Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Yên Bái: Phát huy ý thức tự lực, tự cường của người dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Khánh Sơn - 08:22, 16/11/2023

Với phương châm “an cư mới lạc nghiệp”, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu sẽ hỗ trợ xây dựng trên 3.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, trong đó làm mới trên 2.350 nhà, sửa chữa 671 nhà. Riêng trong năm 2023, Yên Bái đặt mục tiêu hỗ trợ làm mới và sửa chữa gần 1.600 nhà. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tỉnh trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Với nhiều nguồn lực và giải pháp, tinh Yên Bái đã tập trung đầu tư trọng điểm vào vùng “lõi nghèo" nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhân dân thôn 6 xã Mường Lai thu dọn mặt bằng hiến đất làm đường. (Ảnh: Đình Nguyên)
Nhân dân thôn 6 xã Mường Lai thu dọn mặt bằng hiến đất làm đường. (Ảnh: Đình Nguyên)

Khơi dậy ý chí thoát nghèo

Trước đây, gia đình anh Vũ Văn Ngôn là hộ nghèo nhất ở thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên. Cuộc sống của hai vợ chồng trẻ lúc ra ở riêng chỉ là một căn nhà tạm bợ. Không vốn, lại không có nghề nghiệp, vì vậy anh chị phải gửi hai con nhỏ cho ông bà nuôi giúp và đi làm thuê tận tỉnh Hà Nam. Sau 5 năm vất vả kiếm sống, chắt chiu từng đồng tiền công anh chị trở về quê hương lập nghiệp và nuôi con ăn học. Với số tiền dành dụm từ làm thuê và nguồn thu từ cây quế đủ tuổi cho khai thác, năm 2022 gia đình đã xây được căn nhà khang trang, kiên cố. Mặc dù còn nhiều vất vả, nhưng cũng trong năm 2022, anh đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.

“Cuộc sống của mình hiện vẫn chưa khá giả, vừa làm xong nhà nên rất khó khăn, vẫn nợ nần, nhưng so với những người khác trong thôn, xã thì mình vẫn khá hơn họ. Vì thế mình đã viết đơn xin ra khỏi danh sách các hộ nghèo để nhường xuất ưu tiên hỗ trợ của Nhà nước cho những hộ còn khó khăn hơn”, anh Ngôn bộc bạch.

Trong những năm qua, xã Bản Công cũng như nhiều xã khác của huyện Trạm Tấu đã luôn coi trọng việc hỗ trợ người dân thoát nghèo, thông qua nhiều nguồn lực từ nhà nước và xã hội hóa, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát được cấp ủy, chính quyền ở đây đặc biệt quan tâm.

Ngôi nhà mới của anh Giàng A Vàng, ở thôn Bản Công, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, vừa được MTTQ tỉnh và Ngân hàng NN &PTTN tài trợ 50 triệu đồng, cùng với sự giúp đỡ của anh em, dòng họ và sự nỗ lực của bản thân, anh Vàng đã xây dựng được căn nhà vững trãi. Là một hộ nghèo trong thôn, ngoài công việc ruộng nương, anh còn tập trung đầu tư vào chăn nuôi phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Giờ đây gia đình anh Vàng đã bớt khó khăn hơn và có điều kiện để nuôi các con ăn học. Anh bảo: “Trước kia ở nhà cũ khổ lắm, năm 2021 gia đình được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, từ khi có nhà mới vợ chồng tôi đã yên tâm sản xuất, chăn nuôi. Tôi sẽ nỗ lực phát triển kinh tế thật tốt và sẽ hướng dẫn, chia sẻ để các hộ khác trong thôn cùng thoát nghèo…”.

Theo ông Giàng A Khu, Bí thư Chi bộ Bản Công, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu cho biết, trên cơ sở chính sách hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo của tỉnh, của huyện, chúng tôi đã họp thôn, bản, để tiến hành rà soát các hộ nghèo trong thôn. Sau khi có danh sách, chúng tôi đã đề nghị với chính quyền xã, huyện hỗ trợ để làm nhà. Bên cạnh việc được nhà nước hỗ trợ, chúng tôi cũng kêu gọi người dân, hàng xóm chung tay hỗ trợ vật liệu, ngày công để hoàn thiện ngôi nhà đảm bảo chất lượng kiên cố, vững chắc. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực kêu gọi những nhà hảo tâm hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để các hộ nghèo biết cách làm ăn, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Phát huy sức mạnh tổng hợp

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, người dân ở thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên chia sẻ: “Từ trước tới nay người dân trong thôn đều sống dựa vào cây quế, sau nhiều năm gắn bó, được sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua nhiều chính sách ưu đãi, giờ đây cây quế của chúng tôi cũng đã có giá trị hơn. Người dân giầu hơn và hạnh phúc hơn. Thôn cũng có con đường đẹp hơn, trẻ em được học trong những ngôi trường kiên cố, sạch đẹp…”.

Cùng chung tâm trạng như chị Vân, anh Nguyễn Văn Phú, trưởng thôn Hạnh Phúc cho hay: “Bà con trong thôn luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong đời sống, từ ốm đau, bệnh tật, thiên tai mưa lũ, ai ai cũng tận tình giúp đỡ nhau mọi lúc mọi nơi..”

Không chỉ riêng thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên mà tại những thôn bản vùng sâu, vùng xa ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng có nhiều cách làm hay, sáng tạo, khơi dậy ý trí của người dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Điển hình như ở thôn 6, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, thôn này vốn nằm cách xa trung tâm xã, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Từ khi tỉnh, huyện có chủ trương mở đường liên xã, liên huyện qua đây, bà con phấn khởi, bởi đây là sự mong mỏi của người dân từ nhiều năm nay. Không cần sự đền bù của nhà nước, hàng chục hộ dân sẵn sàng hiến đất đồi rừng, đất rộng để giải phóng mặt bằng, mở rộng nền đường. Trong đó phải kể đến tấm gương trưởng thôn Nông Đức Chuẩn, đã tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất để mở tuyến đường. Việc làm này của ông cũng đã lan tỏa và khơi lên ý thức tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho Nhà nước của người dân trong thôn.

Ông Chuẩn tâm sự, “mình cũng như nhiều người khác thôi, hiến đất cho thôn xã làm đường, nói ra thì bảo là to, chỉ có hơn 1.000 m2 đất thì không thấm gì so với nhiều người khác.Bản thân tôi chỉ mong sau khi mở được con đường to, tôi và bà con sẽ thuận lợi trong đi lại và phát triển giao thương hàng hóa”

Không chỉ có vậy, những năm qua xã Mường Lai của huyện Lục Yên luôn làm tốt công tác vận động nhân dân chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới. Theo ông Triệu Văn Huấn, Bí thư Đảng bộ xã Mường Lai: trong vòng 3 năm qua xã đã thực hiện bê tông hóa được gần 50 km đường giao thông. Tất cả đều do bà con nhân dân tự nguyện đóng góp, tạo điều kiện cho các dự án làm đường trên địa bàn xã được thuận lợi.

Cùng với chuyển biến tích cực được ghi nhận từ chính người dân, với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống tại địa bàn còn khó khăn, lãnh đạo tỉnh Yên Bái đưa ra đồng thời nhiều giải pháp từ nay đến cuối năm.Trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG 1719: Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo; Tiểu dự án 1 - Dự án 3 Phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp; Dự án 4 Phát triển giáo dục nghệ nghiệp và việc làm bền vững nhằm triển khai hỗ trợ hiệu quả hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đào tạo nâng cao trình độ, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để có việc làm và thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo....

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.