Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

“Đánh thức” tiềm năng du lịch ở Mông Ân

Hồng Phúc - 10:17, 15/06/2020

Xã Mông Ân, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) có 95% dân số là đồng bào dân tộc Tày trên tổng dân số toàn xã. Với nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc cùng với cảnh quan thiên nhiên thanh bình, tươi đẹp, xã Mông Ân có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ).

Thác Đăng Mò - điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn khách thăm quan tại xã Mông Ân, huyện Bình Gia đang thu hút nhiều nhà đầu tư
Thác Đăng Mò - điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn khách thăm quan tại xã Mông Ân, huyện Bình Gia đang thu hút nhiều nhà đầu tư

Năm 2018, xã Mông Ân được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bước vào giai đoạn nâng cao các tiêu chí, hệ thống giao thông nông thôn thuận lợi, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, hệ thống điện lưới quốc gia, mạng Internet… là những điều kiện cần thiết giúp Mông Ân phát triển DLCĐ.

Từ đầu năm 2019, mô hình DLCĐ ở xã Mông Ân được thực hiện thí điểm tại 5 hộ gia đình ở 2 thôn: Cốc Mặn và Nà Vường. Các hộ gia đình đều có nhà sàn theo kiến trúc truyền thống, diện tích từ 100m² trở lên với vị trí đẹp, thoáng mát, có công trình vệ sinh riêng, đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt và lưu trú của 10 - 20 khách du lịch/hộ.

Gia đình ông Hoàng Hồng Sơn là một trong 5 hộ tham gia mô hình DLCĐ của xã Mông Ân. Ông đã đầu tư trên 600 triệu đồng để sửa sang ngôi nhà sàn truyền thống do tổ tiên để lại và thiết kế lối đi trồng hoa để du khách có nhiều trải nghiệm. Ông Sơn chia sẻ: “Từ lúc có DLCĐ, tôi thấy bà con có ý thức giữ gìn đường sá, nhà cửa, cảnh quan môi trường sạch, đẹp hơn trước nhiều. Gia đình đã đón nhiều du khách trong nước và cả quốc tế, chủ yếu là khách du lịch theo loại hình phượt, học sinh, sinh viên tới gia đình. Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư sửa sang nhà cửa để đạt tiêu chuẩn, đón tiếp khách du lịch”.

Kết hợp các hoạt động văn hoá như ẩm thực dân tộc Tày, trình diễn hát Then, hát lượn cùng kết nối với nhiều điểm thăm quan, di tích ở các xã lân cận như hồ Phai Danh, hang Thẩm Khuyên, hang Kéo Lèng,… du khách đến đây sẽ có những trải nghiệm thú vị và mới lạ. Cảnh quan sạch đẹp, đồng bào Mông Ân làm DLCĐ ngày càng chuyên nghiệp chính là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi tích cực trong tư duy của họ, biết biến tài sản văn hoá thành sinh kế bền vững, vừa tạo ra kinh tế, vừa là động lực bảo tồn văn hoá truyền thống. Mông Ân đang trở thành một điểm đến mới nổi đầy tiềm năng trên bản đồ du lịch tỉnh Lạng Sơn.

Để hỗ trợ Mông Ân khai thác tiềm năng, UBND huyện Bình Gia đã quyết định phê duyệt đầu tư Khu du lịch sinh thái thác Đăng Mò, với tổng kinh phí đầu tư 60 tỷ đồng (giai đoạn 1). Dự án do Công ty TNHH Minh Hợp làm chủ đầu tư, mục đích xây dựng khu du lịch sinh thái phục vụ nghỉ mát, nghỉ dưỡng, tổ chức sự kiện và vui chơi giải trí.

Thác Đăng Mò cũng là nơi tiếp giáp của 3 xã vùng cao của huyện Bình Gia là xã Mông Ân, xã Thiện Thuật và xã Hoàng Văn Thụ. Du khách tới Đăng Mò sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ với những con thác trải dài và rộng qua từng bậc thang đá mang vẻ đẹp hoang sơ nhưng cũng rất đỗi nên thơ. Với những lợi thế riêng có, điểm du lịch này được tỉnh Lạng Sơn quan tâm đầu tư phát triển thành khu du lịch sinh thái.

Năm 2019, điểm du lịch này đã thu hút hơn 10.000 lượt khách đến nghỉ dưỡng. Dự án hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội mới cho hoạt động du lịch của xã Mông Ân nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung khi kết nối với các điểm di tích lịch sử trong vùng, hình thành nên những tua, tuyến du lịch khép kín tại các vùng lân cận, góp phần quảng bá, phát triển du lịch địa phương. 

“Thời gian tới, xã sẽ tập trung vào các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tới huyện đầu tư; liên kết với các doanh nghiệp lữ hành kết nối Tour – tuyến để có đầy đủ điều kiện hơn để đón tiếp lượng khách du lịch đang ngày một gia tăng”. (Ông Hoàng Văn Ấn, Chủ tịch xã Mông Ân)

Tin cùng chuyên mục
Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer

Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer

Hát Aday- Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của đồng bào dân tộc Khmer vùng Nam Bộ nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, có từ lâu đời. Nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn hát Aday, tỉnh Hậu Giang đã và đang ưu tiên nguồn kinh phí để các địa phương, nghệ nhân thực hiện những hoạt động thiết thực đối với loại hình nghệ thuật này.