Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đắk Lắk: Phát huy vai trò Người có uy tín để giữ rừng

Hoàng Thùy - 06:14, 26/11/2022

Những năm qua, trong khi rừng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị xâm hại nghiêm trọng, thì vẫn có một số khu rừng nguyên sinh được bảo vệ, chăm sóc nguyên vẹn. Để giữ được những cánh rừng này, có vai trò đóng góp quan trọng của các già làng, Người có uy tín trong việc phát huy, vận dụng luật tục tốt đẹp và tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy ước, hương ước của làng để giữ rừng.

Biển “Bảo vệ cây đầu nguồn bến nước” tại rừng K’mơng Prông
Biển “Bảo vệ cây đầu nguồn bến nước” tại rừng K’mơng Prông

Luật tục, hương ước góp phần giữ rừng đầu nguồn

Nhờ vận dụng nghiêm khắc luật tục, hương ước vào việc giữ rừng suốt nhiều năm qua, mà cánh rừng đầu nguồn buôn K’mrơng Prông A và K’mrơng Prông B, xã Ea Tu, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, vẫn còn giữ được dáng vẻ nguyên sinh. Khu rừng rộng khoảng 2 ha nhiều cây gỗ quý như sao xanh, bằng lăng, cà chít… có đường kính thân 2 - 3 vòng tay người ôm.

Già Y Yơh Kbuôr, Người có uy tín buôn K’mrơng Prông A chia sẻ: Ngày xưa người Ê Đê lập buôn ở đây vì chọn được bến nước nằm sâu trong rừng. Theo quan niệm của đồng bào Ê Đê, nước là “thần hồn” hiện linh của sự sống, rừng có thần rừng linh thiêng che chở cho buôn làng. Rừng mất thì nước cạn, buôn làng cũng không còn nên bà con xem việc giữ rừng như giữ sinh mạng của mình. Chặt một cây rừng phải nộp trâu, bò, vài vò rượu cần để cúng thần rừng và xin buôn làng tha thứ. 

Tái phạm lần thứ hai, thứ ba mức phạt sẽ tăng gấp nhiều lần. Vi phạm liên tiếp sẽ bị trai làng áp giải giao nộp cho chính quyền xử lý theo pháp luật. Vì vậy, việc bảo vệ rừng trở thành trách nhiệm của từng người trong buôn làng, được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Luật tục giữ rừng, hương ước của người Ê Đê buôn K’mrơng Prông A và K’mrơng Prông B quy định: Không mang lửa vào rừng; không chặt, phá cây rừng làm nương rẫy; cấm đóng cọc vào cây, cấm trèo lên cây, bẻ trái, hái lá cây rừng… Nếu người nào vi phạm sẽ bị dân làng phạt.

Già Y Yơh kể: Gần hai mươi năm trước, một người trong làng trót cưa một cây gỗ về làm bàn ghế bị người dân phát hiện. Cả buôn bắt nộp lại cây đền 2 con heo, 2 ché rượu cần ra bến nước trong rừng để làm lễ cúng xin thần rừng tha tội. Mỗi tuần buôn cắt cử một số thanh niên trai tráng vào rừng tuần tra, phát hiện người lạ vào rừng thì báo già làng, trưởng buôn kịp thời ngăn chặn những việc làm xâm hại đến rừng. Từ đó đến nay, không ai dám mạo phạm đến cánh rừng già này nữa.

Đến nay rừng Cư H’Lăm con nguyên vẹn
Đến nay rừng Cư H’Lăm vẫn còn nguyên vẹn

Cứ như vậy người dân hai buôn Kmrơng Prông yêu rừng, quý rừng và quyết giữ rừng. Nhờ vậy, khu rừng này mới được giữ vững. Năm 2015, rừng K’mơng Prông được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Đắk Lắk gắn biển “Bảo vệ cây đầu nguồn bến nước”.

Cách Tp.Buôn Ma Thuột chừng 15 km, rừng Cư H’Lăm rộng 18,6 ha ở thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar cũng đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Đó là nhờ các thế hệ già làng, Người có uy tín bao nhiêu năm qua, vẫn truyền đến người dân câu chuyện truyền thuyết nếu người xâm phạm, trục lợi rừng Cư H’Lăm thì sẽ phải đền tội. Vì vậy, dân trong làng không ai dám mạo phạm đến rừng, cánh rừng già vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Năm 2009, rừng Cư H’Lăm được UBND tỉnh Đắk Lắk làm lễ công nhận là “Di tích danh lam thắng cảnh” khiến dân chúng địa phương càng tự hào, quyết tâm bảo vệ rừng hơn nữa.

Phát huy vai trò già làng, Người uy tín bảo vệ tài nguyên rừng

Đồng bào Ê Đê nói riêng và Tây Nguyên nói chung, xem việc giữ rừng là giữ sinh mệnh của mình. Bao đời nay đồng bào Tây Nguyên sống dựa vào rừng, họ quan niệm những cánh rừng thiêng như lá bùa hộ mệnh che chở cho buôn làng.

Người dân buôn K’mơng Prông A dọn vệ sinh rừng
Người dân buôn K’mơng Prông A dọn vệ sinh rừng

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp nhiệt đới vừa tổ chức Hội thảo “Tham vấn phong tục tập quán trong bảo tồn tài nguyên rừng của một số cộng đồng người dân vùng lưu vực sông Sêrêpốk, Đắk Lắk”. Tham dự hội thảo có các già làng, Người có uy tín đến từ huyện Lắk và Krông Bông.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về phong tục tập quán trong bảo tồn tài nguyên rừng của một số cộng đồng người dân vùng lưu vực sông Sêrêpốk, Đắk Lắk, các chuyên gia khuyến nghị, để bảo tồn tài nguyên rừng của một số cộng đồng người dân vùng lưu vực sông Sêrêpốk, thì phải phát huy tốt vai trò của già làng, Người có uy tín được cộng đồng tôn kính. Qua đó, duy trì những phong tục tập quán tốt, hỗ trợ chính quyền các cấp trong việc nhắc nhở, giải quyết những vấn đề của cộng đồng và giáo dục thế hệ con cháu…

Tại hội thảo, một số già làng, Người có uy tín đã chia sẻ những câu chuyện điển hình về giữ gìn, bảo tồn tài nguyên rừng của cộng đồng người M’Nông và Ê Đê nơi họ sinh sống như, phong tục bảo vệ rừng đầu nguồn; già làng Người có uy tín trong bảo tồn, quản lý tài nguyên rừng…

Các nhà nghiên cứu cho rằng, những phong tục tập quán tốt của mỗi cộng đồng dân tộc, liên quan đến bảo tồn, giữ gìn tài nguyên rừng cần được ghi nhận. Cần xem xét việc hỗ trợ xây dựng các quy ước cho tất cả các cộng đồng sống gần rừng. Ưu tiên chính sách đào tạo phát triển nguôn nhân lực tại chỗ là con em đồng bào dân tộc M’Nông và Ê Đê.