Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đắk Lắk phát triển cà phê chất lượng cao theo hướng xanh và bền vững

Lê Hường (thực hiện) - 17:41, 24/03/2023

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 diễn ra đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Với 18 hoạt động chính, trong đó có nhiều chương trình, sự kiện quảng bá cà phê Đắk Lắk, tôn vinh người trồng, người chế biến, doanh nghiệp và nhà xuất khẩu cà phê. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk về thực trạng, những định hướng trong việc phát triển cà phê tại Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk

PV: Thưa ông, chuỗi sự kiện diễn ra tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 có nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá về cà phê Đắk Lắk, ông có thể thông tin khái quát về thực trạng phát triển của ngành cà phê Đắk Lắk hiện nay?

Ông Nguyễn Hoài Dương: Đắk Lắk là tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất nước, với diện tích 213.000 ha cà phê, sản lượng 558.000 tấn. Đến nay, cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 80 thị trường trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 900 triệu USD, chiếm trên 55% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ngành sản xuất cà phê tại Đắk Lắk đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan đến cây cà phê.

Hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn là nông hộ với 85%, số còn lại do công ty và HTX quản lý đã hình thành vùng chuyên canh. Có khoảng 20% hộ dân sản xuất cà phê có chứng nhận UTZ, RA, FLO và cà phê đặc sản, với quy mô diện tích khoảng 66.000 ha chiếm trên 30% diện tích và 223.000 tấn, chiếm 40% về sản lượng.

Hiện nay, tỉnh đang tích cực triển khai kế hoạch tái canh đối với diện tích cà phê cho năng suất kém, già cỗi, sâu bệnh và chuyển đổi những diện tích cà phê không phù hợp với quy hoạch sang trồng cây ăn quả.

Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk
Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk

PV: Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển cà phê theo hướng xanh và bền vững, quan điểm, định hướng của tỉnh về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoài Dương: Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam, diện tích cà phê lớn nhất cả nước, năng suất, chất lượng cao và cây cà phê Đắk Lắk hiện nay, chủ yếu được trồng ở vùng Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

Phát triển cà phê chất lượng cao theo hướng xanh và bền vững được xem là định hướng quan trọng cho sản xuất, chế biến, bảo quản góp phần quan trọng nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, HTX và doanh nghiệp trong những giai đoạn tiếp theo.

Sản xuất cà phê theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc liên kết theo chuỗi giá trị, trên cơ sở hình thành các HTX trong chuỗi ngành hàng cà phê gắn với các chương trình dự án, như chương trình cà phê cảnh quan; đề án cà phê chất lượng cao phục vụ cho chế biến và xuất khẩu; đề án cà phê đặc sản và đề án cà phê bền vững của tỉnh...

Mục tiêu của các chương trình này, là nâng cao chất lượng, giảm phân hóa học, thuốc trừ sâu, nâng cao tỷ lệ sử dụng phân hữu cơ và tiết kiệm nước tưới, tăng thảm phủ theo hướng bền vững bảo vệ tài nguyên đất và nước, giảm phát thải đáp ứng tiêu chí tăng trưởng xanh và bền vững.

Tỉnh Đắk Lắk xác định, tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Tăng trưởng xanh gắn liền với mục tiêu nền kinh tế có lượng phát thải các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên, trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững, kinh tế tuần hoàn, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kinh, đây là xu hướng bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội hiện tại và tương lai.

PV: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 cũng có nhiều sự kiện tôn vinh, đã góp phần quảng bá, tôn vinh người trồng, người chế biến, doanh nghiệp và nhà xuất khẩu cà phê, ông đánh giá thế nào về kết quả từ các hoạt động của Lễ hội ?

Ông Nguyễn Hoài Dương: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 nhằm mục đích tôn vinh cây cà phê, qua đó phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả về kinh tế của ngành Cà phê nói chung, cà phê Đắk Lắk nói riêng. Đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu thương hiệu, xuất xứ hàng hóa chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột”.

Theo đó, Lễ hội đã hoàn thành rất tốt mục đích về quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; từng bước đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến của cà phê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Đồng thời, tôn vinh người trồng cà phê, chế biến và kinh doanh cà phê; động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, của Việt Nam nói chung.

Tại Lễ hội người nông dân đã được trao đổi học hỏi kinh nghiệm với nhau, với các doanh nghiệp và nhà khoa học để nâng cao kiến thức về sản xuất, tiếp cận thị trường và xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, Lễ hội cũng đã giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động lễ hội, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk.

Đặc biệt là Hội nghị kết nối giao thương; Hhội thảo ngành hàng cà phê sát với thực tiễn sản xuất đã đưa ra giải pháp cho cả ngành hàng cà phê Việt Nam hội nhập quốc tế. Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp, HTX, cá nhân làm cà phê đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, khẳng định thương hiệu cà phê Đắk Lắk, nâng tầm cà phê Việt Nam, từng bước chính phục các thị trường khó tính.

Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản là một trong những hoạt động chính nhằm tôn vinh người pha chế cà phê
Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản là một trong những hoạt động chính nhằm tôn vinh người pha chế cà phê

PV: Kết quả đạt được từ Lễ hội Cà phê năm nay, có ý nghĩa thế nào đối với định hướng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp của Đắc Lắk, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoài Dương: Qua 7 lần tổ chức, Lễ hội lần này đã trở thành sự kiện nổi bật của ngành Cà phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân trong nước và quốc tế. Các hoạt động tại Lễ hội lần này từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới. 

Từ Lễ hội cho thấy, dù ngành Nông nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Đắk Lắk đã nỗ lực biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển dựa vào những lợi thế, tiềm năng của địa phương...

Để làm được điều này, Sở đã chủ động xây dựng và ban hành Chương trình công tác số 214/CTr-SNN ngày 18/1/2023 với tổng số 130 nhiệm vụ, trong đó 2 nhiệm vụ thẩm quyền HĐND, 69 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và 59 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời đã phân giao nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. 

Đặc biệt, quán triệt, cụ thể hóa các Nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh để xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái xanh, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh, lấy nông dân là trung tâm, xây dựng nông thôn là nền tảng, phát triển nông nghiệp là động lực.

Ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh sản xuất nhằm xác định rõ hơn các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của từng địa phương và của tỉnh; tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với cơ sở chế biến để tiêu thụ có hiệu quả nông sản chủ lực của tỉnh, nhất là xuất khẩu chính ngạch ra thị trường thế giới; tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, dự án của Trung ương và địa phương liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, tận dụng nguồn lực khối công và khối tư để thu hút vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Ngành cũng tập trung triển khai ứng dụng mạnh mẽ, có hiệu quả công nghệ thông tin, nhất là chuyển đổi số trong nông nghiệp để hỗ trợ, phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp được tốt nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.