Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Diện mạo mới ở buôn Krông

Lê Hường - 13:58, 17/11/2020

Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, buôn đặc biệt khó khăn Krông, xã Du Kmăn (huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk) đã và đang khoác lên mình diện mạo khang trang, đời sống người dân ngày càng no ấm.

Hệ thống kênh mương giúp dân chủ động nước tưới, tăng năng xuất lúa
Hệ thống kênh mương giúp dân chủ động nước tưới, tăng năng xuất lúa

Nằm lọt giữa thung sâu, cách trung tâm xã hơn 10km, buôn Krông có 94 hộ,với 425 khẩu đồng bào Ê đê và Tày sinh sống. Cây trồng chính của người dân là lúa nước và ngô. 

Những năm trước, buôn không có điện, đường và kênh mương thủy lợi nên sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, ngô nên đời sống người dân cực kỳ khó khăn. Nay, nhờ các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia đã đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi và hướng dẫn kỹ thuật, cuộc sống người dân có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều gia đình trở thành tiêu biểu trong phát triển kinh tế của xã.

Điển hình như gia đình ông Tào Văn Cấp, có 3ha đất nông nghiệp, trong đó có 1,8ha đất lúa còn lại là ngô. Trước đây, ông Cấp chỉ trồng lúa, ngô 1 vụ rồi bỏ hoang đất cả năm. Từ khi có mương nước và có điện, mỗi năm, gia đình ông trồng được 2 vụ lúa và 1 vụ khoai lang xuất khẩu.

Ông Cấp chia sẻ: Nhớ lại 20 năm về trước khi mới vào đây, nhà ai cũng đói. Mỗi năm chỉ trồng 1 vụ cây trồng ngắn ngày, năng suất phụ thuộc vào tự nhiên, năm được năm mất, làm vất cả năm khéo lắm thì đủ ăn. Từ khi được Nhà nước đầu tư xây dựng làm đường, kéo điện và hệ thống kênh mương thủy lợi nên diện tích đất lúa trồng được 2 vụ, đất ngô chuyển sang trồng lúa và khoai lang xuất khẩu. 

"Cùng với việc áp dụng giống mới, kỹ thuật mới, năng suất lúa rất cao, bán được giá nên  kinh tế gia đình dần ổn hơn và dành được chút vốn tích lũy đầu tư mua con bò, nuôi thêm lợn, vịt… Trừ các khoản chi phí, nay mỗi năm gia đình cũng thu được khoảng 200 triệu đồng", ông Cấp cho hay.

Ông Tào Văn Cấp (bên trái) thăm ruộng lúa của gia đình
Ông Tào Văn Cấp (bên trái) thăm ruộng lúa của gia đình

Gia đình ông Y Nghé Hđơt là một trong những hộ có kinh tế nhất nhì buôn, với thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Ông Y Nghé cho biết: Ngày trước, khi chưa có kênh mương chỉ sản xuất 1 vụ lúa, thời gian còn lại để đất không, cả gia đình 7 người sống bám lấy sông Krông Na với nghề đánh bắt cá để trang trải cuộc sống.

Nhưng nay kinh tế gia đình ông đã rất khá giả; trong chuồng có 4 con trâu, 4 con bò, mỗi năm thu hàng chục tấn lúa, khoai. Kinh tế khá, ông có tiền trang trải cuộc sống và mua thêm một số hiện vật văn hóa của đồng bào về giữ gìn. Hiện ông Y Nghé còn giữ được nhiều hiện vật văn hóa giá trị của đồng bào Ê đê như trống da trâu cổ, ghế Kpan dài gần chục mét, 2 bộ chiêng cổ và hàng chục chiếc ché.

Theo ông Y Ngông Hdruc, Trưởng buôn Krông, không những cải tạo đồng ruộng, mở rộng diện tích, thâm canh tăng vụ, sản xuất đa dạng loại cây trồng và phát triển chăn nuôi mà bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Đến nay, diện tích lúa nước tăng lên, cả buôn có 249 ha, sản lượng đạt 1.360 tấn. Ngoài ra, bà con trong buôn còn nhân rộng mô hình nuôi heo hướng nạc, nuôi bò giống lai sind, phát triển đàn gia súc, gia cầm cả số lượng và chất lượng; kinh tế người dân ngày càng phát triển và diện mạo buôn khang trang hơn.

Nhờ phát triển kinh tế đúng hướng mà tỉ lệ hộ nghèo của buôn Krông giảm nhanh từ 28% năm 2015 nay chỉ còn 7,45%. Thu nhập bình quân đầu người tăng cao từ 20 triệu đồng/người/năm năm 2015 nay tăng lên 35 triệu đồng/người/năm.