Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Dấu ấn chuyển đổi số ở vùng cao

Đàm Oanh -Thanh Huyền - 04:47, 21/11/2023

Nhìn bảng xếp hạng DTI - chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh những năm gần đây do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá thì đa số các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc vẫn nằm trong nhóm trung bình và thấp. Điều này không quá khó hiểu nếu xét trên các yếu tố địa hình, dân cư, điều kiện kinh tế xã hội của khu vực khó khăn nhất cả nước này. Thế nhưng, trong nhóm các tỉnh vùng cao biên giới có điều kiện tương đồng này, dù dân số đông nhất, đông đồng bào DTTS nhất và khó khăn cũng thuộc diện bậc nhất, với tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 là 18,54%, nhưng tỉnh Hà Giang lại đứng thứ nhì về DTI, chỉ sau Lạng Sơn. Đây được coi là một trong những dấu ấn nổi bật của mảnh đất vùng cao, nơi biên cương cực Bắc của Tổ quốc.

Hà Giang tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Chuyển đổi số - nền tảng phát triển kinh tế - xã hội". (Ảnh: Duy Tuấn)
Hà Giang tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Chuyển đổi số - nền tảng phát triển kinh tế - xã hội". (Ảnh: Duy Tuấn)

Thanh toán số đi vào cuộc sống

Tranh thủ ngày nắng ráo, anh Hoàng Lão Sử, thôn Phố Mỷ, xã Tả Lủng, Mèo Vạc, Hà Giang lại chở những lứa mật đầu tiên của vụ mật mới tới giao cho Hợp tác xã (HTX). Mật ong bạc hà quê anh giờ đã nức tiếng gần xa, mang lại nguồn thu cho hàng nghìn bà con người Mông, người Dao nơi này. Vẫn công đoạn cân đo, đong đếm, kiểm tra chất lượng mật như trước, nhưng giờ đây, anh và nhiều bà con trong HTX Tả Lùng không còn phải nhận tiền mặt trực tiếp ngay sau khi bán mật nữa. Thay vào đó, tiền đổ về tài khoản ngân hàng ngay lập tức, chỉ sau một vài lần “chạm”. “Mang mật đi mình bán cho hợp tác xã, có tiền nhanh. Mình thích chuyển khoản hơn, nhanh chóng, không phải đi nhiều", anh Sử chia sẻ.

Với một chiếc điện thoại thông minh và những mã QR giờ đã trở nên phổ cập, đồng bào DTTS vùng cao Mèo Vạc có thể sở hữu ngay một chiếc ti vi, tủ lạnh hay bất cứ mặt hàng nào phục vụ nhu cầu của cuộc sống mà không phải lặn lội đi xa để tìm mua. Cũng theo cách ấy, chỉ một vài lần “chạm”, du khách khắp nơi đã có thể sở hữu tấm vé để thỏa sức du ngoạn, khám phá cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ của mảnh đất biên cương này. Việc mua vé điện tử, thanh toán điển tại các điểm du lịch, lưu trú ở Mèo Vạc đang ngày càng giúp du khách có những trải nghiệm tuyệt vời hơn tại nơi địa đầu Tổ quốc.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh Hà Giang hướng dẫn thành viên HTX Anh Tài, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) sử dụng mạng xã hội quảng cáo cam Sành. (Ảnh: kinhtenongthon.vn)
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh Hà Giang hướng dẫn thành viên HTX Anh Tài, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) sử dụng mạng xã hội quảng cáo cam Sành. (Ảnh: kinhtenongthon.vn)

Bà Nguyễn Thị Hằng, chủ cơ sở Mèo Vạc Clay House, Mèo Vạc cho biết: “Không riêng gì cơ sở chúng tôi, tất cả các homestay khác trong làng Mông đều sử dụng thanh toán số. Ngân hàng, viễn thông đã hỗ trợ hết mình, không tốn kém chi phí gì cả”.

