Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đăk Na - Vùng đất của những nghệ nhân

PV - 16:45, 28/08/2020

Ghé thăm xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), chúng tôi không khỏi thán phục khi biết 13/13 thôn trên địa bàn xã đều có những nghệ nhân say mê với văn hóa truyền thống của dân tộc Xơ Đăng. Họ chính là những người “giữ hồn” của làng, đang ngày đêm lưu truyền nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc cho con cháu.

Nghệ nhân A Đai (bên trái) và A Méc là những người có nghề đan lát giỏi. Ảnh: MT
Nghệ nhân A Đai (bên trái) và A Méc là những người có nghề đan lát giỏi. Ảnh: MT

“Giữ hồn” làng từ nhạc cụ dân tộc...

Xã Đăk Na cách trung tâm huyện Tu Mơ Rông ( Kon Tum ) gần 40km, gần 100% dân số là đồng bào Xơ Đăng, sinh sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống ở lưng chừng sườn núi. Đến thăm một số làng, đọng lại trong lòng khách là cuộc sống bình dị, gần gũi với thiên nhiên của bà con. Đặc biệt, đồng bào nơi đây vẫn còn giữ gìn được nhiều nét văn hóa truyền thống.

Dưới mái nhà rông thôn Mô Bành 2, chúng tôi gặp nghệ nhân A Gạo - người có hơn 10 năm truyền dạy kỹ thuật đánh cồng chiêng cho thanh thiếu niên. Ông giới thiệu: Làng có 3 nghệ nhân, mỗi tháng, chúng tôi tụ họp về nhà rông 3 đêm, khi con trăng tròn, để tập luyện riêng cho trẻ em ở làng biết cách thức sử dụng nhạc cụ, biểu diễn bài chiêng, điệu xoang... Những hôm không tập, chúng tôi hướng dẫn cho lớp người kế cận cách chỉnh chiêng, bảo quản và cất giữ 3 bộ chiêng của làng đúng nghi thức truyền thống.

“Nhiều năm qua, những người trẻ như tôi vẫn cố gắng học hỏi người già ở làng về phong tục, văn hóa tốt đẹp của cha ông để lại, nhất là sử dụng các nhạc cụ dân tộc. Hiện tại, trong làng của tôi có gần 30 thanh niên, thiếu nhi tham gia 2 đội chiêng, xoang…” - nghệ nhân trẻ A Méc ở thôn Mô Bành 2 bộc bạch.

A Méc còn cho hay, bản thân anh có 8 năm theo học kiến thức, kinh nghiệm từ các nghệ nhân trong làng để gìn giữ từng bài chiêng cổ của dân tộc. Anh mong muốn truyền lại cho các em nhỏ ở làng, để mai này thay người già giữ bản sắc truyền thống dân tộc mình.

Không chỉ bảo tồn và truyền dạy đánh cồng chiêng, múa xoang, mà nhiều nghệ nhân còn tựchế tác các nhạc cụ truyền thống từ lồ ô, tre, nứa và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Điển hình như nghệ nhân A Ngụ ở làng Đăk Rip 2 chế tác được rất nhiều loại nhạc cụ, như đàn ting ning, đàn tơ rưng, klông pút… Theo nghệ nhân này, vào các ngày lễ hội quan trọng ở làng, ông sẽ đích thân tập dượt cho lũ trẻ, hướng dẫn mỗi người tự chọn nhạc cụ để làm quen. Sau mỗi đợt như thế, bạn trẻ nào có năng khiếu, hay yêu thích âm nhạc dân tộc sẽ được ông trực tiếp truyền dạy.

Nghệ nhân A Ngụ cũng tâm sự, nguyên liệu để làm nhạc cụ truyền thống ở rừng không thiếu, tuy nhiên muốn làm được các loại nhạc cụ thì người chế tác phải có khả năng thẩm âm tốt, đồng thời phải thường xuyên học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước.

“Chẳng hạn như âm thanh của đàn tơ rưng, klông pút phát ra tiếng vang hay trầm đục, kéo dài… đều do mình chọn thân cây lồ ô, hay tre chưa đúng tuổi, chế tác chưa đúng hình dáng thu hút tiếng gió ra vào... Tôi chỉ cần nghe âm thanh phát ra hơi dài, rồi bụp bụp là biết nguyên liệu tạo ra nó chưa đạt, cần phải tháo từng thanh lồ ô hoặc tre nứa, rồi vót lại 2 đầu ống và cắt lại 1 trong 2 đầu… Cứ làm mãi như thế, đến khi âm thanh kéo dài vang vang tắt dần, vừa tai người nghe là chuẩn” - A Ngụ chia sẻ kinh nghiệm chế tác nhạc cụ.

