Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới phù hợp: Góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG 1719

Khánh Thư - 11:49, 24/12/2023

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), với 10 dự án thành phần được triển khai nhằm giải quyết những khó khăn nhất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ đó phát huy nội lực của Nhân dân để cùng địa phương xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhưng để vừa giảm nghèo, vừa về đích NTM thì việc xây dựng, ban hành một bộ tiêu chí riêng về xây dựng NTM cho địa bàn này là hết sức cần thiết, theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị khóa XII tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019.

Chương trình MTQG 1719 là giải pháp để tạo nền tảng xây dựng NTM ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)
Chương trình MTQG 1719 là giải pháp để tạo nền tảng xây dựng NTM ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)

Điều chỉnh để không “chín ép”

Trong bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, để được công nhận đạt chuẩn NTM thì, một trong những tiêu chí cứng là tỷ lệ nghèo đa chiều phải dưới 13%. Đây thực sự là một “hòn đá tảng” đối với các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi trên lộ trình “về đích” NTM, nhất là đối với các xã khu vực III, dù trong giai đoạn 2021 – 2025, những địa bàn này đồng thời được bố trí nguồn lực thực hiện 03 Chương trình MTQG.

Trở lại thời điểm năm 2019, khi Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, thì địa bàn này đã có tỷ lệ nghèo rất cao, là “lõi nghèo” của cả nước. Căn cứ vào điều kiện KT – XH hiện có, trong Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG 1719 Chính phủ chỉ đặt mục tiêu giảm nghèo trên 3%/năm.

Vì thế, để đạt được tiêu chí tỷ lệ nghèo đa chiều dưới 13% như hiện nay mới “về đích” NTM là một khó khăn rất khó để vượt qua đối với các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chín ép” trong xây dựng NTM ở một số địa phương.

(Bài CĐ Vận động ) Điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới phù hợp: Góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG 1719 1
Một số xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt chuẩn NTM nhưng hiện đời sống của người dân vẫn còn rất khó khăn. (Trong ảnh: Một góc xã NTM Thanh An, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi – nơi có 95% dân số là đồng bào dân tộc H’rê)

Đơn cử Tuyên Quang, hết năm 2022, toàn tỉnh có 62/122 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, trong đó có 54 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tuyên Quang, trong 62 xã đã “về đích” thì chỉ có 38 xã đạt chuẩn tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025.

Riêng 2 huyện nghèo Lâm Bình và Na Hang, tỷ lệ nghèo đa chiều rất cao. Trong đó, Lâm Bình có tỷ lệ hộ nghèo là 48,52%, hộ cận nghèo là 15,64%; Na Hang có tỷ lệ hộ nghèo là 40,76%, hộ cận nghèo là 13,64%. Cả 2 huyện này không có xã nào đạt chuẩn tiêu chí nghèo đa chiều trong xây dựng NTM.

Tình trạng “chín ép” trong xây dựng NTM ở các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là việc cố đạt cho được tiêu chí nghèo đa chiều, sẽ tác động rất lớn đến mục tiêu giải quyết các vấn đề khó khăn, cấp bách nhất trong Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG 1719.

 Bởi khi đã đạt chuẩn NTM sẽ không còn là đối tượng được hưởng chính sách; trong khi đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo còn cao, nhiều địa phương vẫn phải bố trí ngân sách để hỗ trợ.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV khi thảo luận về các Chương trình MTQG (ngày 30/10/2023), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021- 2025 đặt ra chỉ tiêu, tỷ lệ nghèo đa chiều dưới 13% trở thành bài toán thách thức với nhiều địa phương. Đại biểu đề xuất, cần ban hành bộ tiêu chí mang tính chất định hướng chung, xuyên suốt và dài hơi hơn, trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những chỉ tiêu, tiêu chí không còn phù hợp với thực tiễn, thì chỉ cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

(Bài CĐ Vận động ) Điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới phù hợp: Góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG 1719 2
Do yêu cầu của bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 – 2025 cao hơn trước nên hiện nhiều xã vùng đồng bào DTTS và miền núi không duy trì chuẩn NTM. (Ảnh minh họa)

Bảo đảm phù hợp vùng miền

Phát triển KT – XH gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các DTTS là mục tiêu tổng quát của Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Nhưng, cùng với thực hiện Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG, thì các địa phương cũng đang triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM; trong đó bắt buộc phải đạt những chỉ tiêu chưa phù hợp.

Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, trên nghị trường, đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Đôi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, đã dẫn chứng, một số chỉ tiêu trong bộ tiêu chí xây dựng NTM hiện nay cần thiết phải được sửa đổi. Như chỉ tiêu quy định diện tích sân bóng đá thể thao, quy định tỷ lệ phần trăm phải hỏa táng là chưa phù hợp với thực tiễn vùng miền, dân tộc.

“Một số chỉ tiêu khi áp dụng thực tiễn khó triển khai như chỉ tiêu xã phải có vùng nguyên liệu tập trung để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trên thực tế, nhiều xã vùng III của các tỉnh không có vùng nguyên liệu tập trung, các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản quy mô nhỏ chủ yếu theo mùa vụ”, đại biểu Hoàng Thị Đôi cho biết.

(Bài CĐ Vận động ) Điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới phù hợp: Góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG 1719 3
Cần điều chỉnh tiêu chí để bảo đảm tính khả thi khi triển khai xây dựng NTM tại các vùng, miền. (Trong ảnh: Huyện Thuận Châu khảo sát thực địa các tiêu chí xây dựng NTM tại bản Huổi Tát xã Chiềng Pha tháng 4/2023)

Việc điều chỉnh một số chỉ tiêu trong bộ tiêu chí xây dựng NTM ở vùng đồng bào DTTS là cần thiết; không chỉ giúp các địa phương xây dựng NTM một cách bền vững còn hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG 1719. Trong Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG 1719 là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân.

Đây cũng là chỉ đạo của Bộ Chính trị khoa XII trong Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu sớm ban hành tiêu chí NTM phù hợp với vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, cũng có ý kiến cho rằng để đảm bảo quyền lợi và sự đồng bộ, thống nhất tiêu chí thì nên có lộ trình xây dựng NTM cho vùng đồng bào DTTS và miền núi thay vì sửa đổi tiêu chí. Tuy nhiên, qua thảo luận, đánh giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị, để bảo đảm tính khả thi khi triển khai xây dựng NTM tại các vùng, miền, Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, ban hành tiêu chí NTM phù hợp với vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019. Đây cũng là một bước trong lộ trình xây dựng NTM cho cả nước nói chung và vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng.

Hiện kết quả xây NTM của vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn. Theo báo cáo của Văn phòng điều phối xây dựng NTM Trung ương, hiện 100% xã ở vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt chuẩn, Đông Nam Bộ là 91,4% trong khi đó vùng miền núi phía Bắc chỉ mới đạt 47,8%, Tây Nguyên 59,7%; vẫn còn 4 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%. Đồng thời, số lượng xã khu vực II, khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM còn rất hạn chế. Đến nay chưa có huyện thuộc danh sách các huyện nghèo được công nhận đạt chuẩn NTM.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.