Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân A Jar- Người biên dịch hơn 30 bộ sử thi Tây Nguyên

Lê Trọng Sáng - 16:58, 30/11/2021

Những đêm Đông, bên bếp lửa trong nhà Rông giữa đại ngàn, tiếng h’mon (kể khan) của các già làng lúc thủ thỉ như lời tâm sự, lúc vút cao tận đỉnh Ngọc Linh, khi lại trầm hùng cuồn cuộn dữ dội như dòng Sê San. Với Nghệ nhân ưu tú A Jar- người giữ hồn sử thi Tây Nguyên thì hình ảnh người Anh hùng Đăm Giông của dân tộc Ba Na hay chàng Đăm Duông của dân tộc Xơ Đăng luôn hiện hữu và trường tồn với thời gian.

Dù ở tuổi 74, hằng ngày, Nghệ nhân ưu tú A Jar vẫn miệt mài làm việc, nghiên cứu
Dù ở tuổi 74, hằng ngày, Nghệ nhân ưu tú A Jar vẫn miệt mài làm việc, nghiên cứu

Lớn lên từ tình yêu của buôn làng và những đêm khan

74 năm về trước, cậu bé A Jar, người Tơ Đrá (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), cất tiếng khóc chào đời giữa đại ngàn Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Chưa đầy hai tuổi, cậu mồ côi mẹ. 5 năm sau, A Jar lại mất cha.

Mồ côi cả cha lẫn mẹ, cậu bé A Jar lớn lên bằng tình yêu của người dân trong làng, nhất là trong những đêm ngập tràn tiếng kể khan. A Jar rất chăm học, vì vậy cậu luôn tìm mọi cách để làm quen với con chữ. Năm 1974, ông tốt nghiệp Trường Quốc gia hành chính Sài Gòn. Ngoài thông thạo tiếng Kinh và tiếng Ba Na, ông còn biết tiếng Pháp - ngoại ngữ đầu tiên ông học ở Huế từ hồi lớp 6 và tiếng Anh, ông tự học thời trung học phổ thông.

Năm 1975, A Jar gặp gỡ và nên duyên cùng bà Y Pứk, sinh sống vài năm ở quê chồng - làng Kon Jong Kơtu (xã Ngọc Réo, huyện Đak Hà), theo phong tục, vợ chồng ông về quê vợ ở làng Plei Đồn, phường Quang Trung, TP. Kon Tum định cư từ đó tới nay.

Ông chia sẻ: “Cái chữ nó cứ luẩn quẩn trong đầu mình mãi nên chẳng có thời gian cầm cuốc cầm rựa”. Nói vậy nhưng lúc có thời gian ông vẫn cùng gia đình và bà con trong làng hăng say lao động sản xuất.

Rồi ông tới các thôn làng trong tỉnh sưu tầm các bản sử thi, truyện cổ, tục ngữ, câu đố của các dân tộc thiểu số, biên tập, hiệu đính thành văn bản gửi đăng các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương. Kết hợp các chuyến đi đó, ông cùng các già làng, trưởng thôn và các trí thức người DTTS có uy tín để nói cho bà con hiểu rõ và làm theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Như cánh chim không mỏi

Ông A Jar bắt đầu dịch sử thi vào cuối những năm 1980. Đến năm 1994, ông có bài đăng báo đầu tiên, đó là một truyện cổ do ông ghi chép và dịch in trên Báo Kon Tum. Những năm sau đó, trên tờ báo địa phương này và một số báo về văn hóa thường xuất hiện cái tên A Jar dưới mỗi bài dịch với những câu chuyện, tục ngữ, lễ hội của người Ba Na, Xơ Đăng.

Năm 1998, ông A Jar được “tiến cử” với đoàn sưu tầm sử thi Tây Nguyên, nhận nhiệm vụ dịch những bộ sử thi Ba Na và Xơ Đăng ra tiếng phổ thông. Là người lâu nay vốn tâm huyết với mạch nguồn văn hóa dân tộc, lại có vốn tiếng Việt và vốn sống dày dặn, ông A Jar như cá gặp nước, hồ hởi bắt tay ngay vào việc gỡ băng cassette ghi âm lời nghệ nhân dân gian h’mon và dịch thành tiếng phổ thông đến quên cả đêm ngày.

Nghệ Nhân A Đăm Jar bên góc nghiên cứu và biên dịch sử thi Tây Nguyên
Nghệ Nhân A Đăm Jar bên góc nghiên cứu và biên dịch sử thi Tây Nguyên

Ông A Jar có khả năng dịch thuật từ các tiếng dân tộc như Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng sang tiếng phổ thông một cách chuẩn cả về nội dung và hình thức thể hiện. Không chỉ dịch theo văn bản ghi âm của người khác đem tới mà ông còn tự mình sưu tầm, ghi chép, tập hợp rồi dịch sang tiếng Việt.

Toàn bộ các bản dịch của ông đều có giá trị cao về văn hóa nói chung cũng như về văn học, nghệ thuật nói riêng, được tập hợp xuất bản thành sách hoặc gửi đăng báo, tạp chí trong nước và địa phương.

Đến nay, Nghệ nhân ưu tú A Jar đã hoàn thành việc biên dịch 30 bộ sử thi, mỗi bộ dày vài ba trăm trang. Không chỉ có thế, ông còn tham gia dạy tiếng Ba Na, Xơ Đăng cho cán bộ, công chức theo chủ trương của tỉnh. Ngoài ra, ông còn tích cực đi điền dã sưu tầm và thao thức viết khảo cứu về phong tục tập quán, về cảnh sắc, con người, về văn nghệ dân gian… nhằm giới thiệu nền văn hóa còn nhiều ẩn số của Tây Nguyên đến với công chúng.

Mỗi sớm mai, dưới hiên trước của căn nhà nhỏ nơi góc làng, người ta thường thấy  hình ảnh Nghệ nhân A Jar bên ly cà phê, tranh thủ chút thời gian thư giãn. Bởi lát nữa thôi, người nặng lòng với sử thi ấy lại cặm cụi bên bàn ghi ghi, chép chép...

Với những nỗ lực không ngừng, ông được Chủ tịch nước tặng Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2019.