Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Đến với đồng bào La Hủ trên miền biên viễn Mường Tè: Cảm nhận về sự nghèo khó (Bài 1)

Tào Đạt - 23:24, 14/07/2024

Đã gần 3 năm nay, dân tộc La Hủ của tỉnh Lai Châu không còn thuộc nhóm dân tộc rất ít người được thụ hưởng chính sách đặc biệt theo Quyết định số 449 ngày 10/4/2020 của Chính phủ về "Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021 - 2030", do số lượng người La Hủ cả nước đã tăng lên hơn 12 nghìn người, (theo quy định dân tộc được thụ hưởng có dân số dưới 10.000 người). Song trên thực tế, đồng bào La Hủ chỉ tăng số lượng nhân khẩu còn cuộc sống của người La Hủ ở miền biên viễn xa xôi này vẫn đang quẩn quanh trong khó khăn, đói nghèo đeo bám.

Bản làng của đồng bào La Hủ còn nhiều khó khăn
Bản Phìn Khò của đồng bào La Hủ còn nhiều khó khăn

Tỷ lệ hộ nghèo cao

Theo kết quả điều tra kinh tế-xã hội 53 DTTS từ năm 2019, dân tộc La Hủ ở tỉnh Lai Châu có 2.952 hộ dân với 12.113 nhân khẩu.

Nhiều thập kỷ trước, người La Hủ luôn sống phận đời lang thang, du mục. Tuy có làm nương, rẫy, nhưng do phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên nên không có sự ổn định. Thường thì sau mỗi mùa nương rẫy, khi lá phủ trên nóc lều chưa kịp ngả hết sang màu vàng, thì họ lại di cư sang một khu vực khác để bắt đầu một mùa săn bắn, hái lượm mới.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người La Hủ dần bước ra khỏi rừng sâu, sống tập trung và thành bản làng. Nhiều năm nay, nhờ các chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của chính quyền địa phương, hỗ trợ về cây con giống, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, từ cuộc sống nghèo khó, nay đời sống đồng bào La Hủ đã có những khởi sắc hơn xưa. Nhưng tìm hiểu từ thực thế, cái nghèo, thiếu ăn vẫn cứ lằng nhằng đeo bám lấy bà con mãi chẳng dời.

Ngược dòng sông Đà, men theo dòng sông... là đến bản Phìn Khò, xã Bum tở, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Vị trí địa lý của bản Phìn Khò ngửa mặt chỉ thấy núi, cúi mặt chỉ thấy vực sâu, rừng thẳm và thời tiết thì vô cùng khắc nghiệt.

Theo chân cán bộ bản, chúng tôi đến thăm nhà bà Phùng Ky Mẻ. Nói là nhà, nhưng thực chất cũng chỉ là mấy tấm gỗ ghép lại giống một cái lán, bên trong chẳng có gì đáng giá ngoài mấy vật dụng sinh hoạt đã cũ và chiếc bóng điện mờ ảo. Hơn 50 tuổi, nhưng nhìn bà Phùng Ky Mẻ vô cùng khắc khổ. Chồng mất sớm, người con trai qua đời, bà phải “cõng” thêm 2 đứa cháu nhỏ. Bao năm qua, cuộc sống của bà đều trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. “Gia đình khó khăn, trong nhà giờ cũng chẳng có cái gì, nên bản thân tôi chủ yếu dựa vào Nhà nước hỗ trợ để sống qua ngày”, bà Mẻ bộc bạch.

Bản Phìn Khò có 165 hộ nằm ngay gần trung tâm xã Bum Tở, nhưng có đến 140 hộ nghèo. Khó khăn như gia đình bà Phùng Ky Mẻ không phải là trường hợp hiếm của bản. Ngoài nguyên nhân khiến người dân đói nghèo là do chưa biết áp dụng kỹ thuật vào thâm canh, sản xuất, thì tệ nạn xã hội vẫn tồn tại nhiều năm nay. Xã có 90 người nghiện ma túy, thì riêng bản Phìn Khò có đến 30 người. 

Chị Phùng Giò Xó, Trưởng bản Phìn Khò, chia sẻ: “Bà con trong bản còn nghèo phần nhiều là vì nghiện ma túy, có gia đình cả nhà bị nghiện. Cứ thế, đất đai, nhà cửa bán hết để đổi thuốc phiện”.

Bum Tở là xã có đông người La Hủ sinh sống, với hơn 860 hộ, gần 3.600 nhân khẩu. Những năm trước, xã được Nhà nước đầu tư nhiều chương trình, dự án nhưng đều chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 80%.

Ông Vàng Hu Chờ, Chủ tịch UBND xã Bum Tở, cho hay: “Kể từ khi dân tộc La Hủ không thuộc dân tộc được hưởng chính sách bảo tồn đặc biệt theo Quyết định số 449, một số chính sách dành cho đồng bào La Hủ bị cắt giảm nên càng gặp khó trong việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là về chính sách hỗ trợ cho học sinh và bảo tồn văn hóa của bà con”.

