Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Danh Kim Huôl: Tác giả chương trình “Nâng bước em đến trường”

PV - 19:25, 30/01/2018

Khi tiếp xúc với Thiếu tá Danh Kim Huôl (dân tộc Khmer, Chính trị viên, Phó Đồn Trưởng Đồn Biên phòng Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang), nhiều người đều có chung nhận xét: “Bộ đội Huôl là người hòa đồng, vui vẻ, chân tình và tin cậy”.

Tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2004 với quân hàm Thiếu uý, Danh Kim Huôl được phân công về Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên phụ trách công tác vận động quần chúng. Đây là địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống, an ninh biên giới khá phức tạp, nhất là nạn vận chuyển hàng lậu qua lại biên giới.

Thiếu úy Danh Kim Huôl là người con của quê hương Kiên Giang nên anh rất am hiểu văn hóa, phong tục tập quán và những mặt ưu điểm, hạn chế của đồng bào dân tộc quê hương mình. Điều anh trăn trở nhất là làm cách nào để giúp đời sống của bà con bớt khó khăn.

Bộ đội Huôl hướng dẫn 2 anh em Lập-Nghiệp gấp chăn gối tại Đồn Biên phòng cửa khẩu thị xã Hà Tiên. Bộ đội Huôl hướng dẫn 2 anh em Lập-Nghiệp gấp chăn gối tại Đồn Biên phòng cửa khẩu thị xã Hà Tiên.

 

Bằng những việc làm thiết thực, bộ đội Huôl phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện bắt tay vào triển khai mô hình chuyển đổi giống lúa dài ngày sang giống lúa cao sản ngắn ngày tại ấp Mỹ Lộ, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên. Những ngày đầu đi vận động bà con mạnh dạn trồng thử giống lúa cao sản, không hộ dân nào dám “thay mới, nới cũ”, bởi bà con lo “nếu xảy ra rủi ro thất mùa thì lấy gì đổ vào miệng”.

Hiểu được tâm lý ngại thay đổi của những người nông dân một nắng hai sương, bộ đội Huôl lại thuyết phục bà con cho mình mượn tạm 2 mảnh ruộng để trồng thử nghiệm giống lúa cao sản. Vụ đầu tiên, anh trúng đậm. Giống lúa cao sản của anh chỉ gieo trồng trong thời gian 3 tháng đã cho thu hoạch, năng suất cao gần gấp đôi giống lúa truyền thống. Khi nhìn thấy tận mắt ruộng lúa nặng trĩu bông, bà con mới tin và hồ hởi đi đăng ký mua giống mới cho những vụ tiếp theo.

Vận động bà con triển khai thành công mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bộ đội Huôl lại bắt tay vào triển khai các mô hình “Trồng hẹ kết hợp với xóa nhà tạm bợ”-mô hình này do Bộ Tư lệnh Biên phòng phát động; mô hình “Bến xuồng không buôn lậu” và mô hình “Nâng bước em đến trường”. Thiếu tá Danh Kim Huôl chia sẻ, trong 4 mô hình anh trực tiếp tham gia vận động bà con và các cán bộ, chiến sĩ triển khai thì mô hình “Nâng bước em đến trường” là sáng kiến của bản thân anh và là mô hình riêng của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Mô hình này về sau được Bộ Tư lệnh Biên phòng chọn làm mô hình điểm để nhân rộng ra toàn quốc.

Nhớ lại “cơ duyên” để bản thân nảy ra sáng kiến xây dựng mô hình “Nâng bước em đến trường”, Thiếu tá Danh kim Huôl nhớ lại thời điểm tháng 5/2011, khi xuống địa bàn công tác, anh tình cờ gặp hai cháu nhỏ đang rửa bát thuê ở góc chợ Xà Xía. Hỏi chuyện thì được biết hai cháu Nguyễn Văn Lập và Nguyễn Văn Nghiệp là 2 anh em, mồ côi cha từ bé, mẹ bỏ đi xa nên các cháu đang ở cùng bà nội trong một cái chòi nhỏ thuộc ấp Xà Xía.

Biết chuyện, ngay hôm sau, bộ đội Huôl vào tận chòi để chứng kiến cảnh sống nheo nhóc, cùng cực của 3 bà cháu. Anh trở về Đồn báo cáo với Chỉ huy bàn phương án đưa 2 cháu vào Đồn để nhận nuôi ăn học cho đến năm 18 tuổi. Từ 6 năm nay, Lập và Nghiệp đã trở thành những đứa con của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hà Tiên. Một cháu hiện đã học lớp 9, một cháu học lớp 10. Chòi ở của bà nội Lập và Nghiệp cũng đã được các chiến sĩ áo xanh vận động các “mạnh thường quân” thay thế bằng một ngôi nhà mới khang trang.

Ngoài 2 cháu Lập và Nghiệp, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên còn nhận đỡ đầu cho 3 cháu mồ côi cha ở ngoài và 2 cụ già neo đơn. Hằng tháng, các cán bộ Chỉ huy Đồn tự nguyện đóng góp vào quỹ “Nâng bước em đến trường” mỗi người 500.000 đồng, còn anh em, chiến sĩ đóng góp tùy tâm.

Hiện nay, Thiếu tá Danh Kim Huôl đã chuyển công tác sang Đồn Biên phòng Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang). Các cán bộ, chiến sĩ của Đồn Phú Mỹ đang đỡ đầu cho 15 em học sinh nghèo với số tiền chu cấp hàng tháng 500.000 đồng/em và phối hợp với nhà trường theo dõi sát sao việc học tập của các em. Phó Đồn trưởng Danh Kim Huôl trăn trở: “Vùng biên giới Tây Nam còn nhiều bà con Khmer nghèo lắm. Mình muốn giúp bà con nhiều việc nhưng sức vóc có hạn, nếu có được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của các “mạnh thường quân” thì anh em trong Đồn sẽ đùm bọc thêm được nhiều mảnh đời côi cút”.

NGỌC ÁNH

 

Tin cùng chuyên mục
Dấu ấn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ở Lào Cai

Dấu ấn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ở Lào Cai

Lào Cai là tỉnh vùng cao với trên 60% dân số là đồng bào DTTS; thời gian qua nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc của Nhà nước, đặc biệt là các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK.