Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Để di sản hát ngâm Ariya của người Chăm vang xa

Lâm Tấn Bình - 09:26, 31/10/2024

Người Chăm có một kho tàng di sản văn hoá quý giá, trong đó có hát ngâm Ariya. Tuy nhiên, theo dòng chảy thời gian, hiện nay, các văn bản chữ Chăm lưu giữ Ariya và các nghệ nhân hát ngâm Ariya đang có nguy cơ mất dần. Điều này đặt ra vấn đề giải pháp nào để bảo tồn và phát huy giá trị Ariya của người Chăm ở Bình Thuận.

Các nghệ nhân Chăm đang diễn xướng hát ngâm Ariya.
Các nghệ nhân Chăm đang diễn xướng hát ngâm Ariya

Giá trị Ariya trong đời sống cộng đồng người Chăm

Ariya là một loại văn chương được sáng tác dưới dạng thể thơ bằng chữ Chăm, được ghi chép bằng tay trên nhiều loại giấy khác nhau và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Do đó, khi nghiên cứu về Ariya, có 2 di sản quan trọng cần nhắc tới là các văn bản chữ Chăm lưu giữ Ariya và các nghệ nhân hát ngâm Ariya.

Văn bản chữ Chăm lưu giữ Ariya là một loại hình thư tịch cổ, được viết bằng tay và sao chép lại bằng chữ viết Akhar thrah để sử dụng, lưu truyền lại cho đời sau. Hiện nay, trong cộng đồng người Chăm Bình Thuận còn lưu giữ di cảo văn hóa, trong đó có tác phẩm văn học, bùa chú như tác phẩm Dewa Mano, Inra Patra, Ariya Glang Anak, Ariya Pataow Adat Kamei, Likei...

Sư cả Thường Xuân Hữu, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận là người am hiểu nghệ thuật hát ngâm Ariya.
Sư cả Thường Xuân Hữu, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận là người am hiểu nghệ thuật hát ngâm Ariya

Tại các làng Chăm ở Bình Thuận hiện nay vẫn còn một số ít gia đình của những vị tu sĩ, chức sắc và một số ít gia đình nghệ nhân vẫn còn lưu giữ thư tịch cổ ghi chép loại hình thi ca cổ điển đọc ngâm Ariya. Ví dụ như Sư cả Thường Xuân Hữu ở thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong; nghệ nhân Thông Đinh Phụng ở thôn Lâm Thuận, xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc; Imâm Đặng Đăng Trình ở thôn Bình Thắng, xã Phan Hoà, huyện Bắc Bình…

Qua các đợt điền dã nghiên cứu tham khảo cho thấy, thể loại Ariya của người Chăm rất phong phú về nội dung và đa dạng về giọng điệu đọc ngâm mang nội hàm về tính văn học nghệ thuật dân gian rất cao. 

Tiêu biểu là một số thể loại Ariya mang nội hàm về gia huấn ca răn dạy người phụ nữ Chăm thể hiện nhân cách đặc trưng theo chế độ mẫu hệ như Ariya Muk thruh palei. Ariya pataow adat hay thể loại Ariya Gru pataow răn dạy người con trai khi lớn lên phải chăm học cho nên người; nội hàm về cách tính lịch Chăm để hành lễ về tín ngưỡng tôn giáo và tín ngưỡng dân gian theo quan niệm âm dương lưỡng hợp như Ariya thun bilan, Ariya Po Inưgar; nội hàm về tình yêu chung thủy bất diệt của đôi trai gái Chăm bị cản ngăn bởi sự khác đạo theo quan niệm của thời phong kiến, để lại tuyệt phẩm bất hủ như Ariya Cam Bini và Ariya Bini Cam, hay Ariya Sah Pakei; nội hàm về tính thế sự như Ariya gleng anak, Ariya thun nâsak asaih; hay nội hàm về tính huyền sử như Ariya De Wa Mưno, Ariya Na Patra; Um Rup…

Các nghệ nhân Chăm và học viên tham dự lớp truyền dạy Ariya tại xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình
Các nghệ nhân Chăm và học viên tham dự Lớp truyền dạy Ariya tại xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình

Vào năm 1990, cố đạo diễn sân khấu Nguyễn Hải Liên, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Ninh Thuận) đã chuyển thể tác phẩm Ariya Cam Bini thành kịch bản sân khấu ca vũ kịch với chủ đề “Lửa tình yêu”. Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm huyện Bắc Bình đã thể hiện thành công vở diễn này tại nhiều sân khấu lớn trong cả nước.

