Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Yếu tố then chốt để phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi

An Yên - 20:07, 07/11/2022

Trong những thành quả phát triển ở vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn vừa qua, đáng kể nhất là sự tăng trưởng kinh tế khá cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hạ tầng cơ sở vùng nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc… Thành quả đó bắt nguồn từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đầu tư phát triển vùng DTTS, miền núi . Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS, miền núi đang được cả hệ thống chính trị triển khai quyết liệt, kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ để vùng DTTS, miền núi phát triển nhanh, toàn diện, bền vững trong thời gian tới.

Người dân huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) trồng dược liệu dưới tán rừng được giao khoán quản lý, bảo vệ và chăm sóc
Người dân huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) trồng dược liệu dưới tán rừng được giao khoán quản lý, bảo vệ và chăm sóc

Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao

Thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ, nên KTXH vùng DTTS có nhiều chuyển biến tích cực. Điểm nhấn rõ nhất là, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng DTTS khá cao, giai đoạn 2016-2018 đạt bình quân 7% và tăng dần hàng năm, cao hơn bình quân chung cả nước; có 21/52 địa phương có tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 đạt trên 8%. 

Đời sống vật chất của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từng năm. Bình quân toàn vùng DTTS&MN giảm 4%/năm; riêng các xã ĐBKK giảm trên 4%/năm trở lên, các huyện nghèo giảm 5-6%/năm trở lên.

 Riêng trong giai đoạn 2015-2019, đã có 8/64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a thoát nghèo, 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Cả nước cũng đã có 124/2.139 xã, 1.322/20.176 thôn ĐBKK ra khỏi diện đầu tư của chương trình 135; có 1.052/5.266 xã của vùng DTTS&MN đạt chuẩn NTM, trong đó có 106/2.139 xã ĐBKK đạt chuẩn NTM.

Trong số các chính sách hỗ trợ cho người dân vùng DTTS&MN, thì chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Sau 13 năm thực hiện (2003-2016) chính sách hỗ trợ này, đã có 93.664 hộ được hỗ trợ đất ở, 107.827 hộ được giải quyết đất sản xuất để an cư và sinh sống.

Nhìn từ Quảng Trị, nhằm giúp đồng bào ổn định sản xuất, cải thiện đời sống, HĐND tỉnh này đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy CNQSD đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019 - 2022. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, đến nay các huyện có đồng bào DTTS sinh sống, đã cơ bản đi vào hoàn thiện việc cấp đất và giấy CNQSD đất cho đồng bào, góp phần ổn định đời sống, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

“Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều bà con ở đây đều rất phấn khởi khi được huyện cấp giấy CNQSD đất miễn phí. Từ nay, bà con có động lực để xây dựng nhà cửa và đầu tư sản xuất có hiệu quả hơn, nhờ đó cuộc sống cũng sẽ ổn định hơn”, anh Hồ Văn Việt, ở thôn Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hồ hởi.

Giao đất, hỗ trợ đất sản xuất là cơ sở để đồng bào DTTS ổn định cuộc sống
Giao đất, hỗ trợ đất sản xuất là cơ sở để đồng bào DTTS ổn định cuộc sống

Khu vực đồng bào DTTS sinh sống chủ yếu là đồi núi với diện tích rừng chiếm đáng kể. Chính sách giao rừng cũng đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, tổng diện tích 805.558ha rừng đã giao cho 12.095 cộng đồng DTTS và 936.135ha rừng cho 439.374 hộ gia đình DTTS. Nhờ thế, lợi nhuận của các hộ chủ rừng tham gia mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi sản phẩm, giai đoạn 2013-2017 tăng thêm 25-30%. 

Chính sách hỗ trợ gạo cho bảo vệ và phát triển rừng (giai đoạn 2016-2018 đã hỗ trợ 93.224 tấn), góp phần nâng cao mức sống giúp người dân gắn bó với rừng, đồng thời phát huy tính cộng đồng trong công tác bảo vệ, từ đó nâng cao độ che phủ rừng.

Tại tỉnh Kon Tum, việc giao đất, giao rừng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang đem lại thêm nguồn thu nhập cho người dân và cộng đồng sống gần rừng, từ đó tác động tích cực đến ý thức bảo vệ rừng.

Ông A HLơn ở làng Lút, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy (Kon Tum) vui vẻ: Được giao quản lý 13,7ha rừng tự nhiên, mỗi năm tôi nhận được hơn 6 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đến năm 2021, diện tích rừng do gia đình tôi quản lý đã tăng lên 15,81ha, tiền dịch vụ môi trường rừng nhận được là hơn 10 triệu đồng.

Có tiền, ông A HLơn đã đầu tư trồng mì, mua phân bón cho vườn cao su, hiện nay kinh tế gia đình ông đã khá hơn trước rất nhiều nhờ thu nhập từ mì và cao su cho năng suất cao.

Bản làng vùng cao huyện Minh Hóa (Quảng Bình) nay đã thay da đổi thịt
Bản làng vùng cao huyện Minh Hóa (Quảng Bình) nay đã thay da đổi thịt

Hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện

Trước yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là khi triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng,  mục tiêu phát triển vùng DTTS, miền núi đặt ra rất cụ thể, chẳng hạn, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%, 100% đường đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác, 100% đồng bào được xem truyền hình và nghe đài phát thanh…

Còn đến năm 2030, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân các tỉnh vùng đồng bào DTTS&MN đạt tối thiểu 6-6,5%/năm, thu nhập của người DTTS sẽ bằng ½ thu nhập bình quân cả nước, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% và cơ bản không còn các xã và thôn bản ĐBKK, năng suất lao động xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tăng bình quân 6,5%/năm…

Đồng bào DTTS huyện Cam Lộ (Quảng Trị) trồng cây ăn quả trên vùng gò đồi được giao khoán
Đồng bào DTTS huyện Cam Lộ (Quảng Trị) trồng cây ăn quả trên vùng gò đồi được giao khoán

Những chỉ tiêu trên là không hề dễ đạt và dễ thực hiện. Bởi, xuất phát điểm của vùng DTTS&MN là rất thấp, được coi là “vùng trũng” về mọi mặt. Thực tế hiện nay, tình trạng hộ nghèo và cận nghèo vùng DTTS&MN, nhất là tình trạng nghèo của người DTTS vẫn đang là một trong những thách thức lớn. Tính đến năm 2020, hộ nghèo DTTS trong tổng số hộ nghèo cả nước chiếm 61,29%, trong khi tỉ lệ dân số DTTS chiếm 14,7% dân số cả nước.

Khó khăn và đầy thách thức, nhưng không phải không thực hiện được. Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng về công tác dân tộc, trong đó, chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào DTTS để hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Điều này sẽ là hành lang, tiền đề quan trọng vững chắc để triển khai các chương trình, chính sách một cách sát thực, phù hợp thực tiễn.

Diện mạo nông thôn vùng biên giới ở bản Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé (Điện Biên) ngày càng đổi mới
Diện mạo nông thôn vùng biên giới ở bản Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé (Điện Biên) ngày càng đổi mới

Điều cần phải làm để thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển, và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS&MN là cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương, sự đồng thuận của Nhân dân trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đặc biệt chú trọng triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ 2021-2025 

Sự phối hợp này, phải được xem là yếu tố then chốt thì mới có thể giải quyết được những vấn đề khó khăn, tồn tại; mới triển khai được các giải pháp để hướng đến mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm trên 3%, đến năm 2030 còn dưới 10% theo chuẩn nghèo đa chiều.