Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

“Dị Nhân” làm giàu trong thung lũng Tà Vờn

Phạm Tiến - 19:05, 02/10/2023

Mặc cho dân bản buông lời dị nghị: “khùng”; “dị nhân”, trong thung lũng Tà Vờn vợ chồng ông Tình, bà Minh vẫn âm thầm trồng trọt, nuôi bò…Thời gian thấm thoắt trôi, vợ chồng ông bà đã có gần chục con bò và cơ man là lạc, tiêu, bưởi, đu đủ….Từ hộ khó, gia đình ông Tình đã trở thành hộ giàu ở xã vùng cao Hóa Phúc, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

Ông Đinh Sơn Tình thu hoạch ớt trong thung lũng Tà Vờn
Ông Đinh Sơn Tình thu hoạch ớt trong thung lũng Tà Vờn

Vượt lèn đá khởi nghiệp

Từ bao đời nay, phần đông nông dân và đồng bào DTTS ở huyện miền núi Minh Hóa vẫn thường chọn những mảnh đất bằng phẳng hay ven khe, suối để chăn nuôi và trồng trọt. Ấy vậy mà ở thôn Sy, xã Hóa Phúc lại có một “dị nhân” chọn lối đi khác biệt để làm giàu. Để giờ đây, địa danh Tà Vờn đã gắn liền với hành trình vươn lên làm giàu của người nông dân chăm chỉ Đinh Sơn Tình.

Chuyện bắt đầu từ năm 2015, khi cả thung lũng Tà Vờn còn là một bãi đất hoang nằm giữa bốn bề núi đá vôi dựng đứng. Với kinh nghiệm của một nông dân chăm chỉ, ông Đinh Sơn Tình (1972) ở thôn Sy, xã Hóa Phúc đã nhận thấy ở Tà Vờn có nhiều tiềm năng như đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào……Duy chỉ có một trở ngại, đó là quãng đường vượt lèn đá để vào với Tà Vờn không phải là chuyện dễ!

Sau nhiều lần vào ra với Tà Vờn để khảo sát, ông Đinh Sơn Tình quyết định dắt díu vợ mình (bà Đinh Thị Minh) vượt lèn đá vào Tà Vờn dựng lán khởi nghiệp. Trước khi đưa ra quyết định, vợ chồng ông Tình, bà Minh giao lại ngôi nhà và mảnh vườn đang sinh sống ổn định cho vợ chồng cậu con trai út.

Quyết định rời thôn Sy để vào Tà Vờn của vợ chồng ông Tình và bà Minh khiến đồng bào Chứt ở Thôn Sy, xã Hóa Phú bất ngờ. Bất ngờ vì Tà Vờn xa ngái; bất ngờ vì vợ chồng ông Tình, bà Minh cũng đã qua rồi cái tuổi sung sức… Nhiều người còn cho rằng đây là quyết định không bình thường; là dị nhân, là người khùng….

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Đinh Sơn Tình cho biết: “Thời điểm đó, nhiều người dân thấy tôi cứ loay hoay làm đất, trồng cây trong thung lũng Tà Vờn heo hút đều cho rằng tôi bị khùng. Thế nhưng tôi biết mình không hề bị khùng"!

Bỏ ngoài tai bao lời dị nghị, vợ chồng ông Tình vẫn quyết tâm vào Tà Vờn dựng lán “khởi nghiệp”. Trong thung lũng biệt lập, ông Tình cùng người vợ của mình vẫn âm thầm khai hoang trồng trọt, nuôi bò… Thời gian thấm thoát trôi, giờ đây vợ chồng ông đã có gần chục con bò, nhiều loại cây trồng cho thu hoạch cao. Trung bình mỗi năm vợ chồng ông Tình thu lãi khoảng 150 triệu đồng từ thung lũng Tà Vờn. Từ "người khùng, dị nhân"… vợ chồng ông Tình, bà Minh đã trở thành hộ giàu ở xã Hóa Phúc.

Làm giàu trong thung lũng Tà Vờn 

"Từ quyết định vào Tà Vờn “khởi nghiệp” của ông Tình đã trở thành câu chuyện tiêu biểu, đáng được biểu dương để nhiều hộ gia đình khác cùng học tập, làm theo". Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Phúc Đinh Tiến Cường khi nói về công dân ưu tú Đinh Sơn Tình.

