Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Đắk Nông: Nhiều bi kịch trong vùng đồng bào DTTS vì tín dụng đen

Lê Hoàng - Đức Hồng - 16:47, 27/08/2021

Tại Đắk Nông, tín dụng đen khiến nhiều gia đình tan cửa, nát nhà vì không trả được nợ với lãi suất cắt cổ. Một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng sâu, vùng xa còn bị hăm dọa, chiếm đất, chiếm nhà khiến họ luôn sống trong lo lắng và vô cùng khó khăn.


Công an Đắk Nông làm việc với một đối tượng cho vay nặng lãi
Công an Đắk Nông làm việc với một đối tượng cho vay nặng lãi

Mấy năm nay, dịch bệnh kéo dài, giá nông sản tụt dốc thê thảm, nông dân trồng các loại cây công nghiệp như hồ tiêu, cao su, sầu riêng…bị thua lỗ nặng. Một số hộ đồng bào DTTS vay nợ ngân hàng không trả được, nên đã làm liều vay mượn tiền nóng bên ngoài, với lãi cao để trang trải cuộc sống.

Bi kịch vướng vào tín dụng đen

Việc tín dụng đen len lỏi vào vùng sâu, vùng xa đến từng hộ đồng bào DTTS cũng đã được các cơ quan chức năng, chính quyền cảnh báo đến người dân. Song bằng nhiều mánh khóe, thủ đoạn nên một số đối tượng xấu vẫn ngang nhiên tổ chức hoạt động và lừa bịp được người dân cho vay nặng lãi nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.

Đặc biệt, mặc dù các hộ dân vay số tiền không lớn, nhưng bị chúng dụ dỗ ép buộc giao cả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tín chấp. Sau đó, các đối tượng này yêu cầu, các hộ đồng bào DTTS ký hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang cho bọn chúng. 

Gia đình ông Triệu Văn Minh và bà Đặng Thị Quy (dân tộc Dao), thường trú tại Thôn 3, xã Đắk N’Drót, huyện Đắk Mil (Đắk Nông), có vay tiền của ông Trần Văn Huy và bà Võ Thị Sao cùng ngụ trên địa bàn. Theo bà Quy, thì gia đình có vay của ông Huy và bà Sao (tên thường gọi là Hùng Sao) với số tiền là 200 triệu đồng, nhưng bị cắt lãi hết 30 triệu đồng. Gia đình ông Minh bà Quy chỉ nhận được 170 triệu đồng, nhưng phải đưa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Huy, đi vay ngân hàng để trả nợ. 

“Lợi dụng vợ chồng tôi không biết chữ, nên ông Huy tự tính lãi mẹ, lãi con rồi làm Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất với giá bèo bọt chỉ có 250 triệu đồng. Trong khi đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình tôi có diện tích hơn 2,2 ha. Tài sản gắn liền với đất là cây lâu năm, hơn 2.200 cây cà phê. Giờ gia đình tôi không còn chỗ ở, mất đất sản xuất, đẩy chúng tôi vào đường cùng”, bà Quy buồn bã nói.

Ngoài trường hợp gia đình ông Minh bà Quy, thì tại xã Đắk N’Drót còn rất nhiều hộ gia đình vay nóng bị ép buộc sang tên nhà, đất. Thế nhưng, nhiều người dân không dám tố cáo vì sợ các đối tượng cho vay nặng lãi thuê xã hội đen đến nhà hành hung, hù dọa tính mạng gây bất an trong cuộc sống.

Tại địa bàn xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, cũng có rất nhiều hộ đồng bào DTTS bị sập bẫy. Điển hình như hộ gia đình anh Điểu Sưng, hộ gia đình anh Điểu Môn... dân tộc Mnông đều không biết chữ, bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hộ ông Điểu Leo, Điểu Hạp và nhiều người dân khác tại Bon Bu Lanh, xã Đắk R’Tích, thì mất nhà, mất xe vì vay nặng lãi của các đối tượng trên.

