Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Di sản văn hóa các DTTS với ngành công nghiệp không khói: Khai thác du lịch từ làng nghề (Bài 3)

Hồng Phúc - 18:37, 15/11/2021

Nghề thủ công truyền thống của đồng bào DTTS ở nước ta là một trong những di sản văn hóa quý báu, được hình thành, phát triển và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Nghề truyền thống của các DTTS không chỉ giữ vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo vùng DTTS, miền núi mà còn chứng tỏ sức hút mạnh mẽ đối với du khách. Nghề truyền thống và sản phẩm từ nghề truyền thống của các DTTS là một thế mạnh trong ngành công nghiệp không khói.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của làng Mỹ Nghiệp là tinh hoa của dân tộc Chăm
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm làng Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đã và đang thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước

Những điểm sáng 

Làng dệt Mỹ Nghiệp là một trong những điểm du lịch, mà du khách phương xa không thể bỏ qua khi đến Ninh Thuận. Điều đặc biệt thu hút khách, đó chính là mỗi sản phẩm thổ cẩm do các nghệ nhân, thợ dệt nơi đây dệt nên, không giống với bất kỳ sản phẩm nào. Sự độc đáo của thổ cẩm Mỹ Nghiệp, nằm ở cách tạo hoa văn trên vải. Đứng trước hàng nghìn tấm thổ cẩm, khó có thể tìm được sự trùng lặp về hoa văn, kiểu cách…bởi mỗi nghệ nhân làng Mỹ Nghiệp tạo ra sản phẩm, đều làm theo sự sáng tạo, ngẫu hứng riêng. 

Làng có hơn 700 hộ, với khoảng bốn nghìn nhân khẩu, có tới 500 nghệ nhân, thợ dệt giàu kinh nghiệm, gắn bó lâu năm với khung dệt thủ công. Do vậy, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của làng Mỹ Nghiệp, không chỉ đơn thuần là một nghề mưu sinh, mà đó là cả một tinh hoa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc Chăm. 

Để phục vụ du khách, các nghệ nhân, thợ dệt đã sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm từ thổ cẩm như: nón, quần áo, ví tiền nam nữ, khăn choàng, giỏ xách, drap trải bàn…, với giá thành rất phải chăng. Ngoài ra, khách có thể trải nghiệm các công đoạn dệt và họ có thể tận tay chạm vào, ướm thử những tấm vải mềm mịn khá đặc trưng của làng dệt với những hoa văn cổ như thần đèn, Siva, rồng trời...Đặc biệt, một trong những hoạt động đã tạo hiệu ứng truyền thông lớn cho làng nghề Mỹ Nghiệp, là trào lưu giới trẻ mặc đồ truyền thống, chụp ảnh checkin tại nơi đây. 

Sự độc đáo của thổ cẩm Mỹ Nghiệp, cách tổ chức các hoạt động làng nghề, chính là lý do nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp có sức hút mạnh với du khách khi đến Ninh Thuận.

Với những bản người Mông ở xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa (Lào Cai), nhiều năm gần đây, trở thành điểm thu hút khách du lịch đến trải nghiệm nghề dệt thủ công. Nhằm khai thác thế mạnh của địa phương, đồng thời mong muốn giữ gìn nghề thổ cẩm của dân tộc mình, chị Thào Thị Sung, thôn Can Ngài, xã Tả Phìn đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác trồng lanh và phát triển sản phẩm thổ cẩm, với sự tham gia của hàng chục chị em phụ nữ địa phương. Đặc biệt, chị đã đưa ra nhiều mô hình thực tế để du khách được trải nghiệm khi đến đây.

Anh Nic Shonfeld, một du khách nước ngoài bày tỏ: “Tôi là người Anh, sinh sống tại Hà Nội. Tôi rất thích các hoạt động du lịch cộng đồng. Tôi cũng rất ấn tượng khi được tự tay dệt vải, lấy vỏ cây về đun nước nhuộm vải và học cả thêu thổ cẩm khi đến Tả Phìn”.

