Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân Ưu tú Hà Nam Ninh "nặng lòng" với chữ Thái ở xứ Thanh

Quỳnh Trâm - 3 giờ trước

Mong muốn tiếng nói, chữ viết của dân tộc không bị mai một, Nghệ nhân Ưu tú Hà Nam Ninh đã miệt mài nghiên cứu và truyền dạy chữ Thái cổ. Từ những lớp học đầu tiên đến việc biên soạn tài liệu và tham gia giảng dạy tại các chương trình học, ông Ninh đã và đang góp phần gìn giữ “hồn cốt” văn hóa của dân tộc Thái cho các thế hệ sau.

Ông Hà Nam Ninh được Chủ tịch UBND huyện Bá Thước tặng Giấy khen vì đã có thành tích tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Bá Thước
Ông Hà Nam Ninh được Chủ tịch UBND huyện Bá Thước tặng Giấy khen vì đã có thành tích tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Bá Thước

Giữ hồn cốt dân tộc

Chúng tôi có dịp đến thăm Nghệ nhân Ưu tú Hà Nam Ninh, người cả đời đã gắn bó với chữ Thái, tại ngôi nhà nhỏ của ông ở phố 2, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Qua câu chuyện ông kể, bố mẹ đã truyền dạy cho ông không chỉ chữ viết mà còn những câu chuyện về lịch sử, văn hóa của người Thái qua những câu ca dao, thành ngữ, truyện kể về mở đất, lập mường. Từ đó, tình yêu và niềm say mê đối với văn hóa dân tộc ngấm sâu vào tâm hồn ông.

Năm 1966, ông Ninh trúng tuyển vào Trường Trung học Sư phạm miền núi Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công giảng dạy tại Trường Phổ thông Cơ sở xã Cổ Lũng (nay là Trường THCS Cổ Lũng). Qua nhiều năm công tác tại nhiều vị trí khác nhau trong ngành Giáo dục, ông vẫn dành thời gian và tâm huyết để nghiên cứu văn hóa và chữ Thái cổ. Đến năm 2004, khi nghỉ hưu, ông càng có thêm thời gian để tập trung vào đam mê của mình.

Trong hơn 50 năm theo đuổi chữ Thái, ông Hà Nam Ninh đã tự mày mò, nghiên cứu để dịch chữ Thái cổ, từ đó biên soạn thành giáo trình giảng dạy. “Niềm vui lớn nhất của tôi chính là chữ Thái đã có vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống của người dân. Mọi người không chỉ học chữ để đọc và viết mà còn hiểu sâu hơn về văn hóa và lịch sử của chính dân tộc mình”, ông Ninh chia sẻ.

Ông Hà Nam Ninh (người ngồi hàng trên bên phải) đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các văn hóa DTTS.
Ông Hà Nam Ninh (người ngồi hàng trên bên phải) đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các văn hóa DTTS

Năm 2006, ông mở lớp dạy chữ Thái đầu tiên tại thị trấn Cành Nàng. Đây là bước khởi đầu để thúc đẩy phong trào học chữ Thái ở huyện Bá Thước. Sau đó, ông mở thêm các lớp tại các xã Lũng Niêm, Ban Công, Kỳ Tân. Đặc biệt, với mỗi lớp học, ông không chỉ đơn thuần dạy đọc và viết mà còn cố gắng mang đến những nội dung gần gũi, thiết thực, gắn liền với đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Thái, giúp học viên dễ dàng tiếp thu và yêu thích ngôn ngữ này hơn.

Để chuẩn bị cho các bài giảng, ông Ninh đã dành nhiều thời gian đi thực tế khắp các huyện có người Thái sinh sống, từ Bá Thước đến Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh, tìm hiểu sự khác biệt trong ngôn ngữ và văn hóa của từng vùng. Từ đó, ông đã biên soạn ra một số tài liệu quan trọng như "Bộ chữ Thái cổ Thanh Hóa", "Bộ dạy chữ Thái Việt Nam tại Thanh Hóa", "Tài liệu dạy tiếng dân tộc Thái", đóng góp lớn vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa Thái trong cộng đồng.

Những tài liệu quý bằng chữ Thái cổ viết từ hàng trăm năm trước được ông Ninh sưu tầm, truyền dạy lại cho thế hệ sau
Những tài liệu quý bằng chữ Thái cổ viết từ hàng trăm năm trước được ông Ninh sưu tầm, truyền dạy lại cho thế hệ sau

Trao truyền cho thế hệ trẻ

Khi trò chuyện với ông, tôi cảm nhận được lòng nhiệt huyết mãnh liệt và niềm tự hào sâu sắc về việc mình đang làm. “Tôi không chỉ dạy chữ, mà còn muốn truyền lại cho thế hệ trẻ tình yêu đối với văn hóa của cha ông. Nếu không biết chữ Thái, các em sẽ dần mất đi sự kết nối với quá khứ và bản sắc dân tộc”, ông nói.

Ngoài việc mở lớp tại các địa phương, ông còn tham gia giảng dạy tiếng Thái theo chương trình hợp tác giữa huyện Bá Thước và Trường Đại học Hồng Đức. Từ những đóng góp của mình, năm 2015, ông Hà Nam Ninh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực của ông trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.

“Còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy. Đó là cách duy nhất tôi có thể đóng góp cho dân tộc mình và bảo tồn văn hóa mà ông cha đã để lại”, ông Hà Nam Ninh kết thúc câu chuyện với một nụ cười hiền hậu, đầy quyết tâm.

Tin cùng chuyên mục
Soạn giả Nguyễn Văn Bớt: Yêu quê hương qua những bài ca cổ

Soạn giả Nguyễn Văn Bớt: Yêu quê hương qua những bài ca cổ

Soạn giả Nguyễn Văn Bớt sinh năm 1969, quê gốc tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, hiện sinh sống, làm việc tại TP. Cần Thơ. Tuổi thơ gắn bó với miền đất bưng biền ven bờ sông Vàm Cỏ Đông tím sắc bông lục bình đã nuôi dưỡng tâm hồn cậu bé tình yêu vọng cổ, cải lương sâu sắc. Để rồi sau này khi trưởng thành, thành danh, soạn giả Nguyễn Văn Bớt đã có một gia tài với hơn một trăm bài ca vọng cổ và hai kịch bản sân khấu cải lương có giá trị.