Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Làng nghề truyền thống ở Quảng Bình: Trăn trở trước vấn nạn ô nhiễm môi trường

QUỲNH CHI - 17:03, 30/09/2019

Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Bình có 29 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Các làng nghề, các nghề truyền thống đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nông nhàn ở địa phương. Thế nhưng, cùng với sự phát triển, ô nhiễm môi trường do các làng nghề gây ra đang là vấn đề nan giải.

Làng nghề chế biến nước mắm truyền thống ở Quảng Bình mong muốn được đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường.
Làng nghề chế biến nước mắm truyền thống ở Quảng Bình mong muốn được đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường.

Trăn trở từ các làng nghề

Ông Châu Minh Vững, Bí thư Chi bộ thôn 8, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, làng nghề truyền thống Mai Hồng theo nghề rèn đúc. Trước đây, có 100% người dân theo nghề truyền thống, nhưng hiện chỉ còn khoảng 45%, số khác đã chuyển sang các ngành nghề dịch vụ. Dù vậy, làng nghề vẫn có thương hiệu và tiếng tăm riêng.

Theo ông Vững, do quy mô sản xuất thu gọn và đặc biệt là các hộ dân đã cải tiến máy móc, dùng các sản phẩm inox để thay thế cho các vật liệu bằng gang, sắt… nên các nguy cơ ô nhiễm môi trường ở làng nghề trước đây, như: Tiếng ồn, khói bụi... đã được hạn chế nhiều.

Tuy nhiên, do các hộ gia đình ở làng nghề truyền thống Mai Hồng chủ yếu tận dụng sân nhà để sản xuất cơ khí nên công tác kiểm soát khói bụi, nước thải, khí thải vẫn chưa được xử lý triệt để. Nước thải chủ yếu vẫn được xả thẳng ra sông Lý Hòa.

Đối với làng nghề chế biến bún, bánh mè xát Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, nước thải đang trở thành nỗi bức xúc người dân và trăn trở của chính quyền địa phương. 

Bà Phan Thị Cẩm Tú, Giám đốc HTX Làng nghề truyền thống Tân An cho biết, thực tế làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các hộ dân vẫn xả thẳng nguồn nước thải ra hệ thống kênh, mương gây ô nhiễm.

Theo bà Tú, quá trình sản xuất bún phải sử dụng rất nhiều nước. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nguồn nước trong quá trình làm bánh đều đã được người dân lọc lại và tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. 

Cần có giải pháp bền vững

Trao đổi về thực trạng môi trường ở các làng nghề, ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT), Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết: Với số lượng nhóm nghề phong phú, như: Mộc, mây tre đan, rèn kim khí, làm hương, chổi đót, nước mắm, khoai deo, nón lá… các làng nghề, làng nghề truyền thống đều sử dụng nguồn nguyên liệu, phụ liệu từ nông, lâm, thủy sản tại địa phương.

“Quy mô các làng nghề còn nhỏ, giá trị sản xuất không lớn, nên việc xử lý môi trường ở địa phương chủ yếu chỉ dừng lại ở công tác thu gom rác thải, xử lý để giữ gìn vệ sinh môi trường”, ông Hào nói.

Theo ông Hào, giải pháp trước mắt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các làng nghề, nghề truyền thống nhân rộng các mô hình thực hiện xử lý môi trường có hiệu quả tốt; khuyến khích các làng nghề ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường; có cơ chế khuyến khích hình thành các hương ước, quy chế BVMT của các làng, xã để buộc mọi người lao động có trách nhiệm BVMT và giám sát BVMT.

Về lâu dài, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên ngành cũng cần có kế hoạch đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý nước thải tập trung, xử lý chất thải theo quy trình; gắn công tác BVMT tại các làng nghề, hộ làm nghề truyền thống với chương trình xây dựng nông thôn mới và chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương. 

 Thời gian qua, Trung tâm Môi trường nông thôn thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đã hỗ trợ tỉnh Quảng Bình xây dựng mô hình “Nông dân chung tay BVMT làng nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới” tại làng nghề truyền thống nón lá Quy Hậu (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy) và mô hình “Nông dân thu gom, phân loại rác thải, khắc phục ô nhiễm góp phần BVMT làng nghề truyền thống” tại các làng nghề ở xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn. 

Mô hình góp phần tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVMT. Đồng thời, thông qua mô hình góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc quản lý, thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt, sản xuất tại cộng đồng dân cư và làng nghề truyền thống.

Ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương Quảng Bình nhận định: Một trong những giải pháp tối ưu để kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, chính là việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, tại các khu vực này phải được quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, đặc biệt là các công trình xử lý môi trường. Tuy nhiên, đây là giải pháp không thể làm được trong một sớm một chiều, bởi nguồn kinh phí của tỉnh còn rất hạn hẹp.

Tin cùng chuyên mục
Thường Xuân (Thanh Hóa): Dừng hoạt động cơ sở thu mua keo thôn Tú sau phản ánh của Báo Dân tộc và Phát triển

Thường Xuân (Thanh Hóa): Dừng hoạt động cơ sở thu mua keo thôn Tú sau phản ánh của Báo Dân tộc và Phát triển

Ngày 4/4/2024, Báo Dân tộc và Phát triển có bài viết: Thường Xuân (Thanh Hóa): Cần chấn chỉnh tình trạng kinh doanh không tuân thủ pháp luật ở xưởng thu mua keo thôn Tú. Nội dung bài viết nêu rõ: Trong quá trình hoạt động, cơ sở thu mua gỗ keo tại thôn Tú, xã Xuân Thắng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá ngoài việc gây ô nhiễm môi trường về tiếng ồn và không khí, còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, khiến cho người dân tại địa phương lo lắng có ý kiến đến các cấp.