Đại đức Danh Út trao quà đến Ban Giám hiệu Trường DTNT Kiên Giang nhân dịp Kỷ niệm 30 năm thành lập
Đại đức Danh Út trao quà đến Ban Giám hiệu Trường DTNT Kiên Giang nhân dịp Kỷ niệm 30 năm thành lập

Đại đức Danh Út chia sẻ: “Muốn thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer, mỗi cá nhân phải tự lực vươn lên để thoát nghèo. Để nêu gương cho phật tử, mỗi vị sư cũng cần phải học, tích lũy kiến thức để vận động đồng bào phật tử thay đổi tư duy trước sự phát triển của xã hội, được như vậy thì mới phụng sự được cho đất nước”.

Đại Đức Danh Út luôn tâm niệm: “Học là con đường thoát nghèo bền vững”, từ khi làm trụ trì, Đại đức đã mở nhiều lớp học tại chùa, trong đó có lớp dạy song ngữ Việt - Khmer, Pali, Vini và lớp nhạc ngũ âm Khmer cho sư sãi và con em người dân tộc Khmer trong địa bàn.

Ông Danh Ngọc Hùng - nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết: Bên cạnh vận động đồng bào phật tử học tiếng mẹ đẻ, Đại đức Danh Út còn có phương pháp giảng dạy tốt, tận tâm truyền chữ, nên số lượng sư sãi, con em đồng bào Khmer theo học tại chùa ngày càng đông. Trong thời gian qua, đã có hàng trăm sư sãi và học sinh, sinh viên đến tu học tại chùa; phối hợp với trường trung cấp nghề, mở các lớp điện gia dụng tại chùa cho sư sãi và thanh niên dân tộc Khmer. 

"Ngoài công tác phật sự, chính quyền địa phương, các tổ chức và bà con ghi nhận sâu sắc sự cống hiến của nhà tu là Tiến sĩ trẻ đã hết lòng vì sự nghiệp giáo dục cho con em đồng bào Khmer", ông Danh Hùng cho biết thêm.

Đại đức Danh Út (người cầm xẻng thứ hai từ trái qua) làm lễ cầu nguyện trước khi khởi công cầu
Đại đức Danh Út (người cầm xẻng thứ hai từ trái qua) làm lễ cầu nguyện trước khi khởi công cầu

Những chiếc cầu mang bản sắc văn hoá

Ngoài việc là tấm gương cho các sư sãi, đồng bào phật tử noi theo về tinh thần học tập, Đại đức Danh Út còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương. Những năm qua, thấu hiểu việc khó khăn về giao thông đi lại của bà con ở vùng nông thôn và việc nguồn kinh phí đầu tư cho các công trình giao thông còn hạn chế, Đại đức Danh Út đã cùng Hội Từ thiện chùa Khmer Thôn Dôn, nơi Đại đức làm trụ trì vận động các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh góp tiền, góp công để xây dựng, sửa chữa nhiều cầu giao thông nông thôn. Đặc biệt những chiếc cầu do Đại đức Danh Út thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.

Đại đức Danh Út nói về những điểm đặc biệt trong thiết kế những chiếc cầu, chúng ta cứ khẩu hiệu phát huy và bảo tồn văn hóa, nhưng không có việc làm cụ thể, thì khó nói được hiệu quả.

Đại đức chia sẻ: Từ khi có Chỉ thị 19 dành riêng cho vùng đồng bào Khmer, Đại đức luôn tâm nguyện, mong muốn góp một phần sức nhỏ để cụ thể hóa Chỉ thị. Bên cạnh đó, từ nhỏ Đại đức sống vùng nông thôn, từng chứng kiến cảnh đò ngang cách trở hai phum sóc, từ hai ý nguyện trên Đại đức quyết tâm xây dựng những chiếc cầu mamg đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, vừa giúp cho đồng bào, phật tử lưu thông thuận tiện hơn, các em học sinh đến trường được an toàn, nhất là vào mùa mưa, vừa giúp cho chính quyền địa phương giảm áp lực về nguồn vốn cho xây dựng đường giao thông nông thôn.

