Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Đắk Nông: Tín hiệu tích cực từ trấn áp mạnh mẽ hoạt động tín dụng đen

Lê Hường - 08:56, 21/03/2022

Thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” đã làm nảy sinh các vấn đề phức tạp, gây nhiều bi kịch trong đời sống kinh tế- xã hội, đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS. Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh trấn áp quyết liệt với tội phạm cho vay lãi nặng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn sự bình yên cho bon làng.

Lực lượng Công an làm việc với đối tượng Phạm Thị Huyền
Lực lượng Công an làm việc với đối tượng Phạm Thị Huyền

Liên tục phá án lớn

Mới đây, ngày 18/3/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Huyền (SN 1986) và 2 vợ chồng K’Krang (SN 1965), H’Dô (SN 1970), cùng trú huyện Đắk G’long để điều tra, làm rõ về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Theo đó, đầu năm 2020, Phạm Thị Huyền bắt đầu hoạt động cho vay tiền thu lãi suất cao từ 4.000 - 6.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương lãi suất từ 144 - 216%/ năm, với 2 hình thức ngắn hạn và dài hạn. Đối tượng mà Huyền tập trung đến đối tượng chủ yếu là đồng bào DTTS hiểu biết còn hạn chế và khó khăn về vốn để đầu tư sản xuất.

Tháng 6/2020, Huyền móc nối với vợ chồng hàng xóm là K’Krang và H’Dô để tìm khách vay, giao dịch thành công khách vay, rồi trả nợ đầy đủ thì vợ chồng K’Krang sẽ được nhận hoa hồng.

Đối với khách đến vay tiền trực tiếp, Huyền thường viết giấy vay mượn tiền, hoặc yêu cầu người vay viết giấy bán đất cho Huyền và thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lãi suất từ 3.000 - 6000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Khi đến hạn nhưng không trả được, thì người vay phải làm thủ tục sang nhượng đất cho Huyền. Từ đầu năm 2020 đến tháng 2/2022, đường dây của Huyền đã cho hơn 300 lượt người vay, với số tiền hơn 30 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng trên 3 tỷ đồng.

Đối tượng Lê Văn Tuấn tại cơ quan Công an
Đối tượng Lê Văn Tuấn tại cơ quan Công an

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, cũng vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Tuấn (SN 1975), phường Nghĩa Phú, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Núp dưới hình thức tiệm cầm đồ, Tuấn cho người dân vay tiền đáo hạn ngân hàng, hoặc tiêu dùng với lãi suất từ 2.000 - 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (tương ứng với mức lãi suất từ 72 - 180%/năm.

Đối với người lạ, Tuấn yêu cầu những người vay phải đặt lại giấy tờ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ giấy phép lái xe, các văn bằng chứng chỉ…) để bảo đảm cho việc vay nợ. Đến thời điểm bị bắt ngày 15/1/2022, Tuấn đã cho 528 lượt người vay với tổng số tiền là trên 52 tỷ đồng.

Quyết liệt với tội phạm tín dụng đen

Ngoài việc tập trung lực lượng, xác lập chuyên án, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với tội phạm cho vay nặng lãi, lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông còn chủ động phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh, tuyên truyền tới mọi tầng lớp Nhân dân về phương thức, thủ đoạn và hệ lụy của hoạt động vay, mượn tiền liên quan đến tín dụng đen.

Đồng thời, sát sao nắm bắt tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng hình sự, nghiện ma túy, thanh thiếu niên hư… nhằm hạn chế việc tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê.

Lực lượng Công an bắt quả tang các đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự
Lực lượng Công an bắt quả tang các đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự

Chỉ tính riêng trong năm 2021, lực lượng Công an đã phát hiện, tiếp nhận, xử lý 6 vụ, 9 đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen, trong đó có 1 vụ cố ý gây thương tích và 5 vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Phương thức thủ đoạn chủ yếu là, các đối tượng cho vay lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế của một bộ phận người dân, các đối tượng tổ chức phát, dán tờ rơi ở các khu dân cư, chợ, ngã tư, ngã ba, cột đèn điện..., với những nội dung rất hấp dẫn để “bẫy” người dân vay tiền lãi suất cao.

Các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường núp bóng dưới vỏ bọc cơ sở cầm đồ; cơ sở kinh doanh; công ty tài chính… lãi suất rất cao từ 100 - 300%/năm, thậm chí đến 700%/năm.

Để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng, các đối tượng yêu cầu người vay ghi giấy nợ, giấy thế chấp tài sản... với lãi suất thấp đúng bằng với quy định của Nhà nước, hoặc không thể hiện lãi suất, nhưng trên thực tế người vay phải trả lãi suất rất cao.

Với việc liên tục tấn công, trấn áp mạnh mẽ, quyết liệt mà tội phạm hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê trên địa bàn Đắk Nông đã được kiềm chế và ngăn chặn. Tuy nhiên, theo lực lượng chức năng, hoạt động tín dụng đen vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ, ảnh hưởng đến cuộc sống, an ninh trật tự ở các bon làng.

Tin cùng chuyên mục
Triệt phá ổ nhóm tàng trữ ma túy, trộm cắp xe máy bán ra nước ngoài

Triệt phá ổ nhóm tàng trữ ma túy, trộm cắp xe máy bán ra nước ngoài

Tàng trữ ma túy, "găm" theo kìm cộng lực, tay công, vam phá khóa đi trộm cắp xe máy tại địa bàn phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Phùng Văn Thi và Đinh Tiến Trung đã bị tổ công tác Công an quận Bắc Từ Liêm tuần tra, bắt giữ. Từ đó làm rõ đường dây chuyên trộm cắp xe máy, đưa lên Sơn La tiêu thụ rồi bán sang Lào.