Nghệ nhân A Đai tỉ mẩn vót từng cây nứa nhỏ để đan các vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: MT
Nghệ nhân A Đai tỉ mẩn vót từng cây nứa nhỏ để đan các vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: MT

…đến gìn giữ nghề đan lát truyền thống

Không dừng ở việc truyền dạy nhạc cụ dân tộc, mà các nghệ nhân Xơ Đăng ỏ xã Đăk Na còn nỗ lực giữ nghề đan lát truyền thống.

Theo giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi đến thăm nghệ nhân A Đai ở thôn Kon Chai - người được đánh giá là rất khéo tay, khi tự làm ra các sản phẩm truyền thống như rổ, rá, nia, gùi… Mỗi sản phẩm của ông làm ra có sự sáng tạo riêng, với nhiều hoa văn, đường chỉ đan xen, trang trí đặc sắc, khác lạ ở thân gùi, rổ, rá.

Ông A Đai cho biết, từ ngày xưa, ông nội, bà nội của ông đã sử dụng than củi đen giã ra, rồi hòa với nhựa thông để trét vào các thân cây tre, cây mây cho màu đen. Từ kinh nghiệm để lại của ông bà, ông đã tự mày mò sáng tạo, đi rừng kiếm cây thông có nhựa, hoặc dây mây, hay dây rừng khác có nhựa ướt mang về, sau đó lấy than giã mịn bôi vào tạo màu đen. Sau đó, ông dùng các dây màu đen này đan xen kẽ để trang trí thân gùi, hay nia, rổ rá trong nhà. Ông A Đai còn cho hay, bản thân còn biết rèn sắt, chế tạo ra nhiều dụng cụ sản xuất.

Chia tay nghệ nhân A Đai, chúng tôi đến thăm nghệ nhân A Rơi ở làng Lê Văn - cũng là người đan lát giỏi ở Đăk Na. Tuy mới 32 tuổi nhưng với niềm đam mê và được người cha truyền dạy gần chục năm nay, A Rơi đã đan được rất nhiều loại vật dụng truyền thống phục vụ sinh hoạt hàng ngày của bà con, đặc biệt là chiếc chuy - gùi đeo vai truyền thống của đàn ông Xơ Đăng. Hiện nay có rất ít người ở xã Đăk Na biết đan loại dụng cụ đặc trưng này.

“Đàn ông đan được chuy là người thật sự khéo tay, cùng đó là kinh nghiệm đi hái mây rừng, cây tre non đúng tuổi về ngâm nước suối, phơi sương sớm rồi phơi nắng ấm cho đạt độ cong và độ dẻo dai, rồi đan thành vòng tròn, vòng cung, tạo thành lớp xếp đáy chuy đều, khít và không vênh nhau. Để đan được 1 cái chuy, tôi phải mất cả tháng. Ngay từ nhỏ, khi cùng cha đi rừng tôi đã được truyền dạy, nhưng tập luyện mãi, mấy năm gần đây tôi mới làm được nó” - nghệ nhân A Rơi tự hào khoe việc biết đan chiếc chuy truyền thống của người Xơ Đăng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Viên – Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết, không riêng ở thôn Mô Bành 2, Kon Chai hay Đăk Ríp, mà ở các thôn còn lại, mỗi thôn đều có từ 1-3 nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc. Các nghệ nhân này thường xuyên hỗ trợ địa phương tham gia biểu diễn, truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ và các nghề truyền thống cho thế hệ trẻ trên địa bàn. Ngoài ra, địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động bà con gìn giữ được 15 bộ chiêng. Sắp tới, xã sẽ xây dựng kế hoạch hàng năm tổ chức thi biểu diễn cồng chiêng; đồng thời phối hợp với Đoàn Thanh niên của xã, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tiếp tục mở các lớp truyền dạy cách sử dụng các nhạc cụ và nghề truyền thống cho thanh thiếu niên ở các làng, nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.