Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Di sản văn hóa các DTTS với ngành công nghiệp không khói: Kiến trúc nhà ở truyền thống - Điểm đến khó cưỡng của du khách (Bài 2)

Văn Hoa - 23:08, 07/11/2021

Trong các di sản văn hóa truyền thống, kiến trúc nhà truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) cũng là một sản phẩm văn hóa có sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Những năm gần đây, nhiều hộ dân, thôn, bản đã tích cực gìn giữ, bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống để gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, tạo thêm nguồn thu nhập, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội địa phương và góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch.

Kiến trúc nhà sàn của đồng bào Tày ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (Bắc Sơn, Lạng Sơn) luôn hấp dẫn khách du lịch khám phá, trải nghiệm. (Ảnh tư liệu)
Kiến trúc nhà sàn của đồng bào Tày ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (Bắc Sơn, Lạng Sơn) luôn hấp dẫn khách du lịch khám phá, trải nghiệm. (Ảnh tư liệu)

Kiến trúc nhà ở - Bản sắc riêng của từng dân tộc

Nằm sát Cột cờ Lũng Cú, nơi địa đầu Tổ quốc, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) là nơi sinh sống của 140 hộ dân tộc Lô Lô. Với bản sắc văn hóa đặc trưng từ kiến trúc nhà trình tường, với mái ngói âm dương độc đáo, trang phục đẹp mắt và nghệ thuật ẩm thực đặc sắc; kết hợp với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ… tất cả khiến Lô Lô Chải trở thành điểm đến yêu thích của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Trưởng thôn Lô Lô Chải, anh Sình Dỉ Gai cho biết, Lô Lô Chải có 22 hộ mạnh dạn dùng căn nhà của gia đình cải tạo, nâng cấp để kinh doanh dịch vụ Homestay. Mỗi căn nhà Homestay đều được bố trí theo phong cách truyền thống, hệ thống nhà vệ sinh, bàn uống nước, không gian sinh hoạt chung được bố trí rộng rãi, hợp vệ sinh. Các hiện vật cổ của người Lô Lô cũng được trưng bày tại nhà.

“Người dân trong thôn luôn có ý thức gìn giữ nếp nhà truyền thống của dân tộc. Đặc biệt từ khi phát triển du lịch, nhiều hộ đã làm giàu từ kinh doanh dịch vụ Homestay. Ở trong thôn, có những ngôi nhà truyền thống đã hàng trăm năm tuổi, ngôi nhà cổ nhất thôn đã hơn 200 năm tuổi, chính là quán Café Cực Bắc và cũng là địa điểm ấn tượng đối với mỗi du khách khi đến Lô Lô Chải”, anh Gai nhấn mạnh.

Giao lưu văn nghệ với khách du lịch tại nếp nhà sàn truyền thống. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Các buổi giao lưu văn nghệ với khách du lịch được tổ chức ngay tại nếp nhà sàn truyền thống. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) có 99% là người dân tộc Tày với 446 hộ. Hiện nay, toàn bộ người dân vẫn sinh sống trong nhà sàn truyền thống.

Ông Dương Công Chài, 1 trong 10 hộ dân kinh doanh dịch vụ Homestay cho biết, gia đình ông bắt đầu đón khách từ năm 2010 (thời điểm đó cả làng chỉ có 5 hộ làm Homestay). Theo ông Chài, vào những năm 2017, 2018 và 2019, gia đình ông đón trên 1.000 lượt khách, cho thu nhập từ dịch vụ nghỉ khoảng 80 - 90 triệu đồng, nếu tính cả dịch vụ ăn uống thì cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

“Khách du lịch yêu thích Quỳnh Sơn bởi ngoài khung cảnh thiên nhiên đẹp, còn bởi nơi đây giữ được những nếp nhà sàn truyền thống. Trong làng, ai cũng ý thức bảo tồn nhà sàn, riêng ngôi nhà sàn gia đình ông, đã có gần 100 năm tuổi, từ những năm 1939. Nhà sàn có nhiều đặc tính ưu điểm, mùa Hè cứ hết nắng thì mát và mùa Đông khi đóng cửa kín vào thì ấm. Và đặc biệt, chỉ cần cải tạo nhà sàn một chút, là có thể đón được khách du lịch, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”, ông Chài nhấn mạnh.

Anh Lê Quang Quyền, hướng dẫn viên du lịch chuyên tuyến Đông - Tây Bắc cho biết, những năm gần đây, khách du lịch có xu hướng tìm về các thôn, bản có sự độc đáo về bản sắc văn hóa, đặc biệt là các địa điểm giữ được kiến trúc nhà truyền thống khách sẵn sàng lưu lại.

"Khi có khách du lịch, đồng nghĩa với việc người dân có thêm nguồn thu từ chính ngôi nhà mà gia đình hằng ngày vẫn sử dụng; ngoài ra, khách du lịch còn có nhu cầu ăn uống, thưởng thức những tiết mục văn nghệ truyền thống, mua quà lưu niệm và các sản vật địa phương…", anh Quyền chia sẻ.

