Vùng đất anh hùng
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ chạy xe từ trung tâm TP. Pleiku chúng tôi đã có mặt ở xã Đăk Tơ Pang (huyện Kông Chro) - vùng căn cứ cách mạng xưa, để tìm gặp những người lính già đã từng trải qua thăng trầm của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Trò chuyện với chúng tôi, cựu chiến binh (CCB) người Ba Na, ông Đinh Văn Anep, sinh năm 1933, trú làng Hway bộc bạch: “Ngày trước, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước tôi xung phong lên đường chiến đấu, tham gia hai cuộc kháng chiến cứu nước. Vùng này ngày trước là địa bàn chiến lược rất quan trọng, nơi đứng chân của lực lượng bộ đội địa phương như chúng tôi. Một thời bom đạn, đến khi hòa bình giải phóng từng bước thay đổi phát triển theo thời gian những người lính như chúng tôi năm xưa vui mừng lắm”.
Cũng ở làng Hway, CCB Đinh Văn Bưk (SN 1958) cho biết: “Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tôi tham gia bộ đội địa phương, thuộc đơn vị C1, huyện đội 7 Gia Lai, đóng tại làng Ba Păh (xã Kông Yang cũ, nay là huyện Kông Chro). Ngày ấy, đàn ông thì lên đường tham gia kháng chiến, phụ nữ ở nhà tăng gia sản xuất, ủng hộ lương thực, thực phẩm góp sức vào công cuộc kháng chiến. Biết bao gian khổ, hy sinh mới có được Đăk Tơ Pang như hôm nay”.
Ông Võ Trọng Khương, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: Xã Đăk Tơ Pang có 24 liệt sĩ, 35 người có công với cách mạng, 17 thương bệnh binh. Hiện toàn xã có 182 CCB. Có 2 người tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, hơn 50 người tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Với những cống hiến đó, năm 1998, xã Đăk Tơ Pang được phong tặng danh hiệu xã Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; nhiều chiến sĩ cách mạng được Chủ tịch nước tặng Bằng khen, Huy chương.
Ngày mới ở Đăk Tơ Pang
Sau chiến tranh, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của người dân địa phương, xã Đăk Tơ Pang đã khoác màu áo mới. Nhiều nguồn lực được Nhà nước hỗ trợ; hệ thống điện, đường, trường, trạm cũng về với Đăk Tơ Pang. Người dân được hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh địa phương.
Không dấu nổi sự nghẹn ngào, CCB Đinh Văn Anep chia sẻ: “So với thời chiến, Đăk Tơ Pang hôm nay đã đổi thay nhiều lắm, cái gì cũng có cả. Con trẻ được đến trường học cái chữ. Người dân tuy còn nghèo nhưng không cơ cực như thời chiến đấu. Dân chăm chỉ làm lụng, học cách tính toán thì cũng đủ cái ăn và có tích lũy”.
Ông Đinh Hyach, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tơ Pang chia sẻ thêm: Đăk Tơ Pang là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai. Toàn xã hiện có 3 làng, với 367 hộ, 1.608 khẩu chủ yếu là người Ba Na (chiếm 92,8%). Diện mạo các thôn, làng từng bước thay đổi nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, đồng bào các dân tộc tiếp tục đoàn kết xây dựng quê hương, cuộc sống ngày càng no đủ và phát triển hơn. Đăk Tơ Pang hôm nay đã có những tấm gương làm kinh tế giỏi, như CCB Đinh Văn Bưk, Đinh Văn Hroc (làng Brăng). Hai CCB Đinh Văn Anep và Đinh Văn Bưk cũng là những tấm gương làm kinh tế điển hình của xã.
Không chỉ tích cực làm ăn, phát triển kinh tế, người dân ở xã Đăk Tơ Pang cũng giữ gìn nét văn hóa truyền thống của người đồng bào Ba Na như đan lát, dệt thổ cẩm... Toàn xã còn giữ được 18 bộ cồng chiêng để phục vụ các ngày lễ hội của làng, hình thành các đội chiêng lớn, nhỏ, đội chiêng nữ để bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc.