Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Mùa vàng trên " đất gỗ khô "

Phượng Diễm - 15:12, 06/02/2020

Nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) nổi tiếng với danh thắng quốc gia là ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp, óng ả, quyến rũ giữa lưng chừng trời. Hẳn không nhiều người biết rằng, cái tên Mù Cang Chải theo tiếng Mông có nghĩa là “đất gỗ khô”. Thế mà trên mảnh đất khô ấy, với bàn tay khéo léo, sự nhẫn nại phi thường qua hàng trăm năm vật lộn với thiên nhiên của người Mông, mùa vàng đã bung nở, không chỉ mang lại ấm no cho dân bản mà còn tạo nên cảnh quan tuyệt tác để con người chiêm ngưỡng.

Đập lúa ngay tại ruộng bậc thang với “pản thống”
Đập lúa ngay tại ruộng bậc thang với “pản thống”

Gặt về những ấm no

Cách Hà Nội gần 300km về hướng Tây Bắc, huyện Mù Cang Chải rộng gần 2.000km2, có khoảng 5 vạn dân, trong đó 95% là người Mông. Nét đặc sắc nhất của Mù Cang Chải là khoảng 2.500ha ruộng bậc thang, tập trung ở các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình.

Hằng năm, Mù Cang Chải thu hút đông đảo du khách vào mùa nước đổ tháng 5 - 6 và mùa thu hoạch lúa chín tầm tháng 9 - 10. Nếu vào mùa nước đổ, những thửa ruộng bậc thang đẹp long lanh như tấm gương trời trong trẻo thì đến mùa vàng, cả núi rừng lại bừng lên rực rỡ một màu ấm no.

Chúng tôi đến nhà anh Giàng A Tông (xã La Pán Tẩn) vào sáng sớm, đúng lúc anh cùng gia đình đang chuẩn bị nông cụ, đồ ăn để ra đồng gặt lúa. Anh Tông cho biết, mỗi mùa nhà anh thường thu hoạch được 30 bao lúa, riêng thửa hôm nay chúng tôi đi gặt cùng anh hứa hẹn sẽ cho khoảng 10 bao. Trên thửa ruộng, dưới ánh nắng sớm trong trẻo của vùng cao, những bông lúa trĩu nặng ánh lên màu vàng xuộm bắt mắt.

Giờ tan học, ruộng bậc thang rộn ràng tiếng cười con trẻ
Giờ tan học, ruộng bậc thang rộn ràng tiếng cười con trẻ

Đi cùng người dân nơi đây gặt lúa mới thấy, họ vất vả từ khâu di chuyển. Nhà nằm trên đỉnh núi, đi từ nhà xuống thửa ruộng cũng đã qua bao khúc quanh, bao đèo dốc. Đến ruộng rồi cũng chỉ có thể mang theo những đồ gọn nhẹ nhất như cái liềm mà thôi, bởi vì những thửa ruộng trông uốn lượn đẹp như một bức tranh lụa trong mắt du khách, nhưng với người canh tác thì đó lại là trở ngại đáng kể. Máy móc khó mang được đến nơi, anh Tông và mọi người trong gia đình phải cùng nhau khiêng một cái thùng gỗ - gọi là pản thống - qua bờ ruộng, để đập lúa ngay tại chỗ, cho đỡ vất vả.

Bữa trưa ngày mùa, những người phụ nữ Mông tươi cười ngả trong gùi ra mấy gói xôi ăn kèm với măng xào ớt - món ăn đặc trưng nơi đây. Tôi cắn thử một khúc măng ngăn ngắn, cảm thấy vị cay xộc vào khắp khoang miệng khoang mũi, vội vàng nuốt thì tiếp đó là vị chua xâm chiếm, bèn véo miếng xôi đệm vào, chợt êm dịu hơn hẳn. Nuốt xuống bụng rồi mới thấy ấm áp và hiểu lý do người Mông mang đi món ăn dân dã mà chắc dạ này phục vụ mùa thu hoạch.

Gặp chủ nhân “mâm xôi vàng”

Chia tay những người dân hiếu khách ở ruộng lúa nhà anh Giàng A Tông, chúng tôi đến với mâm xôi vàng đẹp nhất Mù Cang Chải của gia đình chị Giàng Thị Chông. Tình cờ, chúng tôi có duyên gặp một đoàn du khách từ Israel, họ là những nhiếp ảnh gia nghiệp dư, đi theo tour chụp ảnh với đầy đủ trang thiết bị và cả người mẫu xứ Tây. Ông Zeev Parush (người Israel, cán bộ ngành Công nghệ thông tin, đã nghỉ hưu) vui vẻ chia sẻ: “Theo lịch trình, chúng tôi còn đến Hạ Long và đi thêm mấy tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Tôi cũng đã đi nhiều nơi có ruộng bậc thang, nhưng ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải rất ấn tượng, đẹp nhất mà tôi từng thấy. Chắc chắn nếu có cơ hội tôi sẽ trở lại đây”.

Vẻ đẹp độc đáo của “mâm xôi vàng”
Vẻ đẹp độc đáo của “mâm xôi vàng”

Nhìn người mẫu của đoàn khách Israel – vốn là một nghệ sĩ múa – xoay trong một vũ điệu tự do cùng với chiếc khăn đủ màu sặc sỡ, tôi bỗng cảm thấy khung cảnh nơi đây khá lạ lẫm và mong rằng sẽ nhiều du khách quốc tế sẽ mang vẻ đẹp này đi xa hơn nữa.

Chúng tôi gặp chị Chông và bố đang đi be bờ, kiểm tra ống nước dẫn ra ruộng mâm xôi. Chị Chông tươi cười bảo: “Nhà mình thường thu hoạch lúa sau những nhà khác, vì lúa chín còn để cho khách du lịch đến chơi, chụp ảnh”.

Theo lời chị Chông, ruộng lúa này đã có từ lâu lắm rồi, có từ thời ông bà ngày xưa đến khai hoang, gia đình chị cứ thế canh tác. “Cách đây mấy năm, bỗng dưng ruộng bậc thang nhà mình nổi tiếng và du khách đến đông” - người phụ nữ trẻ hồn hậu cho hay.

Thế nhưng, tuy gọi là mâm xôi vàng, đối với nhà chị Chông cuộc sống cũng chưa sang trang, công việc của họ vẫn đều đặn như xưa nay vẫn thế - vẫn gieo cấy, vẫn đêm đêm trông đường ống bằng tre dẫn nước đủ về ruộng, vẫn nhắc từng người khách chớ dẫm vào lúa, vẫn ngóng chờ ngày thu hoạch… để có bữa cơm mới như bao gia đình khác nơi núi cao này.

Tin cùng chuyên mục
Đêm hội cồng chiêng “Âm vọng cội nguồn - Đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum”

Đêm hội cồng chiêng “Âm vọng cội nguồn - Đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum”

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Kon Tum lần thứ IV năm 2024, tối ngày 10/10, tại Nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, Tp. Kon Tum) đã diễn ra chương trình Đêm hội cồng chiêng, với chủ đề “Âm vọng cội nguồn - Đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum”.