Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đắk Nông: Đầu tư, hướng dẫn người dân nâng cao năng suất, chất lượng cây điều

Nhật Minh - 11:35, 06/10/2021

Tỉnh Đắk Nông xác định, điều là 1 trong 4 cây trồng chủ lực. Tỉnh đang có hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất điều; mở rộng diện tích điều tại những vùng trọng điểm.

Bà con nông dân cần áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây điều một cách bài bản để nâng cao chất lượng.
Bà con nông dân cần áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây điều một cách bài bản để nâng cao chất lượng.

Trên địa bàn tỉnh đang có hơn 16.000 ha điều, sản lượng mỗi năm khoảng 18.000 tấn hạt. Diện tích điều chủ yếu tập trung nhiều ở Tuy Đức, Cư Jút, Đắk R’lấp, Gia Nghĩa...

Tuy là cây trồng chủ lực, nhưng năng suất của cây điều trên địa bàn tỉnh còn thấp, nhất là so với tỉnh lân cận là Bình Phước. Vì thế, tỉnh Đắk Nông đang rà soát diện tích, điều kiện sinh thái và đánh giá chất lượng giống để có giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cây điều.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, cây điều đòi hỏi yêu cầu về sinh thái rất khắt khe. Nếu trồng điều không đúng điều kiện sinh thái, cây sẽ không có trái, ít trái, chất lượng hạt không tốt.

Do đó, việc đánh giá vùng nào thích hợp cho trồng điều là rất quan trọng. Nếu xác định sai vùng sinh thái, sẽ gây thiệt hại lớn đối với người sản xuất điều. Năng suất và chất lượng hạt điều phụ thuộc nhiều vào giống, nên cơ quan chuyên môn đang chú trọng đầu tư để hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng.

Hạt điều là một loại thực phẩm, vì thế nông dân cần chăm sóc theo quy định an toàn thực phẩm, áp dụng kỹ thuật chăm sóc bài bản. Có như vậy, mới nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị cạnh tranh của hạt điều trên thị trường.

Cũng theo bà Tình, điều cũng là cây trồng đa mục đích, vừa đem lại giá trị trồng trọt, vừa đem lại đánh giá tỷ lệ độ che phủ rừng. Do đó, thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ ưu tiên, khuyến khích người dân phát triển trồng điều đối với những vùng sinh thái thích hợp để nâng cao độ che phủ rừng.

Điều có những lợi thế như dễ trồng, phù hợp với trình độ canh tác của người dân nông thôn, vốn đầu tư ít và nhu cầu tiêu dùng trong nước, cũng như xuất khẩu đều cao. Do đó, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển loại cây này.