Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Đất đồi ở Hữu Lũng (Lạng Sơn) bị san ủi trái phép: Xã bất lực, huyện làm ngơ?

T. Hồng - H.Nghĩa - 19:58, 16/04/2020

Ước tính khoảng 5 - 7ha đất rừng ở thôn Ngọc Thành và thôn Đồng Lai, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) bị san ủi trái phép; hàng triệu m3 đất được vận chuyển đi nơi khác để bán kiếm lời. Mặc dù người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh, nhưng chính quyền địa phương vẫn làm ngơ.

Gần chục ha đồi đã bị san phẳng để lấy đất.
Gần chục ha đồi đã bị san phẳng để lấy đất

Tự do múc đất!

Theo phản ánh của người dân xã Đồng Tân, từ tháng 9/2019 đến nay, trên địa bàn xã, tình trạng đất đồi bị khai thác trái phép diễn ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương.

Tình trạng khai thác trái phép đất đồi đã được người dân nhiều lần kiến nghị lên xã, lên huyện, thậm chí lên tỉnh, nhưng chưa được giải quyết. Người dân địa phương đặt câu hỏi: liệu có sự tiếp tay của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương? Bởi lẽ từ tháng 9/2019 đến nay cũng có một số đoàn kiểm tra về xác minh; nhưng cứ mỗi lần có đoàn kiểm tra là việc khai thác đất lại tạm dừng, các phương tiện máy móc đều rút khỏi hiện trường, rồi sau đó lại tiếp tục diễn ra như cũ.

Để làm rõ thông tin phản ánh của người dân, ngày 23/3/2020, chúng tôi đã về xã Đồng Tân để “mục sở thị”. Tại đây, dù không ghi nhận hoạt động khai thác đất đồi, nhưng trên bãi đất rộng gần chục ha đã được san phẳng vẫn còn mới nguyên những vết bánh xe tải, vết gầu máy xúc.

Theo thông tin từ Trưởng thôn Ngọc Thành và thôn Đồng Lai cung cấp, khu đất khai thác trái phép này thuộc sở hữu của ông Lê Minh Tuân, thường trú tại xã Đồng Tân. Ông này thường xuyên đi mua gom đất đồi của các hộ dân, với giá 30 triệu đồng/sào. Việc mua bán cũng không thông qua thôn nên thôn không nắm được.

Có dấu hiệu tiếp tay cho vi phạm

Phóng viên đã có buổi làm việc với ông Linh Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Đồng Tân. Cùng làm việc có Phó Chủ tịch UBND xã, ông Chu Văn Chức. Theo lãnh đạo xã Đồng Tân, ban đầu ông Lê Minh Tuân được UBND huyện Hữu Lũng cho phép san lấp, cải tạo mặt bằng với diện tích 2.000m2 thuộc thửa đất số 40, tờ bản đồ số 53, tại thôn Ngọc Thành để sản xuất kinh doanh (Quyết định số 5654/QĐ-UBND ngày 17/12/2019 của UBND huyện Hữu Lũng). Tuy nhiên, ông Tuân đã san ủi vượt mốc giới cho phép 305m2.

UBND xã và ngành chức năng huyện Hữu Lũng đã lập biên bản ngày 4/2, trong đó yêu cầu ông Tuân dừng ngay hoạt động san ủi trái phép. Nhưng ông Tuân không chấp hành mà tiếp tục khai thác; đến nay tại khu vực này đã có 5 - 7ha đất rừng đã bị san phẳng, hàng triệu m3 đất đã được vận chuyển đi bán kiếm lời. Theo thông tin từ UBND xã Đồng Tân, hoạt động san ủi này còn làm lấp hơn 1.000m2 đất trồng lúa.

Dù địa phương thiệt hại về tài nguyên như vậy, nhưng theo lãnh đạo xã Đồng Tân, xã chỉ có biện pháp ngăn chặn là… lập biên bản vi phạm. Một trong những biên bản hiếm hoi được UBND xã Đồng Tân lập khi kiểm tra hiện trường là biên bản ngày 6/2/2020. Nhưng ngạc nhiên là, nội dung biên bản này lại xác nhận Tổ công tác của UBND xã Đồng Tân tiến hành kiểm tra hiện trường vào ngày 16/3/2020!. Phải chăng, những người có trách nhiệm ở xã Đồng Tân đã “tiên đoán” được sự việc nên đã lập biên bản trước 40 ngày?!!!

Lãnh đạo UBND xã Đồng Tân cũng khẳng định, khi phát hiện sự việc, ngoài lập biên bản, xã đã báo cáo bằng điện thoại cho ông Cường - chuyên viên và ông Cao Văn Hòa - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng TN&MT huyện Hữu Lũng. Vậy, vì sao ngành chức năng của huyện này không có động thái ngăn chặn, xử lý? Hay biết nhưng đã cố tình làm ngơ trước hoạt động san ủi trái phép nêu trên? Câu hỏi này xin gửi tới UBND huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. 



Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.