Còn hộ gia đình Điểu Kêu và nhiều hộ gia đình khác trên địa bà xã Đắk N’DRung, huyện Đắk Song, cũng dính vào việc vay nặng lãi, nên đã mất đất, mất nhà. Cuộc sống của những người đồng bào Mnông đã nghèo, giờ càng bần cùng hơn.

Làm thế nào để không vay nặng lãi?

Trước thực trạng đáng báo động trên, chính quyền địa phương từ buôn làng, đến xã, huyện và tỉnh tập trung tuyên truyền cho người dân tránh xa việc vay nặng lãi. Các cơ quan công an trên toàn tỉnh Đắk Nông cũng vào cuộc triệt phá nhiều đường dây hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên địa bàn.

Các đối tượng cho vay nặng lãi đến tận gia đình đồng bào DTTS để đe doạ
Các đối tượng cho vay nặng lãi đến tận gia đình đồng bào DTTS để đe doạ

Vấn đề đặt ra làm thế nào giúp các hộ dân đồng bào DTTS thoát cảnh vay nặng lãi? Làm sao để kiểm soát các đối tượng cho vay nặng lãi len lỏi vào tận các buôn làng vùng sâu, vùng xa để mời chào, dụ dỗ người dân vay tiền của bọn chúng? 

Trong thời gian qua, Công an tỉnh Ðắk Nông đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây liên quan đến hội nhóm đòi nợ thuê, các đối tượng cho vay nặng lãi, nhưng tình trạng vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng cho vay tiền hoạt động rất tinh vi, lách luật không ghi lãi suất vay, lập hợp đồng mua bán tài sản bằng thỏa thuận miệng. Cho đến khi thu hồi nợ vay và lãi suất cao ngất ngưởng thì tìm mọi cách nhằm xóa dấu vết… Đến khi bị phát hiện, chúng đã không thừa nhận cho vay nặng lãi, nên việc xử lý cũng gặp khó khăn.

Một lãnh đạo Công an huyện Ðắk Song (Ðắk Nông), cho biết, các hoạt động cho vãy nặng lãi đi cùng với các băng nhóm đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, chiếm đoạt tài sản…vCác đối tượng cho vay thường có tiền án, tiền sự, sẵn sàng xâm hại đến thân thể, tính mạng hoặc làm tổn hại tinh thần người vay tiền. Chúng hù dọa bắt họ ký nhận nợ, thế chấp tài sản, nếu không sẽ đưa vào danh sách đen thì không thể vay vốn ngân hàng. Một số công ty đòi nợ thuê cũng tham gia vào đường dây cho vay nặng lãi để bẻ lái theo hướng dân sự hóa.

Theo ông K’Khét Ato, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, trước thực tế này, Ban Dân tộc tỉnh đã có công văn báo cáo lên tỉnh để chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc xử lý; cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách, tránh xa các hoạt động vay nặng lãi, nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động cho vay nặng lãi vùng đồng bào DTTS.

Để giải quyết tận gốc tình trạng cho vay nặng lãi, giúp người dân không bị mất đất, mất nhà, thì chính sách hỗ trợ cho người đồng bào DTTS cần sâu sát hơn. Đặc biệt, các ngân hàng chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay nhanh nhất, hiệu quả nhất. 

Các quỹ hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với vùng đồng bào DTTS làm hồ sơ vay vốn cần đơn giản, gọn nhẹ, giúp người dân sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích mới mong thoát khỏi tình trạng vay nóng, vay nặng lãi kéo dài suốt thời gian qua.

Tin cùng chuyên mục
Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Trong những năm gần đây, tình trạng tảo hôn ở huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) đã liên tục giảm nhanh. Nếu trong năm 2020, toàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có 30 trường hợp tảo hôn, thì đến năm 2024 (tính đến 20/11) toàn huyện chỉ ghi nhận 1 trường hợp tảo hôn.