Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Dân ca các DTTS trước thử thách sinh tồn: Thiếu "đất diễn” cho dân ca (Bài 2)

Thúy Hồng - Văn Hoa - 17:41, 27/10/2021

Những câu hát, làn điệu dân ca của các DTTS đều được ra đời, tồn tại và phát triển gắn liền với một không gian, môi trường sống nhất định của mỗi dân tộc . Tuy nhiên với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, "đất diễn" của dân ca đang ngày càng bị thu hẹp. Đây là một trong những thách thức lớn trong công tác gìn giữ, bảo tồn các làn điệu dân ca của đồng bào DTTS.

Thành viên Câu lạc bộ hát Páo dung xã Tân Thành (Hàm Yên, Tuyên Quang) luyện tập hát Páo dung
Thành viên Câu lạc bộ hát Páo dung xã Tân Thành (Hàm Yên, Tuyên Quang) luyện tập hát Páo dung

Thiếu không gian biểu diễn

Dân ca được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các DTTS. Hầu hết những làn điệu dân ca đều gắn liền các phong tục, nghi lễ quan trọng của đồng bào, với lối hát giao duyên giữa nam và nữ, hay tốp nam với tốp nữ; được hát trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: Hát trong đám cưới, ngày hội, hát khi Tết đến, Xuân về...

Nghệ nhân Soọng cô Đỗ Văn Hương, thôn Ninh Bình, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) chia sẻ: Ngày xưa trai gái hát Soọng cô để tìm duyên chồng vợ. Người già hát Soọng cô để răn dạy con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, kinh nghiệm đối nhân xử thế, hát giao duyên… “Ngày trước tôi và vợ cũng nên duyên vợ chồng từ những đêm đi hát Soọng cô”.

Theo ông Hương, trước đây con trai không biết hát Soọng cô thì khó mà lấy được vợ! Vào dịp mùa Xuân, thời điểm nông nhàn, lễ hội hay các đám cưới, hỏi… thanh niên nam nữ dân tộc Sán Dìu thường rủ nhau đi hát Soọng cô. Qua mỗi làng họ dừng lại hát một đêm, hôm sau cùng rủ thanh niên nơi đó nhập vào đám hát đến các làng khác. Có khi đám hát có tới vài chục người và thường kéo dài cả chục ngày rất sôi nổi.

Tuy nhiên, trong đời sống hiện đại, hình thức sinh hoạt cộng đồng mang đậm hồn cốt của dân ca các DTTS đang bị mất dần. Việc thiếu đi không gian diễn xướng nên việc tiếp cận khán giả của các loại hình âm nhạc này gặp không ít khó khăn, đặc biệt là công chúng trẻ tuổi, đất diễn của loại hình văn nghệ truyền thống này cũng bị thu hẹp dần.

Nhìn vào bức tranh bảo tồn các di sản dân ca các DTTS có thể thấy, các loại hình âm nhạc dân ca như Sình ca của đồng bào Cao Lan, Soọng cô của người Sán Dìu, Khắp của người Thái, hát Páo dung của người Dao, sử thi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên…mặc dù đã được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia, được quan tâm bảo tồn dưới nhiều hình thức, nhưng hiện những làn điệu dân ca này vẫn rất khó để thu hút người xem, người nghe và theo học.

So sánh với làn điệu hát then của dân tộc Tày, thì hát then lại được giới trẻ của đồng bào Tày, Nùng yêu thích, đón nhận một cách hào hứng. Phong trào hát then đàn tính của thế hệ trẻ phổ biến ở mọi lứa tuổi, cũng như có mặt hầu khắp các sân khấu biểu diễn trong các Liên hoa âm nhạc các DTTS.

Bởi hình thức hát then rất lôi cuốn. Gắn liền với nghi lễ Then là cây đàn tính. Tính tẩu giữ một vai trò quan trọng đối với thực hành nghi lễ Then, vừa dẫn dắt, vừa là đệm, nhưng cũng đóng vai trò như một giọng hát thứ hai cùng với giọng của nghệ sĩ diễn xướng. Lời then, tiếng tính du dương hòa quyện vào nhau, tạo thành một bản nhạc vui tươi, rộn rã.

Do vậy, theo Nhà nghiên cứu Hoàng Việt Bình, Trung tâm Văn hóa tỉnh Lạng Sơn, Then văn nghệ không chỉ quy tụ được các thế hệ trẻ sống ở nông thôn, mà còn ở cả thành phố.

Cần làm mới các làn điệu dân ca cổ để thu hút, hấp dẫn giới trẻ
Dân ca các DTTS luôn gắn liền với một không gian, môi trường sống nhất định

Cần bảo tồn theo chiều hướng phát triển

Đối với âm nhạc dân tộc, đặc biệt là các làn điệu dân ca DTTS truyền thống, không phải là thể loại âm nhạc chạy theo trào lưu. Do vậy, trong bối cảnh giới trẻ đang bị “bội thực” âm nhạc, thì việc giữ khư khư làn điệu cũ cộng với môi trường diễn xướng của những làn điệu dân ca này thường trong phạm vị hẹp ở làng, xã khiến giới trẻ khó tiếp cận và dễ gây nhàm chán.

Theo PGS.TS. Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam: Cần nhìn từ phương diện bảo tồn để phát triển, thì có thể linh hoạt truyền dạy các làn điệu dân ca này kết hợp với các nhạc cụ vui nhộn, đặt lời mới dễ học, dễ nhớ cho lớp trẻ dễ tiếp cận… nhưng căn bản vẫn giữ được hồn cốt của những làn điệu dân ca đó.

“Âm nhạc cổ truyền của các DTTS không phải là di sản bất biến, vì vậy không nên đi theo hướng rập khuôn, hoài cổ, giữ nguyên xi nội dung như thế hệ trước, mà phải có sự đổi mới phát triển, nếu không sẽ có sự đào thải”, ông Sơn nhận định.

Bên cạnh đó, những làn điệu dân ca cần phải mở rộng không gian diễn Xướng, từ biểu diễn trực tiếp đến không gian mạng, như: YouTube, Karaoke… sẽ dễ dàng tiếp cận với lớp trẻ hơn.

Lấy ví dụ, cũng là làn điệu dân ca Soọng cô của người Sán Dìu, khi được chuyển thể sang lời mới, được lớp trẻ yêu thích như bài “Ngỏ duyên bến núi” do Nghệ nhân Ưu tú Lê Đại Năm (CLB Soọng cô xã Đạo Trù, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) sáng tác. Đặc biệt, khi bài hát được đưa lên nền tảng karaoke, đã được giới trẻ của dân tộc Sán Dìu biết đến nhiều hơn.

Ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) cũng cho rằng, để dân ca thấm sâu được trong lòng của mỗi người, đặc biệt là giới trẻ, nó phải được đón nhận một cách hào hứng, tự nhiên, chứ không phải ép nghe là được.

Dẫu biết rằng hát dân ca, diễn xướng là một loại hình âm nhạc “kén” người nghe so với những loại hình âm nhạc khác, tuy nhiên, sức sống của các di sản dân ca luôn mãnh liệt. Khi công tác bảo tồn được định hình đúng hướng, thì nó sẽ “trỗi dậy” trong đời sống văn hóa của đồng bào các DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Gia đình 7 đời làm nghề chạm bạc trên cao nguyên đá

Gia đình 7 đời làm nghề chạm bạc trên cao nguyên đá

Trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), thôn Lao Xa, xã Sủng Là là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông. Đã từ rất lâu, không chỉ riêng người Mông, mà bất cứ ai muốn mua được một món đồ trang sức bằng bạc ưng ý, đều lên đường đến Lao Xa…