Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Di sản múa trong nghi lễ của các DTTS

Nguyễn Thị Phương Lan - 15:54, 10/04/2025

Múa nghi lễ là nét đẹp văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc, mang đậm dấu ấn tâm linh và ý nghĩa cộng đồng sâu sắc. Các điệu múa này không chỉ là hình thức nghệ thuật mà còn là “cầu nối” giữa con người với thần linh, tổ tiên và thiên nhiên.

Múa trống ghi năng trong tác phẩm “Thổi hồn nhịp trống ghi năng”- biên đạo Yến Phi. Ảnh Phương Lan
Múa trống ghi năng trong tác phẩm “Thổi hồn nhịp trống ghi năng”- biên đạo Yến Phi. Ảnh Phương Lan

Trong nghi lễ Cấp sắc của người Dao, múa cấp sắc là phần không thể thiếu, mang ý nghĩa giáo dục về nhân cách, đạo đức và trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình và cộng đồng. Múa cấp sắc diễn ra trong không gian linh thiêng, theo trình tự của các nghi thức. Mỗi phần lễ có một điệu múa tương ứng, được thực hiện bởi các thầy cúng. Nhạc cụ sử dụng gồm chuông, tù và, thanh la, trống, chũm chọe. Hai thầy cúng đứng hướng về bàn thờ, tay tạo âm thanh từ nhạc cụ, chân di chuyển nhịp nhàng theo tiếng hát của thầy cúng ngồi dưới.

Nghệ nhân Bàn Xuân Đông, tỉnh Hà Giang chia sẻ, múa cấp sắc không chỉ là hoạt động văn hóa mà còn là phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Dao, chứa đựng những câu chuyện và giá trị văn hóa sâu sắc.

Múa nghi lễ là hình thức nghệ thuật thiêng liêng, kết nối con người với thần linh, tổ tiên và thiên nhiên. Mỗi điệu múa ẩn chứa giá trị văn hóa, phản ánh đời sống tâm linh của cộng đồng.

Người Nùng Dín có điệu múa ngựa giấy, một nghi lễ tâm linh đặc biệt. Ngựa giấy được làm từ tre, mai trong rừng, trang trí bằng giấy màu rực rỡ. Theo nghệ nhân Lù Phìn Hòa và Nghè Thái Chin, tỉnh Lào Cai, chỉ nam giới mới được làm ngựa giấy và thực hiện điệu múa này. Ban đầu, múa ngựa giấy là nghi lễ hiến tế trong đám hiếu, xem như món quà để người mất sử dụng ở thế giới bên kia. Ngày nay, múa ngựa giấy còn được biểu diễn trong các dịp hội làng và liên hoan văn nghệ. Điệu múa gồm 7 động tác chính: Ngửi tai nhau, đi gần giao nhau, ngửi đuôi, cắn chân, đá nhau, cắn miệng, quấn cổ. Người múa đi ngược chiều kim đồng hồ, biểu diễn thành vòng tròn, thể hiện sự khéo léo và sống động qua hình ảnh những chú ngựa khi thong dong, khi mạnh mẽ.

Múa chầu của dân tộc Tày là loại hình nghệ thuật dân gian phổ biến trong các dịp lễ, Tết, lễ cấp sắc, cầu an hay mừng nhà mới. Múa chầu mang ý nghĩa cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa màng bội thu và sức khỏe cho gia đình, cộng đồng. Trong cuộc diễn xướng Then, các chúa Then thể hiện điệu múa chầu song song với khúc hát chầu tổ tiên. Người múa cầm chùm sóc nhạc ở tay phải, quạt ở tay trái, di chuyển theo vòng tròn hoặc hàng ngang, thực hiện các động tác đứng, quỳ, ngồi. Động tác múa uyển chuyển, dứt khoát, mô phỏng lao động sản xuất như cày cấy, chăn nuôi, thu hoạch… Tất cả hòa quyện trong tiếng đàn Tính, tạo nên không gian thiêng liêng, kết nối con người với thiên nhiên và tổ tiên.

Người thụ lễ múa dâng hương trong Lễ Cấp sắc của người Dao đỏ (Cao Bằng)
Người thụ lễ múa dâng hương trong Lễ Cấp sắc của người Dao đỏ (Cao Bằng)

Đối với người Xơ Đăng, múa chiêu là nghi lễ lâu đời, được thể hiện trong đám ma hoặc các lễ hội như mừng cơm mới, mừng sức khỏe cộng đồng. Điệu múa thể hiện sự thành kính của dân làng đối với thần linh, tổ tiên. Đội múa chiêu thường có số chẵn, từ 8 - 16 người. Nam nữ Xơ Đăng nắm tay nhau, nhún theo nhịp chiêng, thanh la và trống, xoay 180 độ rồi trở lại vị trí ban đầu. Vòng múa di chuyển quanh cây nêu hoặc mâm lễ cúng theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Người múa chỉ dùng gót chân và mũi chân để di chuyển nhẹ nhàng, tạo nên sự thanh thoát và linh thiêng trong không gian nghi lễ.

Trống ghi năng là nhạc cụ thiêng của người Chăm, được sử dụng trong các lễ hội lớn như lễ Katê. Khi mang trống ra biểu diễn, người Chăm phải làm lễ cúng, xin phép thần linh. Trống ghi năng có hình dáng giống trống cơm của người Kinh nhưng lớn hơn. Thân trống làm bằng gỗ, dài khoảng 0,7m. Mặt nhỏ của trống căng da dê, mặt lớn căng da trâu. Khi biểu diễn, người chơi ngồi dưới đất, kê trống lên đùi, dùng dùi gõ mặt trống tiếp đất và tay vỗ mặt trống hướng lên để điều chỉnh âm sắc. Trống ghi năng thường đi thành cặp, tạo nên nhịp điệu uyển chuyển, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Những năm gần đây, nhiều điệu múa nghi lễ như múa chầu, múa trống ghi năng đã được phục dựng và sân khấu hóa tại các làng văn hóa, điểm du lịch. Tuy nhiên, việc bảo tồn múa nghi lễ đang đối mặt với nhiều thách thức. Việc lưu giữ không chỉ dừng ở hình thức bên ngoài mà còn cần gìn giữ giá trị tinh thần trong từng điệu múa. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân và cộng đồng. Các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ, tổ chức giao lưu nghệ thuật, giúp cộng đồng các dân tộc có cơ hội bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Họp mặt mừng Chôl Chnăm Thmây năm 2025

Cà Mau: Họp mặt mừng Chôl Chnăm Thmây năm 2025

Ngày 12/4, tại chùa Monivongsa Bopharam, phường 1, TP. Cà Mau, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức Họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2025 của đồng bào dân tộc Khmer. Đến dự và tặng quà, hoa chúc mừng có ông Nguyễn Minh Luân, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; bà Nguyễn Thu Tư, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cà Mau; cùng tham dự có các đồng chí đại diện lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành và các phòng chuyên môn của Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cà Mau.