Chị Lê Thị Ngọc Hương, việt kiều Australia bộc bạch: “Tôi rất ngạc nhiên khi có thể thanh toán số, chuyển khoản đơn giản, tiện lợi ở vùng sâu, vùng xa như thế này”.

Để thanh toán số đi vào cuộc sống, trở thành vùng cao không dùng tiền mặt là một nỗ lực rất lớn từ nhiều phía. Nhờ sự vào cuộc như vậy mà đến nay, dù là địa bàn vùng sâu, biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay, Hà Giang đã có hàng chục nghìn điểm chấp nhận thanh toán qua mã QR, hàng nghìn cơ sở sử dụng hoá đơn điện tử, vé điện tử, dần hình thành thói quen thanh toán số trong người dân và du khách.

Đồng bào DTTS Hà Giang quảng cáo sản phẩm bài thuốc tắm dân tộc Dao trên facebook. Ảnh: TL
Đồng bào DTTS Hà Giang quảng cáo sản phẩm bài thuốc tắm dân tộc Dao trên facebook. Ảnh: TL

Lấy người dân làm trung tâm

Quan điểm chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, xuất phát từ người dân không chỉ là tinh thần của ngành thông tin, truyền thông Hà Giang mà là tinh thần chung được Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành của tỉnh Hà Giang, đã và đang được cụ thể hóa trên mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có lĩnh vực hành chính công.

Dù là ngày đầu tuần nhưng bộ phận một cửa của xã Tân Quang, huyện Bắc Quang có vẻ thưa vắng người. Vắng là bởi vì giờ đây, đa phần các thủ tục hành chính đã được người dân thực hiện trực tuyến, tại nhà. Và ngay tại công sở xã cũng có lực lượng hỗ trợ, hướng dẫn người dân làm thủ tục trực tuyến.

Để người dân đỡ mất thời gian, công sức là biết bao nỗ lực của các cấp, ngành ở Tân Quang suốt thời gian qua. Đặc biệt là 2 tổ ATM di động với nòng cốt là đảng viên trẻ, dù mới đi vào hoạt động được hơn gần hai tháng nhưng đã giúp người dân giải quyết được 32 bộ hồ sơ ngay tại nhà. Hơn một tháng qua, bà con La Chí ở thôn Mục Lạn đã quen thuộc với việc người đảng viên dự bị trẻ tuổi Xín Thị Yến cùng các thành viên trong tổ ATM di động “đi từ ngõ, gõ từng nhà”, chỉ để giúp bà con “đỡ mất thời gian, công sức”.

Bà Vương Thị Cánh, thôn Mục Lạn, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang vui mừng chia sẻ: “Trước đây, do không có phương tiện đi lại, muốn làm thủ tục gì, tôi phải đi bộ mấy tiếng mới đến xã, lại chờ mấy tiếng mới về đến nhà. Bây giờ mọi thủ tục được giải quyết tại nhà, đơn giản, dễ dàng, thuận tiện.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Chuyển đổi số đã giúp người dân và doanh nghiệp thuận tiện hơn rất nhiều, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Với một địa phương khó khăn như Hà Giang, con đường chuyển đổi số, 4.0 sẽ mang tính quyết định sự phát triển của địa phương. Nếu biết khai thác từng tiềm năng, lợi thế của vùng miền, địa phương, nhất là hướng cho người khai thác lợi thế thông qua chuyển đổi số, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Bao đời nay, từng hạt ngô vẫn vươn mình qua từng hốc đá, khẳng định nghị lực phi thường trong muôn vàn gian khó của đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang…Giờ đây, có người ví, công cuộc chuyển đổi số nơi này cũng như gieo ngô trên cao nguyên đá. Và những thành quả đầu tiên từ “hạt mầm” chuyển đổi số là dấu ấn quan trọng nơi vùng cao, biên giới còn nhiều gian khó này. 

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.