Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nhìn lại bức tranh kinh tế vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Chính sách chưa tạo được sự đột phá (Bài 3)

Thúy Hồng - 14:56, 31/05/2021

Để phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB), Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, các chính sách hầu như chưa có thể tạo ra bước đột phát mạnh mẽ để thúc đẩy vùng TD&MNPB phát triển.

Cần xây dựng chính sách bằng tư duy mới để tạo sự đột phá về phát triển kinh tế-xã hội tương xứng với tiềm năng của vùng.
Cần có sự điều chỉnh trong xây dựng chính sách để đánh thức tiềm năng lợi thế vùng TD&MNPB

Chính sách đầu tư còn dàn trải

Sau khi Nghị quyết 37 ra đời, đã có hàng loạt chương trình, chính sách được triển khai phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh TD&MNPB như: Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-TW, Quyết định 120/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt Trung đến 2010, Chương trình 134, 30a...; theo đó, chỉ riêng giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư công của vùng lên tới 161.855 tỷ đồng.

Điển hình như, thực hiện Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-TW, trong đó nội dung nêu rõ, ưu tiên hàng đầu việc xây dựng và nâng cấp hệ thống đường bộ. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn), Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Lạng Sơn, một số tuyến đường kết nối các tỉnh với các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường vành đai, đường đến cửa khẩu, đường tuần tra biên giới…

Theo đó, ngân sách Trung ương và địa phương đã cân đối, bố trí vốn trong giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 31.884 tỷ đồng, tương đương 7% tổng mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước của ngành giao thông cho các dự án ở khu vực TD&MNPB. Nhờ đó, các tuyến đường cao tốc đề ra trong Nghị quyết số 37, đã cơ bản được đầu tư hoàn thành. Bên cạnh đó đã cải tạo, nâng cấp hình thành các tuyến hành lang phát triển kinh tế trong vùng…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương, cơ sở hạ tầng khu vực vẫn còn hạn chế, mới có 2 tuyến cao tốc từ Hà Nội đi Lào Cai và Lạng Sơn, có 2 sân bay thì sân bay Vân Đồn mới đi vào hoạt động, còn sân bay Điện Biên Phủ chỉ có máy bay hạng nhẹ hạ cánh được… khiến việc đi lại trong vùng vẫn còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, một số dự án vẫn chưa thể triển khai thực hiện, do nguồn lực đầu tư cho các công trình, dự án còn hạn hẹp, chủ yếu từ ngân sách nhà nước, vốn ODA. Ví dụ như tuyến cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn, đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng đã có chủ trương triển khai thực hiện từ 2018 – 2020, với quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 8.743 tỷ đồng, sử dụng nguồn vay vốn thương mại từ ADB do VEC (Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam) đầu tư.

 Tuy nhiên, việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, khi các nhà tài trợ vốn từ chối cho vay, với quy mô đầu tư ban đầu do lo ngại không thể hoàn được vốn nên đến nay chưa thể triển khai. Cung đường bị “đứt gãy”, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư và phát triển của tuyến cao tốc.

Quy mô sản xuất hàng hóa trong vùng còn nhỏ lẻ, thiếu sự quy hoạch, liên kết đồng bộ
Quy mô sản xuất nông nghiệp trong vùng còn nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, liên kết đồng bộ

Hay như đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các tỉnh miền núi phía Bắc, giai đoạn 2016 - 2019, đã có khoảng 179.031 tỷ đồng được đầu tư thực hiện, chiếm 14,11% tổng vốn huy động của cả nước. Tuy nhiên, tiến độ triển khai xây dựng các công trình NTM ở các địa phương trong vùng vẫn còn hạn chế, do nguồn vốn chủ yếu là ngân sách Nhà nước nên phân bổ còn chậm; sản xuất nông nghiệp của người dân còn hạn chế; chương trình OCOP chưa được phổ biến tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa; du lịch cộng đồng chủ yếu mang tính tự phát và chưa thật sự bền vững…

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay, vùng TD&MNPB mới có hơn 35% xã đạt chuẩn NTM. Trong 9 tỉnh của cả nước có tỷ lệ đạt chuẩn NTM dưới 30%, 762 xã đạt dưới 10 tiêu chí, tập trung chủ yếu các tỉnh  khu vực miền núi phía Bắc .

