Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Để Then-Tính tẩu mãi bay xa...

Trương Hữu Thiêm - 11:01, 11/10/2023

Then - Tính tẩu xuất phát từ trái tim mà lời hát then cùng tiếng đàn Tính tẩu khi tấu lên khiến người chơi, người nghe lòng dạ thổn thức, xao xuyến khôn nguôi...

Một buổi trình diễn hát Then tại cộng đồng dân tộc Thái, tỉnh Lai Châu
Một buổi trình diễn hát Then tại cộng đồng của đồng bào Thái ở Tây Bắc

Trong cộng đồng các dân tộc Điện Biên, dân tộc Thái chiếm gần 40% dân số toàn tỉnh. Dân tộc Thái sở hữu một nền thơ ca phong phú, đa dạng và độc đáo. Đó là những câu chuyện truyền miệng, những làn điệu dân ca, các điệu dân vũ cổ, lễ hội truyền thống và những làn điệu hát Then trong tiếng đàn tính tẩu... là những tinh hoa dân tộc được kết tinh từ bao thế hệ, trở thành truyền thống sinh hoạt trong đời sống cộng đồng.

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Lý Văn Nhạ, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Điện Biên), Then Tính tẩu là loại hát mang tính chất lễ và hội. Ngoài yếu tố tâm linh như dùng để chúc phúc, cầu mùa màng bội thu..., Then còn để vui đón tết đến xuân về, giải trí mua vui, giãi bày nỗi lòng hoặc ngợi ca quê hương, bản làng...

Qua thống kê chưa đầy đủ của Chi hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Điện Biên, đến nay, Chi hội đã sưu tầm được trên 40 làn điệu hát Then. Những làn điệu này chủ yếu phục vụ cho các thầy mo, thầy cúng và được trình diễn tại các bản mường của đồng bào dân tộc Thái trong các dịp vui như: Mừng nhà mới, lễ cưới, lễ xên bản, xên mường, lễ xên pang, xên phắn bẻ, lễ cầu mưa...

Mỗi khi được dự và chứng kiến các lễ hội hát Then của đồng bào Thái, sau phần lễ, chúng ta còn được xem phần thể hiện tài nghệ của trai, gái Thái qua các điệu múa dân gian. Nhiều điệu múa gắn với tín ngưỡng hát Then. Thông qua các lễ hội hát Then để người dân thêm niềm tin yêu cuộc sống, cầu cho mưa thuận, gió hòa; trồng ngô, ngô xanh; trồng lúa, lúa tốt; dân bản mạnh khỏe, làm ăn phát đạt...

Nghệ nhân Vàng Văn Thức (người cầm đàn Tính) trong đêm hát Then tại thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên.
Nghệ nhân Vàng Văn Thức (người cầm đàn Tính) trong đêm hát Then tại thị xã Mường Lay

Nhà nghiên cứu văn hóa Lý Văn Nhạ cho biết: Lối hát thơ và hát Then của dân tộc Thái phục vụ tín ngưỡng, được chia thành hai loại: Khắp mo hay khắp một. Loại khắp một sẽ có một người đàn ông hát đệm theo sáo nứa, pí lá; hoặc tính tẩu (gọi là khắp một láo); một người phụ nữ hát không đệm theo nhạc cụ (gọi là khắp một nhính).

 Đây là cách sử dụng âm nhạc để có thể đoán định trước về những sự rủi ro (hậu vận) của mình. Do đó, người được nghe khắp một hát và được thực hiện xong các thủ tục về tín ngưỡng, sẽ có cảm giác được bình an về mặt tâm linh. Âm nhạc ở đây trở thành tiếng ru lòng người, động viên con người sống lạc quan hơn.

Trong đêm hát Then - đàn Tính tại thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên), mới đây, chúng tôi may mắn được Nghệ nhân Ưu tú Vàng Văn Thức dành cho ít phút trò chuyện. Theo Nghệ nhân Vàng Văn Thức, nói đến hát Then của người Thái Tây Bắc không thể không nhắc đến cây đàn Tính tẩu - một nhạc cụ có thể nâng tiếng hát Then bay cao, vang xa.

 Đàn Tính tẩu vừa dẫn dắt, vừa đệm, đồng thời cũng là một “giọng hát thứ hai” bổ sung cho giọng hát của nghệ nhân diễn xướng. Các bài hát Then được kể bằng giai điệu dễ hát với lời thơ trau chuốt, dễ thuộc. Chỉ cần một Tính tẩu, nhị hoặc pí đệm hát cùng then, âm nhạc thêm phong phú.

Then-Tính tẩu xuất phát từ trái tim mà lời hát, tiếng đàn khi tấu lên khiến người chơi, người nghe lòng dạ thổn thức, xao xuyến khôn nguôi. Kỹ thuật luyến láy từ tiếng Tính tẩu của người chơi đàn, như thổi hồn cho câu hát của người làm Then. Khi diễn xướng, người làm Then nhắm mắt lại, tưởng tượng mình đang trong đoàn binh mã cờ xí rợp đất, trống chiêng vang trời do “ông then” dẫn lối về với tổ tiên muôn nghìn năm trước...

Tâm tư về một loại hình văn hóa được coi là tinh hoa của núi rừng, ông Lý Văn Nhạ trăn trở, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, hát Then, đàn Tính của người Thái Điện Biên đang đứng trước nguy cơ mai một. Hiện tại, chưa có bất cứ giáo trình nào dạy hát Then, đàn Tính. Trong đời sống tinh thần, hát Then, đàn Tính chủ yếu được lưu truyền qua sự giao lưu, tiếp xúc cộng đồng và được truyền dạy cho các thế hệ sau một cách tự phát, nhỏ lẻ.

Đội văn nghệ dân tộc Thái (thị xã Mường Lay) với nhạc cụ chủ đạo là những cây đàn Tính truyền thống.
Đội văn nghệ dân tộc Thái (thị xã Mường Lay) với nhạc cụ đàn Tính truyền thống.

Cùng với đó, nghề làm đàn Tính cũng đang có nguy cơ thất truyền. Đến nay, số người biết sử dụng và chế tác đàn Tính ở Điện Biên không nhiều. Các nghệ nhân chế tác đàn Tính đều đã già yếu, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nguy cơ sẽ không còn người chế tác đàn Tính tinh xảo, chuẩn mực về âm thanh đang hiện hữu.

Thiết nghĩ, để bảo tồn, di sản hát Then- đàn Tính, ngành Văn hóa cần phải đẩy mạnh công tác sưu tầm, lưu giữ, lập hồ sơ pháp lý và khoa học về các làn điệu, lời thơ, cách thức hát Then truyền thống của từng địa phương; ghi chép các bài truyền miệng thành văn bản; đánh giá từng tác phẩm Then thông qua các bảo tàng hoặc trung tâm nghiên cứu văn hóa. 

Về các phương thức truyền dạy hát Then, cần đầu tư cho các đội văn nghệ địa phương, các câu lạc bộ. Đồng thời, đưa hát Then - đàn Tính vào các trường nghệ thuật, với những chương trình âm nhạc dân gian thích hợp.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Nghề làm gốm thủ công truyền thống của người Mnông được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể

Đắk Lắk: Nghề làm gốm thủ công truyền thống của người Mnông được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 3991/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm gốm của người Mnông xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Đọc nhiều