Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Dặt dìu tiếng khèn Mông trên cao nguyên Gia Lai

Ngọc Thu - 07:10, 25/03/2024

Gần 40 năm kể từ khi đồng bào Mông đến lập nghiệp tại xã Ya Hội, huyện Đak Pơ (Gia Lai), bà con đã cùng nhau lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng, trong đó có tiếng khèn Mông hòa cùng những điệu múa truyền thống được gìn giữ nơi quê mới.

Cây khèn cùng những điệu múa khèn truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông
Phục dựng Lễ hội Gầu Tàu của đồng bào Mông ở xã Ya Hội

Cuộc chuyển cư về miền đất mới

Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, người Mông di cư vào sinh sống ở 3 huyện của tỉnh Gia Lai gồm Đak Pơ, Kbang và Chư Prông. Theo Tiến sĩ Sử học Nguyễn Thị Kim Vân (Gia Lai) cho rằng: có thể nhóm người Mông ở Gia Lai chính là nhóm đi tiên phong trong cuộc chuyển cư vào Tây Nguyên những năm sau đó của người Mông đến cao nguyên phía Tây của Tổ quốc. Nhóm cư dân này có nguồn gốc từ xã Phi Hải, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng. Tháng 5/1982, nhóm người Mông đầu tiên do ông Lý Văn Páo dẫn đầu gồm 11 hộ với 115 khẩu có mặt ở xã Ya Hội (huyện Đak Pơ). 

Gia đình ông Páo có người em họ lấy chồng là ông Đinh Jong Hinh (người Ba Na, ở làng Tờ Nùng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro) tập kết ra miền Bắc. Năm 1978, ông Hinh đưa vợ con về quê, rồi viết thư mời ông Páo vào Tây Nguyên lập nghiệp, bởi đây là nơi “có đất đai bao la” so với quê cũ (Cao Bằng). Đến tháng 4/2019, Gia Lai có 3.386 người Mông. Phần lớn bà con sinh sống ở 3 làng của xã Ya Hội; số còn lại ở 2 huyện Chư Prông và Kbang.

Tại Đak Pơ, sau hơn 40 năm định cư trên vùng đất mới, một bộ phận đồng bào dân tộc Mông ra đi từ xã Phi Hải (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) đã dần có cuộc sống ổn định. Đến nay, làng Mông có 158 hộ, 736 khẩu, chiếm hơn 22% dân số của xã. Những ngôi làng của người Mông là mấy chục nóc nhà dựng sát nhau dựa vào những triền đồi khiến chúng tôi cứ ngỡ đang lạc vào vùng Tây Bắc.

Lớp trẻ ở làng Mông luôn ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống cùng điệu khèn Mông trên quê hương mới
Lớp trẻ ở làng Mông luôn ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống cùng điệu khèn Mông trên quê hương mới

Theo những người lớn tuổi trong làng Mông kể lại: Những ngày đầu khi rời tỉnh Cao Bằng đến vùng đất mới, vào giữa năm 1982, chỉ có 11 hộ với hơn 100 nhân khẩu. Ya Hội khi ấy còn là một vùng rừng núi hoang vu, rậm rạp. Chúng tôi vào được tới đây, ngoài chiếc áo mang trên người hầu như không có tài sản gì. Không ai bảo ai, chúng tôi cùng nhau dựng nhà giữ nguyên kiến trúc của người Mông ở quê, những văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Vì vậy, dẫu sống xa quê, chúng tôi vẫn thấy ấm áp, vơi bớt nỗi nhớ quê hương. 

Giữ tiếng khèn Mông cho mai sau

Cùng với chú trọng phát triển kinh tế, bà con nơi đây còn rất ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trong đó có tiếng khèn Mông, một nhạc cụ hết sức đặc trưng và độc đáo. Cây khèn cùng những điệu múa khèn truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông.

Chàng trai Lý Thiên Toàn say sưa với điệu khèn Mông
Chàng trai Lý Thiên Toàn say sưa với điệu khèn Mông

Trong tiết trời mùa xuân trong trẻo, chúng tôi được tham dự Lễ hội Gầu tào đón năm mới của người Mông. Trong không khí sôi động của lễ hội làng, chúng tôi bị thu hút bởi tiếng sáo trầm ấm, dặt dìu của em Lý Thiên Toàn (SN 2006). Đó là tiếng khèn vang vọng núi rừng đánh thức chim muông cây cối, cùng hòa vào niềm vui đón năm mới của bản làng.

