Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Đầu tư phát triển bền vững các huyện nghèo ở Khánh Hòa: “Bước đệm” cần thiết để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG

Hoàng Thanh - 19:21, 09/11/2022

Khánh Sơn, Khánh Vĩnh là hai huyện nghèo của tỉnh Khánh Hòa. Thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung nguồn lực thực hiện nhóm chính sách đầu tư phát triền bền vững hai địa phương này, tạo “bước đệm” để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG) trên địa bàn tỉnh.

Diện mạo mới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Khánh Hòa. (Trong ảnh: Trung tâm thị trấn Khánh Vĩnh)
Diện mạo mới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Khánh Hòa. (Trong ảnh: Trung tâm thị trấn Khánh Vĩnh)

Triển khai chính sách đặc thù

Số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa cho thấy, trên địa bàn tỉnh có trên 72.000 nhân khẩu là đồng bào DTTS, thuộc 35 thành phần dân tộc. Trong đó, có 3 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, gồm: Raglay, Ê Đê, Cơ Ho - Trin theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng bào DTTS của tỉnh sinh sống tập trung chủ yếu tại hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh và một số xã miền núi thuộc huyện Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa và Tp. Cam Ranh. Theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 7/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là huyện nghèo 30a.

Theo ông Võ Nam Thắng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, trong hơn 10 năm qua, thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 về Công tác dân tộc của Chính phủ, căn cứ các chương trình, chính sách của Trung ương, Ban Dân tộc và các sở, ngành liên quan đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, chính sách, kế hoạch, đề án để tổ chức thực hiện. Qua đó, đã huy động nguồn lực đầu tư, cả hệ thống chính trị và người dân tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), góp phần giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

“Bên cạnh các chính sách chung, Khánh Hòa đã ban hành nhiều chính sách đặc thù để đầu tư, hỗ trợ địa bàn khó khăn của tỉnh; nhất là Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 11/7/2016 của Tỉnh ủy. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, mặc dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, tỉnh đã lồng ghép nguồn vốn đầu tư các chương trình, chính sách và huy động xã hội hơn 424 tỷ đồng để phát triển KT-XH, giảm nghèo vùng DTTS và miền núi”, ông Thắng cho biết.

Đặc biệt, thực hiện nhóm “Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực; đầu tư phát triển bền vững” theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung đầu tư cho hai huyện nghèo Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã huy động được hơn 280 tỷ đồng để đầu tư phát triển cho hai địa phương này. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hoàn thành 4 dự án bố trí ổn định dân cư (3 dự án ở huyện Khánh Vĩnh, 1 dự án ở huyện Khánh Sơn) theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11//2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020”.

“Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội khác, các chính sách đầu tư phát triển bền vững đã góp phần quan trọng kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS của tỉnh giảm còn 25,09%. Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Khánh Hòa có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt 10/19 tiêu chí, 3 xã đạt trên 15/19 tiêu chí, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí”, ông Thắng cho hay.

Khánh Hòa đã hoàn thành 4 dự án bố trí ổn định dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11//2012 của Thủ tướng Chính phủ. (Trong ảnh: Khu tái định cư Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh - Ảnh: L.D)
Khánh Hòa đã hoàn thành 4 dự án bố trí ổn định dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11//2012 của Thủ tướng Chính phủ. (Trong ảnh: Khu tái định cư Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh - Ảnh: L.D)

Đi trước, đón đầu

Giai đoạn 2021 - 2025, cùng với nhiều địa phương khác trên cả nước, tỉnh Khánh Hòa tập trung triển khai Chương trình MTQG. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 28 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó có 20 xã thuộc khu vực III, 3 xã thuộc khu vực II, 5 xã thuộc khu vực I và 66 thôn đặc biệt khó khăn.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi là quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong suốt nhiều năm qua. Bởi vậy, sau khi Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được của giai đoạn 2016 - 2020, ngày 11/1/2021, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11/01/2021 về Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

“Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG. Do đó, việc triển khai Chương trình theo Nghị quyết số 09-NQ/TU được thống nhất về mục tiêu; phạm vi, đối tượng; nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg”, ông Tuân cho biết.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, Chương trình phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11/1/2021 của Tỉnh ủy Khánh Hòa, được xây dựng trên cơ sở Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Vì vậy, nội dung của chương trình này cơ bản trùng khớp với Chương trình MTQG theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg; việc triển khai vì thế cũng thuận lợi hơn.

“Vấn đề quan trọng hiện nay là huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình. Giai đoạn 2016 - 2020, do ảnh hưởng bởi thiên tai nặng nề, tỉnh phải sử dụng ngân sách dự phòng để khắc phục; kế đó là ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Căn cứ vào thực tế, cùng với các giải pháp tích cực chủ động huy động vốn thì UBND tỉnh đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho tỉnh triển khai thực hiện chương trình này”, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết.

Giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là gần 1.022 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 698,6 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 104,7 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách hơn 193,5 tỷ đồng; vốn huy động khác gần 25 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện Chương trình sẽ được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và trong dự toán ngân sách nhà nước 2021 - 2025 từ nguồn vốn sự nghiệp.

Tin cùng chuyên mục
Đại hội đại biểu các DTTS huyện Krông Năng (Đăk Lăk)

Đại hội đại biểu các DTTS huyện Krông Năng (Đăk Lăk)

Ngày 26/4, UBND huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ IV, năm 2024. Tham dự Đại hội có Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội các DTTS tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV Nguyễn Thiên Văn; Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Chiến Thắng; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk H’Yâo Knul; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện và 150 đại biểu chính thức. Đây là 1 trong 2 Đại hội điểm Đại hội các DTTS của tỉnh Đắk Lắk.