(Bài Kế Hoạch 24/9): “Dị Nhân” làm giàu trong thung lũng Tà vờn 1
Từ thung lũng hoang vu, giờ đây ở Tà Vờn đã có một gia trại tổng hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi

Khi đã qua rồi cái tuổi sung sức, con cái đã yên bề gia thất. Lẽ thường tình, người ta chọn cách nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu. Ấy vậy mà ông Tình lại chọn cách ngược đường để khởi nghiệp để rồi vươn lên làm giàu. Hành trình biến Tà Vờn thành gia trại tổng hợp rồi vươn lên làm giàu của gia đình ông Tình, bà Minh, đã trở thành câu chuyện để đồng bào vùng cao Minh Hóa học tập và làm theo.

Trung tuần tháng 9, chúng tôi quyết định vào Tà Vờn mong được nghe câu chuyện gia đình ông Đinh Sơn Tình. Hơn 1 giờ đồng hồ đi bộ vượt lèn đá, Tà Vờn một thung lũng rộng lớn nằm lọt thỏm trong những dãy lèn đá vôi dựng đứng đã thu vào tầm mắt. Thấy đó, thế nhưng cũng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ nữa mới chạm chân được Tà Vờn. 

Rồi cũng như mong đợi, câu chuyện vào với Tà Vờn và hành trình khó nhọc vươn lên làm giàu của mình được ông Tình chia sẻ rành rọt: Vào thung lũng Tà Vờn, bước đầu tôi mua một chiếc máy cày đất. Để tiện vận chuyển máy cày vào Tà Vờn, tôi phải thuê người tháo rời từng bộ phận rồi vác bộ qua lèn đá vào thung lũng, lắp đặt lại như ban đầu. Cứ vài ngày, tôi lại trở ra vùng trung tâm xã mua thêm can dầu máy cùng ít lương thực, cây, con giống rồi quay trở vào thung lũng thực hiện giấc mơ của riêng mình.

Bền bỉ qua nhiều năm, hiện các loại cây mà vợ chồng ông Tình lựa chọn trồng đều đang phát triển tốt, cho hiệu kinh tế quả cao. Quanh chân lèn, gia đình ông đã trồng được vài trăm bụi chuối, hơn 300 cây đu đủ. Đu đủ mà ông Tình bà Minh trồng chủ yếu là đu đủ đực. Hoa sau khi được thu hoạch, ông Tình phơi khô rồi mang bán cho thương lại.

 Ngoài ra, gia đình ông còn trồng 1.000m2 ớt, 100 gốc cây bưởi; 50 gốc tiêu, khoảng 1,5ha lạc. Do được trồng và chăm sóc tốt nên cây trồng, vật nuôi trong Tà Vờn của gia đình ông Tình có chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.

(Bài Kế Hoạch 24/9): “Dị Nhân” làm giàu trong thung lũng Tà vờn 2
Ở Tà Vờn, vợ chồng ông Tình đang nuôi 7 con bò, trồng nhiều loại cây cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm

Để chủ động nguồn thức ăn cho bò, ông Tình còn dành ra 500m2 đất trồng cỏ. Hiện ở Tà Vờn, gia đình ông còn nuôi thêm 7 con bò, khoảng 300 con gà, ngan, ngỗng/lứa. Gia súc, gia cầm cũng phát triển rất tốt nhờ có lượng thức ăn dồi dào. Bên cạnh đó Tà Vờn nằm biệt lập nên nguy cơ lây nhiễm bệnh ít, giá bán lại cao do người tiêu dùng ưa chuộng.

Tổng nguồn thu hàng năm của gia đình ông Tình hiện nay ước tính hơn 150 triệu đồng. Từ hộ khó khăn, gia đình ông Đinh Sơn Tình, bà Đinh Thị Minh đã vươn lên thành hộ giàu. Khi nói về dự định trong tương lai “dị nhân” Đinh Sơn Tình vẫn tràn đầy khí thế vươn lên: “Vợ chồng tôi dự tính sẽ mở rộng thêm quy mô chăn nuôi, trồng trọt. Tiềm năng ở Tà Vờn còn nhiều……”

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Nguyên Bình

Ghi ở Nguyên Bình

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong các ngày từ 8 - 10/9, mưa lũ tràn về đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt tại huyện Nguyên Bình. Tính đến ngày 14/9, các điểm sạt ở tại hai xã Ca Thành và Yên Lạc đã có 52 người chết. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm số người mất tích. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào DTTS.