Chưa tạo được bước đột phá

Cũng phải nhìn nhận rằng, từ những chính sách đầu tư, bộ mặt của vùng đã có sự thay đổi lớn. Kinh tế - xã hội có bước phát triển, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Quy mô GRDP giai đoạn 2016 - 2020 tăng lên 2.868.178 tỷ đồng.

Trong đó, có địa phương trong vùng có quy mô GRDP cao như Thái Nguyên là, 125,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,2% tổng GRDP toàn vùng; Bắc Giang 121,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,6%; tốc độ tăng trường GRDP khá cao và liên tục qua các năm (giai đoạn 2016-2020, tốc độ này của vùng đã đạt tới 9%, cao hơn mức trung bình cả nước).

Nhưng trên thực tế, nhiều chính sách được đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội của vùng chưa tạo sự đột phá. Tính GRDP bình quân đầu người trong khu vực này ở mức thấp so với cả nước, năm 2020 đạt 54,2 triệu đồng. Mật độ doanh nghiệp đạt 2,7 doanh nghiệp/1.000 dân trong độ tuổi lao động, là mật độ thấp nhất so với các vùng khác trên cả nước.

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Trong lĩnh vực kinh tế, phát triển của các địa phương trong vùng chưa đồng đều. Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn chưa mang tính vùng, chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội... 

Cùng với đó, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp thấp. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế biến vẫn ở dạng chế biến thô và gia công. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp.

Kêu gọi đầu tư công nghệ chế biến sâu nông sản vẫn đang là điểm yếu của vùng trung du và miền núi phía Bắc
Đầu tư vào công nghệ chế biến nông sản vẫn đang là điểm yếu của vùng trung du và miền núi phía Bắc

Cụ thể như trong lĩnh vực nông nghiệp, có nhiều địa phương có rất nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao, mang tính đặc trưng như cam sành Hà Giang, Tuyên Quang… Tuy nhiên hiện nay, vẫn chưa có sự liên doanh, liên kết trong tiêu thụ nông sản. Người nông dân vẫn luôn luôn đối diện với điệp khúc “được mùa, mất giá”. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hoành hành như hiện nay, các mặt nông sản luôn trong tình trạng kêu gọi “giải cứu”.

Bên cạnh sự thiếu đồng bộ trong đầu tư thì, nguồn nhân lực là điểm yếu ở vùng TD&MNPB. Các tỉnh chưa thích ứng trong việc đào tạo để hỗ trợ nguồn nhân lực có chất lượng. Có đến 78,44% dân số từ 15 tuổi trở lên đang tham gia vào nghề nông và các ngành nghề đơn giản, trong khi chỉ có 6,26% tham gia vào các ngành nghề có chuyên môn kỹ thuật cao và trung bình.

Các nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong việc phát triển kinh tế-xã hội của vùng xuất phát từ nhiều khía cạnh khác nhau. Nhưng trong đó, nhìn nhận rõ nhất là các chính sách đầu tư vẫn còn hạn chế, chưa mang tính đặc thù nên không tạo được 'bệ đỡ" để phát huy hết tiềm năng lợi thế của các địa phương trong vùng. Cần có tư duy mới trong thiết kế và xây dựng chính sách để tạo ra bước đột phá trong phát triển vùng TD&MNPB.


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân có nhà ở ổn định

Quảng Nam: Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân có nhà ở ổn định

Với mục tiêu “không để người nghèo bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, các cấp, sở ngành ở Quảng Nam đã huy động nhiều nguồn lực tổng hợp nhằm đẩy mạnh công tác xoá nhà tạm, nhà bán kiên cố cho người dân. Nhờ đó, nhiều hộ dân gặp khó khăn có được căn nhà ở ổn định, an toàn.