Nhiều bản làng của người La Hủ vẫn còn rất "xơ xác"
Nhiều bản làng của người La Hủ vẫn còn rất "xơ xác"

Vòng luẩn quẩn "vay - trả" trong mùa giáp hạt

Vào mùa giáp hạt khoảng tháng 6 hằng năm, nhiều hộ người La Hủ của xã Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè) lại rơi vào cảnh "thóc hết, gạo không còn". Như gia đình chị Giàng A De, bản Xà Phìn dù đã thoát nghèo từ năm 2019, tuy nhiên, tình trạng thiếu lương thực vẫn còn xảy ra. “Gia đình mình có hơn 2 sào lúa, hai vợ chồng làm cũng không được bao nhiêu lương thực. Đến mùa giáp hạt năm nào cũng phải đi vay gạo để sống qua ngày”, chị De kể.

Ngồi trò chuyện bên trong căn nhà đơn sơ rộng chừng 30m2, anh Lù Gô Hừ ở bản Seo Thèn kể, gia đình hiện có 5 khẩu gồm 2 vợ chồng và 3 con, thuộc diện hộ nghèo, cả nhà hầu hết phụ thuộc vào mấy sào lúa, nhưng chẳng đủ ăn. Mùa giáp hạt năm nào nhà anh Hừ cũng phải trông chờ vào nguồn gạo hỗ trợ của Nhà nước để không bị đứt bữa.

“Do trình độ hạn chế nên chẳng có việc làm ổn định, hai vợ chồng cũng chỉ đợi người khác thuê gì thì làm cái đó để có thêm thu nhập cho gia đình”, anh Hừ tâm sự.

Phóng viên trò chuyện với anh Lù Gô Hừ
Phóng viên trò chuyện với anh Lù Gô Hừ

Ông Ly Gạ Chừ, Trưởng bản Seo Thèn, cho hay: “Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có hỗ trợ cho bà con rất nhiều, còn phát gạo cho bà con trong mùa giáp hạt. Cuộc sống kinh tế của bà con chủ yếu nhờ vào trồng lúa, chăn nuôi, tuy nhiên, do trình độ dân trí, nhận thức của bà con rất hạn chế nên năng suất cây trồng không cao, chăn nuôi không phát triển nên đời sống rất khó khăn”.

Hiện cả bản Seo Thèn có 109 hộ, trong đó có đến 81 hộ nghèo. Nhiều hộ không chỉ đói khi giáp hạt mà thiếu ăn ngay từ khi vụ lúa mới chưa bắt đầu, thậm chí là hết thóc ngay sau khi thu hoạch lúa, bởi phải bán để trả nợ.

“Hết thóc, họ lại phải tìm mọi cách khác để duy trì sự sống như đi làm thuê, vay tiền mua gạo... Những cách làm đó, giúp họ khắc phục được sự thiếu đói hằng ngày, nhưng nó chỉ mang tính tạm thời và bấp bênh”, ông Chừ nói.

Cứ thế, đi vay rồi lại đem trả trở thành một vòng luẩn quẩn với bà con La Hủ không chỉ ở xã biên giới Pa Vệ Sủ, mà là tình trạng còn xuất hiện ở nhiều xã khác có đông đồng bào La Hủ sinh sống mà chúng tôi có dịp được tiếp xúc trong chuyến tác nghiệp ở huyện Mường Tè.

Bên trong một căn nhà "chẳng có gì" của đồng bào La Hủ
Bên trong một căn nhà "chẳng có gì" của đồng bào La Hủ

Bà Lý Mỹ Ly, Bí thư xã Pa Vệ Sủ cho biết: “Cả xã có 818 hộ, 3.084 nhân khẩu, trong đó có gần 70% là đồng bào dân tộc La Hủ. Dù được đầu tư nhiều nhưng đời sống người dân La Hủ hiện vẫn còn rất khó khăn. Nhìn nhận một cách thực tế, thì nguyên nhân là do dân tộc La Hủ có điểm xuất phát thấp hơn rất nhiều so với các dân tộc khác; thêm nữa họ vẫn còn phong tục lạc hậu, lại sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, đất canh tác ít… Do đó, để giúp đồng bào La Hủ lúc này, ngoài những chương trình chính sách dân tộc đầu tư hỗ trợ của Nhà nước cho đồng bào DTTS nói chung, người La Hủ vẫn rất cần  có chính sách đặc thù dài hơi để từng bước giúp họ vươn lên thay đổi toàn diện cuộc sống...

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Nguyên Bình

Ghi ở Nguyên Bình

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong các ngày từ 8 - 10/9, mưa lũ tràn về đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt tại huyện Nguyên Bình. Tính đến ngày 14/9, các điểm sạt ở tại hai xã Ca Thành và Yên Lạc đã có 52 người chết. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm số người mất tích. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào DTTS.