Những chiếc cầu không chỉ được xây dựng trong vùng đồng bào Khmer mà còn mang đậm kiến trúc văn hoá dân tộc
Những chiếc cầu mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer

Thông qua các phật tử, Đại đức Danh Út đi đến nơi có cầu xuống cấp, hoặc chưa có cầu kiên cố để xem và gặp chính quyền địa phương trao đổi, thống nhất phương án thực hiện. Những cây cầu được thiết kế mang dấu ấn và truyền tải văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ thông qua các biểu tượng trang trí ở từng cây cầu. Trong đó, đặc sắc nhất là biểu tượng rắn thần Naga (rồng), Pháp luân xa và hình ảnh Chư thiên. Mỗi biểu tượng có ý nghĩa và truyền tải thông điệp văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer đến phật tử trong phum sóc đó.

Hình ảnh nhà sư trong chiếc áo cà sa cùng quây quần trộn hồ, đổ xi măng, đổ khuôn tỉ mỉ từng họa tiết hoa văn... cho chiếc cầu thêm rực rỡ, trang trí sắc sảo từng đường nét văn hóa… đã dần quen thuộc với người dân và chính quyền địa phương.

Ông Danh Tùng - Phó Chủ tịch xã Thạnh Lộc (huyện Châu Thành) cho biết: Tại xã Thạnh Lộc, Đại đức Danh Út và Hội Từ thiện chùa Thôn Dôn đã xây dựng được 5 cây cầu nông thôn. Trong đó, có cây cầu số 9 được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào dịp lễ Sen Dolta vừa qua tại xã, với kinh phí xây dựng 450 triệu đồng, chưa tính những ngày công của phật tử đóng góp xuyên suốt trong 3 tháng.

Những cây cầu xây dựng rất chất lượng, đem lại điều kiện rất thuận lợi cho người dân và học sinh vùng nông thôn ở các xã lân cận. Địa phương rất trân trọng nghĩa cử của Đại đức. Trong lúc thi công, Đại đức còn vận động bà con phật tử tình nguyện hiến đất để làm cầu, đường lớn hơn mà không đòi bồi hoàn. Nhờ sự đóng góp của Đại đức, mà xã Thạnh Lộc hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới”, ông Danh Tùng cho biết.

Bên cạnh vận động kinh phí, vật liệu xây dựng cầu, đường giao thông, Đại đức Danh Út và Hội Từ thiện chùa Thôn Dôn còn vận động kinh phí xây dựng nhà cho người có hoàn cảnh khó khăn, vận động hỗ trợ trùng tu, các chùa Khmer với kinh phí hàng tỷ đồng… Ngoài ra, Hội Từ thiện chùa Thôn Dôn còn xây dựng Phòng Khám bệnh Y học cổ truyền cho người dân tại chùa Thôn Dôn…

Ông Dương Thanh Nhị - Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hiệp (Tp. Rạch Giá) cho biết: Chính quyền địa phương rất ghi nhận và đánh giá cao uy tín và sức ảnh hưởng lan tỏa của Đại đức trong cộng đồng Nhân dân. Những nghĩa cử mà Đại đức Danh Út đã làm cho cộng đồng đã góp phần rất lớn cho địa phương trong hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM. 

Hiện nay, địa phương đang triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, chúng tôi tin tưởng với vai trò Người có uy tín, Đại đức Danh Út, cũng như đội ngũ cốt cán khác trên địa bàn, chính là những "nòng cốt" ở cơ sở cùng với chính quyền, tiếp tục có những sáng kiến, cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào Khmer tranh thủ các nguồn lực đầu tư hỗ trợ từ các dự án, tiểu dự án của Chương trình để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, đồng thời đồng thuận chung tay xây dựng phum sóc ngày càng phát triển ấm no, hạnh phúc.