Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Dấu ấn từ một kỳ Đại hội

Thúy Hồng - 08:20, 15/02/2021

Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II, năm 2020 tổ chức tại Thủ đô Hà Nội đã khép lại, nhưng dấu ấn về một kỳ Đại hội đặc biệt, về tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, về niềm tin sắt son theo Đảng mãi còn vẹn nguyên trong ký ức các đại biểu cũng như của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Các Đoàn viên Thanh niên là người DTTS thể hiện niềm tin son sắt với Đảng, với sự phát triển của dân tộc tại Đại hội.
Các Đoàn viên Thanh niên là người DTTS thể hiện niềm tin son sắt với Đảng, với sự phát triển của dân tộc tại Đại hội.

Kỳ Đại hội đặc biệt

Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II, năm 2020 diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều sự kiện chính trị trọng đại, vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều khởi sắc. Đại hội có sự tham gia của 1.592 đại biểu chính thức và 300 đại biểu khách mời. Đại hội lần này cũng diễn ra trong thời điểm hết sức đặc biệt khi cả đất nước và thế giới đang phải gồng mình chống lại đại dịch Covid-19.

Trong điều kiện hết sức khó khăn, khi nền kinh tế bị tác động nặng nề, bởi dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, bão lũ ở miền Trung… nhưng với quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực rất lớn của Đảng và Chính phủ cùng với các ban, bộ, ngành, Ủy ban Dân tộc - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Đại hội đã luôn chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị để tổ chức thành công Đại hội.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II, năm 2020 đánh giá, Ban Tổ chức và các tiểu ban giúp việc thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao, xây dựng các phương án, kịch bản sẵn sàng ứng phó các tình huống xảy ra, không lơ là chủ quan để tổ chức thành công Đại hội, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn.

“Đại biểu được Ban Tổ chức cử cán bộ tiếp đón từ khi đặt chân đến sân bay Nội Bài và sảnh các khách sạn. Mọi hoạt động được Ban Tổ chức phổ phiến, tận tình, chu đáo, từ bữa ăn, giấc ngủ, vấn đề bảo đảm y tế... Chưa bao giờ chúng tôi có được cảm giác ấm áp, trách nhiệm, sự chia sẻ, đoàn kết như lần về dự Đại hội này”, ông A Prưih, đại biểu tỉnh Kon Tum bộc bạch.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Đại hội đã phải lùi thời gian tổ chức . So với kịch bản Đại hội, một số nội dung chương trình cũng phải cắt giảm, nhưng Đại hội vẫn diễn ra trong không khí trang trọng, tươi vui, phấn khởi. Đại hội đã cử đoàn đại biểu của 54 dân tộc anh em dâng hương tại đền thờ các Vua Hùng, tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc Tiền nhân đã có công lao dựng nước, giữ nước và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người đã có công cùng với Đảng ta xây đắp khối đại đoàn kết các dân tộc.

Đại hội lần này cũng có nhiều điểm mới, tạo dấu ấn với đại biểu và Nhân dân cả nước. Trước hết, phải nhắc tới các chương trình nghệ thuật đặc sắc như: “Con đường văn hóa”. Đặc biệt, màn hòa tấu nhạc cụ dân tộc được mang tên “Âm vang đại ngàn” khai mạc Đại hội… do chính những nghệ sĩ là người DTTS biểu diễn sống động, không đơn thuần là một màn biểu diễn nghệ thuật, mà nó như thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Các đại biểu xem triển lãm ảnh bên lề Đại hội.
Các đại biểu xem triển lãm ảnh bên lề Đại hội.

Vững mãi niềm tin theo Đảng

Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam là ngày hội lớn của đồng bào các DTTS, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Như tinh thần chủ đề của Đại hội: “Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”. Đại hội đã đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc giai đoạn 2010 - 2020; đánh giá 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ I năm 2010; Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và định hướng đến năm 2030.

Sau 10 năm kể từ khi Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ I, năm 2010 được tổ chức, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào các DTTS Việt Nam đã có những bước tiến phát triển về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững hơn. Bình quân hằng năm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 2 - 3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%, có nơi giảm trên 5%. Trong giai đoạn 2015 - 2019 đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; có 1.052 xã, 27 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Những con số biết nói nêu trên đã cho thấy, mục tiêu đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ I, năm 2010 đều đã đạt và vượt. Có được những kết quả đó là nhờ sự nỗ lực, vươn lên, từ tinh thần đại đoàn kết các dân tộc luôn được thắt chặt và phát huy, niềm tin đối với Đảng, Chính phủ càng được củng cố vững chắc. Đó chính là cội nguồn sức mạnh của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định: Đồng bào các DTTS là máu thịt của dân tộc Việt Nam, một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 54 dân tộc anh em “như cây một cội, như con một nhà”, đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, luôn kề vai sát cánh bên nhau trong chế ngự thiên nhiên, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một kỳ Đại hội đã khép lại và một giai đoạn phát triển mới sẽ mở ra từ sự tiếp tục khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường của cộng đồng các DTTS Việt Nam. Từ đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để đồng bào các DTTS tiếp tục cố gắng, nỗ lực thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư tại Đại hội, hiện thực khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển cường thịnh, Nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục
Dấu ấn tháng 10

Dấu ấn tháng 10

Trong những ngày tháng 10 và những tháng cuối năm với bộn bề công việc, trên cương vị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, mới đây ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng đã đến thăm và làm việc với Ủy ban Dân tộc. Tại buổi làm việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong tham mưu, hoạch định chính sách phải dành sự quan tâm đặc biệt đến vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.