Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Điện Biên: Cuộc sống bấp bênh của những lao động hồi hương tránh dịch

Vũ Lợi- Hương Chi - 21:12, 12/10/2021

Các đợt dịch Covid-19 bùng phát tại nước ta trong 2 năm qua khiến hàng triệu người lao động gặp khó khăn. Tại tỉnh Điện Biên, rất nhiều người lao động đi làm ăn xa đã lâm vào cảnh thất nghiệp, buộc phải trở về quê hương. Thế nhưng, hiện tại cuộc sống của họ đang gặp phải vô vàn khó khăn. Mong muốn lớn nhất lúc này của nhiều lao động là tìm kiếm được một công việc phù hợp để có thu nhập, trang trải cuộc sống.

Từ tháng tháng 7 đến tháng 10, tỉnh Điện Biên đón trên 3.500 lao động trở về địa phương tránh dịch
Từ tháng tháng 7 đến tháng 10, tỉnh Điện Biên đón trên 3.500 lao động trở về địa phương tránh dịch

Vào đầu năm 2021, vợ chồng chị Tòng Thị Chiêm và ở bản Na Cảnh, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông quyết định gửi 2 con cho ông bà ở quê nhà để xuống Hà Nội tìm việc làm. Công việc làm thợ xây của chồng và phụ hồ của vợ cho thu nhập khoảng 700.000 đồng mỗi ngày sau khi đã trừ tiền ăn. Thế nhưng làm việc ở Hà Nội chưa được bao lâu thì dịch bùng phát, công trình dừng thi công, vợ chồng chị Chiêm không có việc làm, mất thu nhập để trang trải cuộc sống nơi thành phố.

Lúc đầu vợ chồng chị Chiêm hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được khống chế nên cố bám trụ chờ ngày đi làm trở lại. Gắng gượng rồi đến lúc lực kiệt, anh chị buộc phải khăn gói về quê. Đến nay sau gần 4 tháng ở tại quê nhà, cuộc sống của vợ chồng chị Chiêm vẫn vô cùng khó khăn, bếp bênh vì không tìm được việc làm phù hợp.

Chị Chiêm đang rất mong mỏi dịch bệnh chóng qua đi, hoạt động xe khách được nối lại để vợ chồng chị lại tiếp tục xuống Thủ đô mưu sinh. Chị trải lòng: “Dù công việc vất vả, nhưng đó là thu nhập chính để trang trải cuộc sống, có tiền lo cho con cái ăn học và tích lũy để sau này làm căn nhà.”

Những lao động bất đắc dĩ phải bỏ công việc trở về quê hương như chị Chiêm hầu hết đều có chung một hoàn cảnh là mất việc làm, mất nguồn thu nhập khi xảy ra dịch bệnh. Họ buộc phải lựa chọn hành trình gian nan trở về nương náu quê nhà. Dịch bệnh khó lường cũng khiến nhiều người lâm vào cảnh mắc kẹt, nhiều công nhân quyết định nghỉ việc về quê và chưa có ý định quay trở lại bởi nhiều nỗi băn khoăn.

Anh Lò Văn Dương, bản Na Cảnh, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông từng làm công nhân ở Hải Phòng trở về nhà chia sẻ: “Em bây giờ chắc không xuống nữa, vì xe cộ chưa chạy. Nếu xuống cũng lo dịch bùng phát, rồi lại không có công việc ổn định. Bởi vậy em cũng có nguyện vọng ở nhà đợi tìm việc khác”.

Người lao động hồi hương gặp nhiều khó khăn do mất việc, mất nguồn thu nhập
Người lao động hồi hương gặp nhiều khó khăn do mất việc, mất nguồn thu nhập

Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông, địa phương có khoảng 1.500 công nhân lao động trở về quê sau các đợt dịch Covid-19, chủ yếu từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hà Nội... Ngoài số công nhân tỉnh chủ động đón về, lao động tự do về tự phát rất nhiều. Hiện tại, nhiều công nhân trở về đã hết thời hạn cách ly y tế, nhưng khó có hy vọng tìm được công việc như ý.

Trao đổi với ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên cho biết: Nhằm chia sẻ, hỗ trợ người lao động đang làm việc tại các tỉnh thành ở miền Bắc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, có mong muốn trở về quê hương, từ tháng 7 đến tháng 10 năm nay tỉnh đã bố trí 3 đợt, đón trên 3.500 người. Ngoài ra, còn lượng lớn lao động tự do về tự phát chưa thống kê hết.

Qua khảo sát, đa phần các lao động đều mong muốn khi dịch bệnh tạm ổn, sẽ trở lại thành phố làm do mức lương cao hơn ở quê. Tuy nhiên, để giải quyết việc làm tạm thời, chúng tôi khuyến khích, vận động người lao động chủ động, linh hoạt tận dụng những tư liệu sản xuất vốn có của gia đình, những nghề truyền thống để duy trì cuộc sống trước mắt. Phía các sở ngành của tỉnh, các huyện cần sớm có hướng dẫn, thông báo về phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với những lao động có nguyện vọng lập nghiệp tại quê hương.

“Hiện, khoảng gần 50% người lao động đã có việc làm sau khi trở về địa phương. Số còn lại chúng tôi đang nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp, nhà máy trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Ngoài ra, giới thiệu cho người lao động hồi hương tiếp cận các gói cho vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách để làm ăn, lập nghiệp…”, ông Sơn cho hay.

Ổn định cuộc sống cho người lao động trở về quê hương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến khó lường sẽ là câu chuyện không mấy dễ dàng; tuy nhiên, sự chủ động “nhập cuộc” của các cấp chính quyền, các ngành liên quan và chính của những người trở về sẽ là cách để thích ứng linh hoạt và giải quyết phần nào khó khăn trước mắt với mỗi người lao động.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.