Còn gìn giữ được nhiều nghề truyền thống của người Mông, như nghề rèn, đan lát, chạm khắc bạc, dệt thổ cẩm, thời gian qua, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa (Lào Cai) cũng là điểm đến được du khách yêu mến, quan tâm và trải nghiệm. Thời điểm trước khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện năm 2020, mỗi năm xã đón trên hàng chục nghìn lượt du khách đến lưu trú, trải nghiệm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Chị Tẩn Thị Cở, thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa chia sẻ: Làm du lịch thu nhập khá hơn, không bấp bênh như làm nông nghiệp. Mình có động lực gìn giữ nghề truyền thống của người Mông mình.

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng hơn 3.000 làng nghề thủ công, thuộc 11 nhóm nghề chính là sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá, kim khí.

Với hệ thống các làng nghề phong phú, đa dạng, rõ ràng du lịch làng nghề đang là một tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là với vùng DTTS. Đa số du khách quốc tế và cả nội địa khi đến các điểm du lịch, đều muốn mang về một món đồ thủ công, mỹ nghệ, bởi những sản phẩm này luôn chứa đựng những tinh túy của một nền văn hóa.

Hiện nay, đứng trước thực tế là một số nghề thủ công truyền thống đang dần bị mai một, nhiều địa phương như: Lào Cai, Hà Giang, Ninh Thuận… đang tiếp tục đầu tư, xây dựng mô hình làng nghề gắn với phát triển du lịch theo xu hướng du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề; hay phát triển du lịch kép là vừa đưa sản phẩm truyền thống vươn xa, vừa quảng bá hình ảnh văn hóa dân tộc mình.

Người Mông ở Sa Pa đã biết làm du lịch từ nghề truyền thống dệt thổ cẩm
Đồng bào Mông ở Sa Pa làm du lịch hiệu quả từ phát huy nghề và làng nghề truyền thống của dân tộc

"Chắp cánh" cho làng nghề

Trên thực tế, làng nghề là một môi trường văn hóa lưu truyền những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật dân gian, những kinh nghiệm sản xuất, phong tục tập quán sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Những làng nghề truyền thống, phản ảnh bức tranh đầy bản sắc, khẳng định nét riêng biệt, độc đáo không thể thay thế.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khẳng định: Hàng thủ công truyền thống, là một phần quan trọng của du lịch, là một trong số ít mặt hàng phản ánh văn hóa địa phương đặc sắc. Hàng thủ công truyền thống có thể được ví như biểu tượng văn hóa và nghệ thuật của một quốc gia, là nhân tố quan trọng để hấp dẫn du khách.

"Xuất khẩu tại chỗ hàng thủ công truyền thống, thông qua việc bán cho khách du lịch đã mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ, giải quyết nguồn lao động địa phương, mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc. Đó là những lợi ích lâu dài không thể tính được trong ngày một ngày hai", ông Vũ Thế Bình chia sẻ.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến chuyên gia văn hóa, tại Việt Nam, hoạt động du lịch làng nghề đã được nhiều địa phương quan tâm phát triển, nhưng trên thực tế còn hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, trước hết, cần đẩy mạnh đến việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại các làng nghề nhằm nâng cao doanh thu từ hoạt động du lịch. 

Bên cạnh đó, cần chú trọng đến việc liên kết với các làng nghề khác; cũng như các điểm tham quan khác, hấp dẫn trong địa phương nhằm kéo dài ngày lưu trú của khách du lịch và nâng cao doanh thu từ hoạt động du lịch tại các làng nghề.

Thứ hai, cần phát triển cở sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ tại các điểm du lịch làng nghề; nâng cấp tuyến đường giao thông quốc lộ và các tuyến đường nội bộ để có thể tạo điều kiện cho du khách tiếp cận dễ dàng với các điểm du lịch làng nghề; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc, mở rộng các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống gần gũi với thiên nhiên.

Ngoài ra, cần chú trọng đếncông tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên mônnghiệp vụ về du lịch. Đặc biệt, các địa phương cần đẩy mạnh và quảng bá hình ảnh cả trên môi trường số, lẫn cách làm truyền thống để “chắp cánh” cho thương hiệu làng nghề của mình phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của các DTTS ở Kon Tum

Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của các DTTS ở Kon Tum

Cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Kon Tum có rất nhiều nghề thủ công truyền thống độc đáo, gắn liền với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, sinh hoạt đời sống cộng đồng, mang đậm nét văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển, cũng có không ít nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Trước thực tế này, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhiều nghệ nhân ở các bản làng, bằng nhiều cách đã quyết tâm gìn giữ và truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ mai sau.