Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Đầu tư trồng quế, người dân thoát nghèo

Thiên An - 07:08, 25/11/2023

Từ một loại cây trồng để phủ xanh đất trống đồi trọc, thế nhưng những năm qua, cây quế đã đem lại thu nhập cao cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Yên Bái, thậm chí đưa nhiều hộ trở thành tỷ phú. Vì thế mà đồng bào nơi đây coi cây quế như “vàng xanh”.

Cây quế được đồng bào ở Yên Bái xem như “vàng xanh”, giúp họ thoát nghèo
Cây quế được đồng bào ở Yên Bái xem như “vàng xanh”, giúp họ thoát nghèo

Trước đây, gia đình anh Giàng A Sáu ở thôn Sài Lương 3, xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cũng như bao đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, chỉ biết sống nhờ vào rừng, trông chờ vào cây lúa, cây ngô, phát nương, làm rẫy nên kinh tế rất khó khăn.

Năm 2000, được sự vận động của Hội Nông dân và chính quyền địa phương, gia đình anh đã trồng 7ha quế trên mảnh đất rừng được Nhà nước giao. Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình A Sáu đã tiếp tục mở rộng đầu tư, nâng tổng diện tích quế đến nay đạt trên 40ha. 

Đến năm 2017, diện tích quế của gia đình anh đã cho thu hoạch với chất lượng tốt, đủ điều kiện để xuất khẩu ra nước ngoài. Nhờ đó, mà gia đình có có tiền xây nhà kiên cố, mua xe…

Năm 2019, Giàng A Sáu bán đồi quế được 3 tỷ đồng. Đến năm 2021, anh tiếp tục bán một đồi quế, với giá 4 tỷ đồng. Ngoài mang lại thu nhập cao cho gia đình, những đồi quế của gia đình anh còn tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên, với mức lương 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Từ một gia đình khó khăn, giờ đây gia đình anh Giàng A Sáu đã trở thành tỉ phú nhờ cây quế.

Anh Giàng A Sáu chia sẻ: "Ngày xưa mình trồng quế cũng không nghĩ cây có giá trị như thế này, chỉ biết là trồng rồi bóc vỏ đi bán cũng được tiền. Sau này khi giá quế lên cao thì mình càng muốn làm nhiều. Muốn có nhiều tiền thì phải chịu khó, vì mình chịu khó nên có được cơ ngơi như ngày hôm nay".

Câu chuyện gia đình anh Giàng A Sáu, chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về người dân nơi đây làm giàu từ cây quế. Từ một loại cây trồng để phủ xanh đất trống đồi trọc, những năm qua, cây quế đã đem lại thu nhập cao cho nông dân Yên Bái, thậm chí nhiều hộ trở thành tỷ phú. Đến nay, tỉnh Yên Bái cũng là nơi có diện tích trồng quế lớn nhất cả nước.

Tại huyện Văn Yên, nơi được xem là “thủ phủ” của cây quế tại Yên Bái, với diện tích trồng quế khoảng 52.000ha (chiếm hơn 55,7% diện tích quế toàn tỉnh Yên Bái). Cây quế được người Dao của huyện Văn Yên mệnh danh là "vàng xanh", cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào và cũng là cây phát triển kinh tế chủ lực của huyện. Số hộ đồng bào người Dao có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng từ trồng quế ở huyện Văn Yên giờ không phải là hiếm.

Hàng năm nông dân huyện Văn Yên xuất bán ra thị trường khoảng 5.000 tấn vỏ quế khô các loại; sản lượng cành lá quế đạt khoảng 65.000 tấn/năm; sản lượng tinh dầu đạt khoảng 300 tấn/năm; sản lượng gỗ quế đạt gần 51.000m3/năm; cây quế giống trên 150 triệu cây. Tổng doanh thu các sản phẩm từ quế năm 2022 của huyện, đạt tới gần 1.000 tỷ đồng.

Anh Giàng A Sáu chăm sóc cây quế mới trồng
Nhận thức được hiệu quả thu về từ cây quế, anh Giàng A Sáu ở thôn Sài Lương 3, xã An Lương, huyện Văn Chấn đã chú trọng chăm sóc cây quế mới trồng

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), thời gian qua, huyện Văn Yên đã vận động người dân trồng quế theo từng vùng và sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng người dân làm "nông nghiệp xanh" nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương. Đến nay, huyện còn có trên 4.500ha quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, Châu Mỹ. Từ việc sản xuất quế hữu cơ, đời sống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt đối với các hộ dân tham gia dự án sản xuất quế hữu cơ đều có thu nhập cao, ổn định giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Mặc dù sản phẩm quế tỉnh Yên Bái đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường, tuy nhiên vẫn chưa phát huy, khai thác được hết giá trị của cây quê. Ví dụ như, tinh dầu quế được sản xuất mới chỉ là sản phẩm thô, hàm lượng tinh dầu thấp khoảng 85% và chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường dễ tính. Hay như các sản phẩm chế biến đồ thủ công mỹ nghệ, bột quế... chủ yếu phục vụ thị trường trong nước.

Để phát triển cây "vàng xanh" một cách bền vững, nâng cao giá trị, tỉnh Yên Bái đã định hướng phát triển vùng trồng quế đến năm 2025 tại 5 huyện, gồm: Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, với diện tích trên 80.000ha.

Theo đó, các địa phương quy hoạch phát triển vùng quế tập trung, chuyên canh, tuân thủ các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; đồng thời đẩy mạnh liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm quế. Tỉnh cũng hỗ trợ người dân nhân rộng các mô hình trồng quế theo hướng thâm canh, hữu cơ, hướng đến cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Mục tiêu phấn đấu toàn tỉnh sẽ có 20.000ha quế được cấp chứng nhận hữu cơ.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Yên Bái sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, nhằm đưa sản phẩm quế Yên Bái thâm nhập vào các thị trường lớn, giá trị cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Gắn sản xuất quế theo chuỗi giá trị từ sản xuất, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chú trọng chế biến sâu, chế biến tinh nhằm đem lại các sản phẩm có giá trị cao.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.