Bảo tồn và phát triển

Có thể dễ dàng nhận thấy, ở các điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng thu hút được khách du lịch, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của người dân được nâng lên rõ rệt. Những nơi này có một điểm chung là bảo tồn rất tốt kiến trúc nhà truyền thống. Điển hình như: Nghĩa Lộ (Yên Bái), bản Lác (Mai Châu), bản Mển (Điện Biên)… gắn liền với những nhà sàn người Thái; Bắc Sơn (Lạng Sơn), Ba Bể (Bắc Kạn)… gắn liền với nhà sàn người Tày; Làng văn hóa du lịch dân tộc Mông tại xã Pả Vi, gắn liền với nhà trình tường của người Mông (Mèo Vạc, Hà Giang)

Nhiều trải nghiệm thú vị dưới nếp nhà truyền thống người Mông ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại Mèo Vạc (Hà Giang)
Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại Mèo Vạc (Hà Giang), là địa điểm thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan, nhờ những nếp nhà truyền thống và tổ chức được những trải nghiệm cho khách tham gia

Thực tế cũng đã chứng minh, nhiều lợi ích kinh tế thu về từ những địa phương có nhiều sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, nhất là bảo tồn được kiến trúc nhà truyền thống. Minh chứng như ở Mai Châu (Hòa Bình).

Là một huyện vùng cao, hàng chục năm nay Mai Châu nổi tiếng với khung cảnh núi rừng thơ mộng và những nếp nhà sàn truyền thống độc đáo. Ngoài một số khách sạn, nhà nghỉ hiện đại, thì 103 nhà nghỉ cộng đồng tại các bản làng gắn với kiến trúc nhà sàn người Thái đang là điểm nhấn quan trọng về du lịch, giúp cho Mai Châu đón được lượng khách du lịch lớn hằng năm đến và lưu trú lại địa phương.

Năm 2019 (thời điểm chưa bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19), huyện đón 379.500 lượt, trong đó khách quốc tế là 166.500 lượt, khách nội địa là 213.000 lượt; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 263 tỷ đồng. Năm 2020, huyện đón 145.200 lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 12.396 lượt, khách nội địa là 132.804 lượt; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 105,9 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng khách đến huyện Mai Châu ước tính đạt 267.301 lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 623 lượt, khách nội địa là 266.678 lượt; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đến nay đạt 222 tỷ đồng.

Các nguyên liệu làm nhà sàn bằng gỗ ngày càng khan hiếm, nhiều hộ dân đã sử dụng các vật liệu như bê tông, cốt thép, mái tôn… để thay thế, nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc của nhà truyền thống. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Du khách bên một ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc truyền thống bằng vật liệu mới

Mặc dù qua thời gian, nhiều ngôi nhà truyền thống dần bị xuống cấp do nắng, mưa, mối mọt… các nguyên liệu làm nhà bằng gỗ lại càng khan hiếm, nhiều hộ đã sử dụng các vật liệu như bê tông, cốt thép, mái tôn… để thay thế. Song, không vì thế mà cấu trúc những ngôi nhà truyền thống bị mất đi, mà nó thể hiện sự sáng tạo của đồng bào các DTTS để bắt nhịp với điều kiện cuộc sống mới.

Để nâng cao hiệu quả của việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống gắn liền với phát triển kinh tế từ du lịch,  Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư,  trong đó có bảo tồn nhà truyền thống. Theo đó, các địa phương, ngành Văn hóa đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ bằng tiền cho các hộ gia đình sửa chữa nhà truyền thống để kinh doanh điểm lưu trú cho khách du lịch, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cho các hộ, làng bản…

Như, ở tỉnh Yên Bái, mỗi hộ đăng ký kinh doanh điểm lưu trú cho khách du lịch được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà sàn truyền thống. Tại xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn  (Lạng Sơn), những hộ gia đình kinh doanh điểm lưu trú được hỗ trợ 9 triệu đồng.

Có thể nói rằng, kiến trúc nhà truyền thống chính là biểu tượng văn hóa của mỗi dân tộc. Để nâng cao đời sống văn hóa, vật chất, thích ứng với xu thế phát triển của xã hội, đồng bào đã  biến những ngôi nhà truyền thống, trở thành một thế mạnh để phát triển kinh tế là hướng đi đầy triển vọng .

Tin cùng chuyên mục
Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Với người Nùng tại thôn Phia Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, nghề làm hương là niềm tự hào văn hóa đã in sâu trong tiềm thức của đồng bào, do vậy trải qua nhiều thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây vẫn miệt mài nối tiếp nhau giữ gìn nghề truyền thống. Do vậy, Phia Thắp được lựa chọn là một trong 7 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh được đầu tư, theo đó đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân làng nghề này.