Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Diễn đàn “Giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái”

Thuỳ Anh - 22:13, 08/07/2023

Ngày 7/7/2023, tại tỉnh Lai Châu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kết hợp với Sở Nông nghiệp Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu tổ chức Diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái”.

Đồng chí Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì diễn đàn
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì diễn đàn

Đồng chủ trì Diễn đàn có ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đồng chí Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Trọng Lịch - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lai Châu.

Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Y Tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT, các trường đại học; lãnh đạo các sở: NN&PTNT, VHTT&DL, Khoa học và Công nghệ; Ban Dân tộc tỉnh, các doanh nghiệp, HTX trồng dược liệu, du lịch của các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Hà Giang, Hòa Bình…

Cả nước có gần 14,8 triệu ha rừng, phần lớn là rừng tự nhiên. Trong đó, nhiều nơi có cảnh quan thiên nhiên rất thích hợp để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Theo thống kê của các nhà khoa học, ở Việt Nam có tới hơn 5.117 loài và thứ dưới loài được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Đặc biệt, ở vùng đồng bào DTTS có rất nhiều loài dược liệu kết hợp với nhau tạo thành những bài thuốc rất hay để chữa trị bệnh và bồi bổ sức khỏe.

Trong tự nhiên, các loài dược liệu phân bố tương đối phân tán, hiện nay phần lớn dược liệu được khai thác trong tự nhiên, một phần đã được trồng với qui mô diện tích nhỏ; chưa có vùng sản xuất nguyên liệu thảo dược tập trung qui mô lớn, nên việc phát triển thảo dược còn nhiều hạn chế.

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty Traphaco Sapa trình bày tham luận trước hội nghị
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty Traphaco Sapa trình bày tham luận trước Diễn đàn

Hiện nay, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở trong nước cũng rất lớn. Tuy nhiên, khả năng cung cấp nguyên liệu làm dược liệu chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất cũng như nhu cầu sử dụng ở trong nước, một phần vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 611 về việc phê duyệt Chương trình “Phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Bộ NN&PTNT đang dự thảo quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Khi quyết định được phê duyệt thì đây sẽ là cơ hội không chỉ cho việc phát triển Sâm mang thương hiệu Việt Nam, mà còn là cơ hội để phát triển các loài cây dược liệu khác dưới tán rừng.

Đại biểu tỉnh Lào Cai chia sẻ những khó khăn trong triển khai các nội dung của phát triển cây dược liệu
Đại biểu tỉnh Lào Cai chia sẻ những khó khăn trong triển khai các nội dung của phát triển cây dược liệu

Tại Diễn đàn, Bên cạnh những tiềm năng lớn về dược liệu, các đại biểu đến từ các ngành, các địa phương đã tập trung thảo luận những khó khăn vướng mắc trong việc trồng và phát triển dược liệu dưới tán rừng như: Việc tổ chức triển khai thực hiện còn thiếu tập trung; phát triển dược liệu còn mang tính đơn lẻ; quy hoạch và phát triển vùng trồng dược liệu còn thiếu đồng bộ, nhiều địa phương chưa đưa khoa học, công nghệ và khuyến lâm vào sản xuất; mô hình sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và không có hệ thống tổ chức...

Nhiều đại biểu đến từ các đơn vị lữ hành cho biết: Diện tích rừng ở Việt Nam khá lớn, nhưng không phải rừng ở chỗ nào cũng có thể phát triển du lịch sinh thái, mà phải gắn với cảnh quan đặc trưng, hoặc di tích độc đáo nào đó thì mới có thể hấp dẫn du khách. Ngoài ra, các chính sách chưa thực sự rõ ràng trong việc quy hoạch vùng du lịch sinh thái và vùng trồng dược liệu dưới tán rừng, khiến cho nhiều nhà đầu tư còn gặp nhiều lúng túng trong triển khai.

Các đại biểu khách mời tham quan không gian trưng bài các sản phẩm từ cây dược liệu của các đơn vị trong khuôn khổ diễn đàn
Các đại biểu khách mời tham quan không gian trưng bài các sản phẩm từ cây dược liệu của các đơn vị trong khuôn khổ diễn đàn

Nhìn chung dược liệu và du lịch sinh thái là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng phát triển dược liệu và phát triển du lịch sinh thái lại là hai phạm trù có mối quan hệ biện chứng và hỗ trợ lẫn nhau, gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo thành một chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu của nhiều du khách trong và ngoài nước. Việc tổ chức triển khai hiện nay đang thực hiện theo hướng giao cho nhiều bộ, ngành, nhưng không có một đơn vị chịu trách nhiệm rõ ràng, nhiều loài cây dược liệu chưa được tập trung nghiên cứu, xây dựng quy trình, định mức để áp dụng triển khai, do đó nhiều chính sách mới dừng lại ở văn bản, hoặc được triển khai nhưng vẫn rất chậm.

Trước đó, ngày 6/7/2023 Trung tâm Khuyến nông quốc gia cùng đoàn đại biểu tham quan vườn bảo tồn và phát triển Sâm Lai Châu của Hiệp hội Sâm Lai Châu tại xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu
Trước đó, ngày 6/7/2023 Trung tâm Khuyến nông quốc gia cùng đoàn đại biểu tham quan vườn bảo tồn và phát triển Sâm Lai Châu của Hiệp hội Sâm Lai Châu tại xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu

Trước những khó khăn của các đại biểu đưa ra, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã nhấn mạnh: Chúng ta phải xác định phát triển dược liệu thành một “ngành hàng”, cần phải hình thành một đơn vị chuyên trách có chức năng kiến tạo phát triển tổng thể, từ đó mới có tổ chức chịu trách nhiệm về nghiên cứu, xây dựng cho ngành dược liệu mục tiêu, chiến lược thực hiện, xây dựng các chính sách phù hợp, tổ chức triển khai đúng lộ trình; đồng thời cần thiết phải xây dựng và triển khai lộ trình hàng rào kỹ thuật đối với dược liệu, theo hướng ưu tiên các dược liệu trong nước, dược liệu có tiêu chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; cần thiết phải nhanh chóng xây dựng hệ thống các vườn cây thuốc quốc gia theo Quyết định 1976 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng an toàn, bền vững. Thông qua các lớp đào tạo, tập huấn khuyến nông giúp cho người sản xuất nâng cao nhận thức và thực hiện tốt quy trình sản xuất hiện đại theo hướng an toàn và bền vững.

Qua đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các bộ, ngành có liên quan xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù đối với các mô hình phát triển nông nghiệp dược liệu, từ đó có thể từng bước phát huy tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về dược liệu ở Việt Nam, đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế của dịch vụ hệ sinh thái rừng của từng địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.