Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hà Nội: Gắn Chương trình OCOP với phát triển du lịch

Nghĩa Hiệp - 11:14, 10/06/2020

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP), Hà Nội sẽ xây dựng một Trung tâm sáng tạo và thiết kế, giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Đây là định hướng chiến lược để các sản phẩm OCOP của Hà Nội không ngừng gia tăng giá trị, từ đó bước vào “sân chơi” toàn cầu.

Làng nghề lụa Vạn Phúc sẽ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch
Làng nghề lụa Vạn Phúc sẽ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) từ lâu đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước với nghề dệt lụa. Làng có gần 800 hộ làm nghề (chiếm gần 60% trên tổng số hộ của làng); mỗi năm sản xuất khoảng 2,5 - 3 triệu m2 vải, chiếm 63% doanh thu của toàn bộ làng nghề. Sản phẩm lụa Vạn Phúc ngày càng trở nên đa dạng về chủng loại, mẫu mã, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Là làng nghề truyền thống nên những năm gần đây, Vạn Phúc thu hút nhiều du khách tới thăm quan để được tận mắt chiêm ngưỡng cách tạo ra những sản phẩm lụa độc đáo.

Thương hiệu lụa Vạn Phúc càng được khẳng định hơn khi lần đầu tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Thành phố đã có 4 sản phẩm của Hợp tác xã Vụn ART đạt “4 sao”, theo Quyết định 813/QĐ-UBND ngày 19/2/2020 của UBND TP. Hà Nội. Đó là các sản phẩm: Áo phông ghép lụa, túi vải thô ghép lụa, kít ghép tranh và tranh ghép vải.

Với những lợi thế đó, làng nghề lụa Vạn Phúc đã “lọt vào tầm ngắm” trong chiến lược thực hiện Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch, dịch vụ của Hà Nội. Ngày 15/5, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND về triển khai mô hình chỉ đạo điểm Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố năm 2020. Theo đó, làng nghề Vạn Phúc sẽ là 1 trong 5 địa phương được thí điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn (cùng với xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm; xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai; xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây; Trung tâm Khuyến công và phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP - Sở Công Thương Hà Nội).

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội, triển khai Kế hoạch số 100/KH-UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) không thực hiện tổ chức xây dựng thí điểm mà được giao tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả của các mô hình; từ đó tham mưu, đề xuất UBND Thành phố xem xét, phê duyệt đề án, kế hoạch, chương trình cho giai đoạn, các năm tiếp theo. Một trong những nhiệm vụ mà Sở NN&PTNT được giao thực hiện là nghiên cứu, tham mưu để UBND Thành phố xây dựng một Trung tâm sáng tạo, thiết kế và giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với du lịch, dịch vụ du lịch.

“Chúng tôi dự kiến xây dựng Trung tâm này ở huyện Đông Anh vì gần sân bay quốc tế Nội Bài”, ông Chí cho biết. Có thể thấy, với kế hoạch này, TP. Hà Nội đã tính đến chiến lược dài hơi cho Chương trình OCOP. Đây là định hướng cần thiết bởi Hà Nội rất kỳ vọng vào Chương trình sẽ là một “cú hích” thúc đẩy xây dựng nông thôn mới Thủ đô.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Chí, giai đoạn 2019 - 2020, Hà Nội xác định sản phẩm OCOP vừa hoàn thiện, nâng cấp và đánh giá chất lượng sản phẩm. Lộ trình sản phẩm OCOP theo chỉ tiêu của Trung ương giai đoạn 2019 - 2020 là khoảng 2.500 sản phẩm, Hà Nội sẽ chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 1.000 sản phẩm. Trong năm 2019 Hà Nội đã chấm 300 sản phẩm, năm 2020 sẽ có khoảng 700 sản phẩm.

TP. Hà Nội sẽ tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm làng nghề, nông nghiệp hiện có. Hà Nội cũng đang đầu tư cho 3 làng nghề: Bát Tràng, Vạn Phúc và Đường Lâm phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch”.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hà Nội.


Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.