Toàn kể, vì yêu thích những thanh âm dặt dìu ấy, cách đây gần 2 năm, Toàn xin theo học với ông Lý Văn Tính - một nghệ nhân cùng làng. Mùa khô thì học ban đêm, mùa mưa học ban ngày. Sau 3 tháng miệt mài, Toàn tiếp tục khăn gói sang Lâm Đồng học thêm với cậu. Với tài năng của mình, Toàn được tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa lớn nhỏ, trong đó có một số chuyến ở Tp. Pleiku. Gương mặt sáng, vóc dáng khỏe khoắn, biểu diễn thuần thục khèn Mông, Toàn thu hút nhiều du khách vây quanh thưởng thức.

“Em rất vui khi thấy du khách tò mò, thích thú tìm hiểu chiếc khèn Mông. Có người còn xin chụp hình chung. Tới đây, em mong sẽ dạy lại cách biểu diễn cho các em nhỏ trong làng để lưu giữ lại bản sắc văn hóa của dân tộc mình”,Toàn bày tỏ.

Ông Lý Văn Tu trình diễn nghệ thuật múa khèn tại sự kiện văn hóa “Ngày hội di sản và Tuần lễ văn hóa - ẩm thực năm 2022”
Ông Lý Văn Tu trình diễn nghệ thuật múa khèn tại sự kiện văn hóa “Ngày hội di sản và Tuần lễ văn hóa - ẩm thực năm 2022”

Nổi tiếng giữ điệu khèn truyền thống trong làng còn có ông Lý Văn Tu. Lắng nghe tiếng khèn “mở đầu” cho các chương trình lễ hội, bỗng thấy lòng hân hoan đến lạ. Và càng cảm phục khi biết, bao năm qua, người đàn ông dân tộc Mông này, vẫn luôn trân trọng giữ gìn điệu khèn mang từ Cao Bằng lên Tây Nguyên.

Ông Lý Văn Tu chia sẻ: “Học thổi khèn Mông rất khó, dù học nhiều cũng khó có thể am hiểu hết được những giai điệu của khèn. Để trở thành một người thổi khèn giỏi, người con trai Mông phải tập khèn từ 12 - 15 tuổi, có thân hình khỏe, mềm dẻo, nhịp nhàng, nhưng quan trọng hơn cả là cách lấy hơi, rèn khí để hơi được sâu, được dài. Mình biết thổi khèn Mông từ khi 15 tuổi. Sau đó lên Gia Lai sinh sống, mình vẫn giữ nguyên vẹn tiếng khèn Mông cho đến bây giờ. Và sau này, cũng truyền lại cho con cháu để chúng nó biết gìn giữ và phát huy tiếng khèn đã trải qua bao đời của dân tộc mình ”.

Nghệ thuật Múa khèn của người Mông còn thể hiện tính cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong đời sống cộng đồng. Tiếng khèn ngấm sâu vào tâm hồn người Mông, thân quen như thắng cố, mèn mén, rượu ngô hay tất cả những gì thân thuộc nhất đã gắn bó với họ từ lúc sinh ra.

Các chàng trai, em nhỏ người Mông luôn mang bên mình cây khèn trong các dịp lễ, hội
Các chàng trai người Mông luôn mang bên mình cây khèn trong các dịp lễ, hội

Giữa đại ngàn, thanh âm tiếng khèn vang cao, vang xa, là minh chứng rõ nét nhất cho vẻ đẹp văn hoá truyền thống, là phương tiện kết nối cộng đồng, giao lưu văn hoá, là niềm tự hào bao đời nay của đồng bào Mông.

“Con trai không biết thổi khèn thì cây ngô không mọc/Con gái không biết nghe tiếng khèn thì dòng suối không biết chảy đi đâu”- câu dân ca mà đồng bào dân tộc Mông hát từ bao đời nay đã cho thấy, chỗ đứng của tiếng khèn trong đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng.

Anh Lý Kim Tuyên, Trưởng thôn làng Mông tự hào chia sẻ: Cả làng, tính cả già lẫn trẻ thì chỉ có khoảng 15 người biết thổi khèn Mông. Không chỉ là nhạc cụ, khèn Mông còn là đạo cụ. Do vậy, phải thật sự có năng khiếu và đam mê thì mới lĩnh hội, trình diễn thuần thục loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này. 

Đặc biệt, chúng tôi rất vui và tự hào khi Nghệ thuật Khèn của người Mông trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây sẽ là nguồn lực lớn trong sự gìn giữ và trao truyền của các thế hệ lớn trẻ trong làng Mông. Và để rồi tiếng khèn sẽ luôn dặt dìu, rộn ràng trong cộng đồng dân tộc Mông trên quê mới Đak Pơ.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.