Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Diện mạo mới ở bản làng người Mông nơi biên viễn

Nhật Minh - 05:40, 04/12/2023

Nhờ triển khai hiệu quả nhiều chương trình, chính sách dân tộc của Nhà nước, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) đến nay, đời sống đồng bào dân tộc Mông tại huyện Quan Sơn đã “thay da đổi thịt”.

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, các con đường dẫn vào bản vùng sâu, vùng xa đã được đổ bê tông
Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, các con đường dẫn vào bản vùng sâu, vùng xa đã được đổ bê tông

Ché Lầu là bản đặc biệt khó khăn nằm tại khu vực biên giới của xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Với 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, Ché Lầu gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, muốn vào đây phải di chuyển qua những con đường đất ngoằn ngoèo, lầy lội.

Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và tỉnh Thanh Hoá, Ché Lầu hôm nay đã thay đổi diện mạo mới, có đường giao thông, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế….

Từ nguồn hỗ trợ, năm 2020, UBND huyện Quan Sơn đã đầu tư làm đường giao thông từ bản Son đi Ché Lầu với chiều dài 5,1km. Năm 2022, huyện Quan Sơn đẩy nhanh tiến độ thực hiện làm đường giao thông nội bản Ché Lầu và đường giao thông nội bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy. Hiện hai con đường giao thông nội bản này đều đã hoàn thành thông suốt từ bản lên tới trung tâm xã, qua đó, người dân đi, làm ăn lại thuận tiện hơn.

Để đảm bảo lương thực tại chỗ, xã Na Mèo đã vận động bà con mở rộng trồng lúa nước, đồng thời trồng lúa nước 2 vụ trên diện tích đất nông nghiệp.

Năm 2021, huyện Quan Sơn thực hiện thí điểm Dự án trồng vầu tại bản Ché Lầu với diện tích 170 ha, hiện đã và đang cho tín hiệu tích cực. Năm 2022, xã tiếp tục đưa Dự án nuôi lợn nái sinh sản, hỗ trợ cho 40 hộ tham gia với số tiền gần 200 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/người/năm.

Mặc dù là bản vùng cao, nhưng bà con bản Ché Lầu đã chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Toàn bản có khoảng hơn 2.000 con gia cầm, 63 con trâu, 157 con bò, tổng đàn lợn có thời điểm lên tới 300 - 400 con. Có những hộ gia đình có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ chăn nuôi gia súc. Nhờ có thu nhập mà khoảng 30% số hộ tại Ché Lầu đã đủ điều kiện thoát nghèo.

Ông Phạm Đức Lương, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo cho biết: Ché Lầu là bản người Mông đầu tiên của huyện Quan Sơn được công nhận là bản văn hóa. Bản có nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Xã phấn đấu đến năm 2025, Ché Lầu trở thành bản nông thôn mới, cơ bản các hộ dân có nhà ở kiên cố trong năm 2023.

 Bản Ché Lầu ngày nay như được “thay da đổi thịt”
Bản Ché Lầu ngày nay như được “thay da đổi thịt”

Ông Thao Văn Lâu, Bí thư kiêm Trưởng bản phấn khởi chia sẻ: Từ một bản bốn không (không điện, không đường, không trường, không trạm y tế), đến nay, Ché Lầu gần như được “lột xác”, đời sống đồng bào khởi sắc từng ngày. Người dân vô cùng biết ơn và tin tưởng vào Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt tới cuộc sống của đồng bào.

Gia đình ông Sùng Văn Cấu là một trong những hộ đầu tiên di cư từ Pù Nhi (Mường Lát) về bản Mùa Xuân, xã Sơn Thuỷ, huyện Quan Sơn sinh sống. Những ngày đầu mới về định cư trên vùng đất mới, gia đình ông cũng như các gia đình khác trong bản gặp rất nhiều khó khăn do phải thay đổi môi trường sống, tập quán canh tác... cuộc sống gắn liền với nhiều cái “không”: không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không có chi bộ đảng, xa trung tâm.

Những năm qua, nhờ có các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, đã giúp cho bà con xây dựng cuộc sống mới, người dân bản đã cần cù khai hoang ruộng nương, học cách trồng lúa nước hai vụ, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật để thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất cây trồng, trẻ em được đến trường học chữ, người đau ốm được chăm sóc y tế.

Đặc biệt, có chi bộ đảng lãnh đạo, trải qua nhiều khó khăn, lớp lớp đảng viên người dân tộc Mông vẫn giữ trọn niềm tin sắt son theo Đảng, là hạt nhân tiên phong gương mẫu trong mọi phong trào, đi đầu phát triển kinh tế - xã hội... Đặc biệt, sau khi con đường bê tông từ trung tâm xã nối về các bản đồng bào Mông hoàn thành sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái...

Bằng việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nêu cao tinh thần nêu gương của các đảng viên của các chi bộ ở bản Mông đã giúp người Mông xây dựng đời sống văn hóa mới. Bà con đã không còn phát rừng làm nương rẫy nữa mà chuyển sang trồng các loại cây thế mạnh như cây vầu, các loại cây ăn quả...

Đồng bào dân tộc Mông ở Quan Sơn hiện có trên 200 hộ với trên 1.000 nhân khẩu. Thời gian qua, huyện Quan Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn 3 bản người Mông... mà gần đây nhất là Chương trình MTQG 1719, đến nay, đời sống đồng bào dân tộc Mông tại huyện Quan Sơn gần như đã “thay da đổi thịt”.

Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chăn nuôi tại huyện Quan Sơn
Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chăn nuôi tại huyện Quan Sơn

Từ những chủ trương, chính sách đúng đắn, huyện Quan Sơn đang hình thành phát triển một số sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, một số loại cây trồng, vật nuôi đặc sản như: lúa nếp Cay Nọi, các loại dưa Mông, dứa, quả Cloom, chè Tán Ma, cây dược liệu, cây ăn quả, các sản phẩm từ măng; vịt bầu, gà đồi (trong đó có giống gà của đồng bào Mông), lợn đen, cá nuôi lồng, cá tầm, cá hồi... theo hướng nông nghiệp hữu cơ, hàng hóa. Năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ, kết hợp du lịch sinh thái huyện Quan Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” mở ra hướng đi cho nông nghiệp Quan Sơn gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; các chương trình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển du lịch sinh thái nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ và du lịch trên địa bàn huyện Quan Sơn nói chung và các bản người Mông nói riêng.

Huyện Quan Sơn xác định trong năm 2023, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 1: 2021-2025 là nhiệm vụ quan trọng, qua đó khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, thực hiện có hiệu quả để tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển, mở ra cuộc sống mới tốt đẹp, bền vững.

Những thành quả hôm nay mà người Mông trên địa bàn huyện Quan Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hoá nói chung đã đạt được, chính là kết quả của sự nỗ lực của người dân, chính quyền địa phương, nguồn lực từ các chương trình, dự án mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ đó, giúp nhiều gia đình đồng bào Mông vươn lên phát triển kinh tế, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.