Cũng từ cốt truyện tác phẩm Ariya Cam Bini, Đài Truyền hình tỉnh Bình Thuận cũng đã chuyển thể thành phim truyền hình mang tên “Ngọn lửa tình”, tham dự thi Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc năm 1992, đạt giải B. Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh biên tập thành chùm dân ca “Xa-ai Bini Adei Cam”, tham dự thi Liên hoan Dân ca Truyền hình toàn quốc, đạt giải B vào năm 2007. Tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm tỉnh Bình Thuận lần thứ I năm 2000, thể loại hát ngâm Ariya được đưa vào nội dung chính trong chương trình nghệ thuật dự thi của các đơn vị cấp huyện. Nhờ vậy, Ariya được lan tỏa rộng rãi trong chương trình nghệ thuật của các đơn vị chuyên nghiệp và không chuyên của tỉnh Bình Thuận.
Nghệ nhân Thông Đinh Phụng (ngoài cùng bên trái) đang truyền dạy cho các con về cách viết và hát ngâm Ariya tại nhà.
Nghệ nhân Thông Đinh Phụng (ngoài cùng bên trái) đang truyền dạy cho các con về cách viết và hát ngâm Ariya tại nhà

Cần triển khai các giải pháp bảo tồn

Khoảng 15 năm trở lại đây, hầu như ở các làng Chăm không còn được nghe giọng hát ngâm Ariya nữa. Bên cạnh nguyên nhân các nghệ nhân già khi về trời đã mang theo di sản Ariya, việc mai một, thất truyền các văn bản trong thư tịch cổ có ghi chép loại hình Ariya cũng khó tránh khỏi. Thêm vào đó, thế hệ thanh, thiếu niên không còn ham muốn hát ngâm Ariya, bởi không biết chữ mẹ đẻ (Akhar Thrah). Vì vậy, đặt ra vấn đề bảo tồn loại hình văn học Ariya hiện nay trong cộng đồng người Chăm là vô cùng cấp thiết.

Bảo tồn và phát huy nền văn học dân gian Chăm đối với loại hình Ariya trước hết phải được bảo tồn ngay từ cái gốc của chủ thể văn hóa đó. Bản thân các vị tu sĩ chức sắc đạo giáo, các nghệ nhân ở mỗi làng Chăm phải chủ động đi tìm truyền nhân có năng khiếu say mê văn hóa Chăm để kịp thời trao truyền kỹ năng hát ngâm Ariya và chữ viết nhằm lưu giữ các văn bản chép tay.

Ngành Văn hóa cùng chính quyền địa phương các cấp nơi có đồng bào Chăm sinh sống nên mở các lớp đào tạo loại hình hát ngâm Ariya xen ghép với một số loại hình khác như hát dân ca và múa dân gian Chăm để kích thích lực lượng tham gia bền vững. Ví dụ như cách làm của Bảo tàng tỉnh Bình Thuận trong tháng 11/2023 vừa qua thực hiện theo Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719 đã góp phần trang bị vốn cơ bản cho hơn 40 học viên thuộc 2 xã Chăm Phan Hiệp và Phan Hoà đối với loại hình hát ngâm Ariya này. Đồng thời thường xuyên tổ chức không gian hát ngâm Ariya trong các buổi sinh hoạt của cộng đồng để giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về di sản.

Việc xây dựng chính sách bảo tồn và hỗ trợ các nghệ nhân đang thực hành di sản hát ngâm Ariya cũng vô cùng cần thiết để nghệ nhân có điều kiện truyền dạy Ariya tốt hơn cho các thế hệ trẻ kế thừa và phát huy. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận cũng cần sớm xây dựng hồ sơ khoa học để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Nghệ thuật hát ngâm Ariya vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tin cùng chuyên mục
Vó ngựa trên cao nguyên trắng Bắc Hà

Vó ngựa trên cao nguyên trắng Bắc Hà

Tiếng vó ngựa gắn bó mật thiết trong đời sống sinh hoạt thường ngày và cả trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc trên cao nguyên trắng Bắc Hà. Với định hướng đưa địa phương trở thành điểm đặc sắc của du lịch Tây Bắc, huyện Bắc Hà đã chăm chút đầu tư, phát huy giá trị “Lễ hội đua ngựa Bắc Hà” - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận ngày 27/5/2021.