Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đại ngàn Tây Nguyên trong nhạc sĩ Kpa Ylăng

Lương Định - 14:52, 09/12/2021

Nhạc sĩ Kpa Ylăng được mệnh danh là cánh chim Ch’rao của núi rừng Tây Nguyên. Những sáng tác của ông dù là âm nhạc, thơ hay công trình nghiên cứu văn hóa đều thấm đẫm "chất" Tây Nguyên. Ông cũng là người có công đầu trong việc đưa trống đôi, cồng ba, chiêng năm của người Ba Na, người Chăm trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chân dung nhạc sĩ Kpa Ylăng
Chân dung nhạc sĩ Kpa Ylăng

Sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng nhạc sĩ Kpa Y Lăng luôn không nguôi nhớ về quê nhà Phú Yên, mảnh đất thấm đẫm âm nhạc của dân tộc Ba Na và Chăm mà ông đã dành gần trọn đời mình gắn bó. Nơi đó, ông từng chung tay với dân làng xây dựng nhà văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa mới, tổ chức phục dựng lễ hội đâm trâu để nghiên cứu âm nhạc cồng chiêng của đồng bào Ba Na, đồng bào Chăm ở Phú Yên. Để rồi năm 2016, nghệ thuật trình diễn "trống đôi, cồng ba, chiêng năm" của dân tộc Ba Na, dân tộc Chăm trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được nhiều người biết đến.

Nhạc sĩ Kpa Ylăng, dân tộc Ba Na (tên khai sinh là La Mai Chửng), sinh năm 1942 ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Ông tham gia đánh giặc giữ buôn làng từ nhỏ, sau đó tập kết ra Bắc rồi vào Đoàn Ca múa Tây Nguyên làm diễn viên. Năm 1962, ông thi đỗ vào Trường Âm nhạc Việt Nam, học đàn Accordéon và sáng tác, năm sau đó, cùng Đoàn Ca múa Giải phóng miền Nam Việt Nam vào mặt trận B2 phục vụ chiến trường, tham gia biểu diễn và sáng tác tiết mục cho Đoàn, lấy bút danh là Kpa Y Lăng. Năm 1975, Kpa Y Lăng công tác tại Đoàn Ca múa Bông Sen, rồi chuyển về công tác nghiên cứu tại Phân viện Văn hóa - Nghệ thuật tại TP. Hồ Chí Minh cho tới lúc nghỉ hưu.

Nhạc sĩ Kpa Ylăng bắt đầu sáng tác âm nhạc từ năm 1968, trở thành nhạc sĩ đầu tiên của dân tộc Ba Na. Tuy ông viết không nhiều, nhưng âm nhạc của ông có phong cách độc đáo, vì được phát triển trực tiếp từ vốn sống và thấm nhuần những chất liệu dân ca các dân tộc ít người vùng Tây Nguyên như: Ba Na, Ê Đê, Gia Rai… Đó là những ca khúc tiêu biểu như: "Buôn mới”, “Tây Nguyên quê em”, “Nhạc đàn T’rưng”, “Hoa Pơ lang thành phố”, “Cao nguyên xanh”, “Nhớ mưa cao nguyên”, “Gió ru em”, “Xuân Tây Nguyên”… Trong số đó, nổi tiếng nhất, tạo được tiếng vang ấn tượng nhất chính là ca khúc “Suối hát Ây - Rey”, được Giải Nhất năm 2002 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Nhạc sĩ Kpa Ylăng và Đội cồng chiêng Ba Na làng Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên)
Nhạc sĩ Kpa Ylăng và Đội cồng chiêng Ba Na làng Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên)

Nhạc sĩ Kpa Ylăng là người đa tài, ngoài sáng ca khúc, nghiên cứu, sưu tầm âm nhạc dân gian, ông còn là một nhà thơ. Những tác phẩm thơ của ông cũng thấm đẫm màu sắc văn hóa Tây Nguyên, trong đó có một số bài thơ đã được phổ nhạc, tạo được tiếng vang như tập thơ “Mặt trời” (2004).

Dù là nhạc sĩ, nhưng Kpa Ylăng được biết đến nhiều hơn với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Vì vậy, trong các lễ hội lớn của các dân tộc ở Trường Sơn - Tây Nguyên, ông thường được mời làm cố vấn cho việc tổ chức, đạo diễn chương trình. Các nghiên cứu khoa học âm nhạc của ông, đặc biệt đề tài “Âm nhạc cồng chiêng trong lễ hội đâm trâu của dân tộc Ba Na ở Phú Khánh và Nghĩa Bình" được trình bày tại hội thảo Nhạc hội liên hoan cồng chiêng Gia Lai - Kon Tum năm 1985, rất có giá trị học thuật. Từ cơ sở ban đầu đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên lập hồ sơ đề nghị và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Giờ đây, đã ngoài 70 tuổi, nhạc sĩ Kpa Ylăng dù không có mảnh vườn, đám rẫy nào, nhưng ông có cả Tây Nguyên rộng lớn. Trong câu chuyện với chúng tôi, Kpa Ylăng chia sẻ, âm nhạc truyền thống của đồng bào Tây Nguyên rất giá trị. Tây Nguyên sẽ không còn là chính mình nếu mất đi cồng chiêng, mất đi tiếng đàn T’rưng, đàn goong… Trong giọng nói của ông, người nghe vẫn thấy nhiệt huyết của con người lội suối, băng rừng đi tìm đàn đá của mấy mươi năm trước...

Với những cống hiến không mệt mỏi nhạc sĩ Kpa Ylăng đã vinh dự đón nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Nhì và Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Chiến sĩ Văn hóa; giải Nhất ca khúc năm 2002 (Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

Tin cùng chuyên mục
Vọng khúc ca trù - Vọng lại tiếng ca đất kinh kỳ

Vọng khúc ca trù - Vọng lại tiếng ca đất kinh kỳ

Vừa qua, sự kiện “Vọng khúc ca trù” đã diễn ra tại Hội quán Phúc Kiến (số 40 Lãn Ông, Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là sự kiện do nhóm Việt Hòa Ca - sinh viên khoa Viết văn, Báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức. Sự kiện thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân Thủ đô, các du khách trong và ngoài nước.