Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Định hình cho một thành phố di sản

Tiêu Dao - 09:09, 10/02/2025

Huế định hướng phát triển trên cơ sở những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc của mô hình thành phố trực thuộc trung ương. Trước vận hội mới, di sản văn hóa Huế giàu tiềm năng đứng trước ngưỡng lịch sử được cởi bỏ “tấm áo” gò bó để tỏa sáng giá trị lịch sử, văn hóa.

Huế định hướng phát triển trên cơ sở những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc của mô hình thành phố trực thuộc trung ương.
Huế định hướng phát triển trên cơ sở những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc của mô hình thành phố trực thuộc trung ương.

Định vị cho đô thị di sản

Từ ngày 1/1/2025, Thành phố Huế trở thành 1 trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam và được xem là “đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam. Không chỉ là đô thị di sản đẳng cấp của Việt Nam, Huế còn được các tổ chức thế giới đánh giá cao trong công cuộc bảo tồn những giá trị ngàn xưa để lại và được phát huy giá trị một cách hiệu quả với những đặc thù, riêng biệt. Thời điểm này đánh dấu một thời khắc lịch sử. Một giai đoạn mới, kỷ nguyên mới đã mở ra cho một cố đô với gần 200 năm tồn tại trong lịch sử.

Những năm vừa qua, 5 thành phố trực thuộc Trung ương khác gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, Thành phố Cần Thơ, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hải Phòng đã vươn mình phát triển mạnh mẽ và có vị thế quan trọng riêng trên bản đồ Việt Nam. Nhìn ra như vậy mới thấy rằng, khi Thành phố Huế đã là thành phố trực thuộc Trung ương, nhất định cũng tìm cho mình một chỗ đứng vững chắc, mang tính biểu tượng tầm cỡ quốc gia. Khi Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là những đầu tàu kinh tế của hai miền đất nước, Hải Phòng định hình là thành phố cảng với logistic, Đà Nẵng đã định danh là thành phố du lịch, Cần Thơ nổi bật giữa vùng đồng bằng trù phú phương Nam, thì với những gì đã và đang có, Huế đang cần khẳng định vị thế của mình là một thành phố di sản.

Áo dài Huế là một nét đẹp văn hóa ít nơi nào có được.
Áo dài Huế là một nét đẹp văn hóa ít nơi nào có được.

Thành phố Huế nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, là một trong những đô thị nổi tiếng nhất Việt Nam với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc. Là cố đô của triều đại nhà Nguyễn, Huế không chỉ mang trong mình vẻ đẹp cổ kính mà còn là trung tâm di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Huế là nơi duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh (6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác). Thừa Thiên Huế đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội các loại, phản ánh sâu sắc một giai đoạn lịch sử văn hóa quan trọng của dân tộc Việt Nam.

Huế gắn liền với những di tích lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam. Nổi bật nhất là Quần thể Di tích Cố đô Huế, bao gồm Hoàng thành Huế, các lăng tẩm của vua Nguyễn và hệ thống đền, chùa cổ kính. Những công trình này không chỉ phản ánh sự phát triển của kiến trúc cung đình mà còn thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Đặc biệt, hệ thống lăng tẩm, như: Lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng hay lăng Khải Định được xem là những kiệt tác nghệ thuật, không chỉ vì sự tinh xảo của kiến trúc mà còn bởi giá trị triết học sâu sắc trong từng chi tiết thiết kế.

Thiếu nữ Huế trên cầu Tràng Tiền
Thiếu nữ Huế trên cầu Tràng Tiền

Ngoài Nhã nhạc cung đình Huế, Huế còn sở hữu nhiều giá trị văn hóa phi vật thể khác như lễ hội cung đình, các nghi lễ tôn giáo và những món ăn truyền thống đã trở thành thương hiệu du lịch đồng hành với di sản. Không chỉ vậy, Huế còn lưu giữ hàng trăm ngôi đình, chùa và làng nghề truyền thống, như: Làng tranh Làng Sơn, tranh và hội vật làng Sình, làng gốm Phú Vang và làng nón Bài Thổ..., góp phần tạo nên bức tranh làng quê sinh động. Sự phong phú này đã giúp Huế trở thành trung tâm di sản và du lịch văn hóa đặc sắc không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực. Đặc biệt, sự kết hợp giữa nét cổ kính và hiện đại đã giúp Huế giữ vững vai trò quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Các lễ hội văn hóa lớn như Festival Huế, lễ hội áo dài và các hoạt động nghệ thuật đường phố đã góp phần quảng bá hình ảnh của thành phố ra toàn thế giới.

Đây cũng là nơi được xây dựng nhiều công trình kiến trúc mới mang tầm quốc gia, tiếp thu nhiều thành tựu về kiến trúc thành lũy và cung điện của thế giới, bao gồm kinh thành, cung điện, lăng tẩm, chùa chiền… với cảnh quan kỳ thú, tạo cho Huế có một phong cách kiến trúc đặc sắc, một nền văn hóa độc đáo, gồm: ẩm thực, trang phục, nhà cửa, âm nhạc, sân khấu, lễ hội, nếp sống, tín ngưỡng… Huế là nơi đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng đồ sộ, phong phú của Việt Nam. Xét về quy mô, tính độc đáo, kho tàng di sản ấy luôn được xếp hàng đầu không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn ở cấp độ châu lục và trên toàn thế giới.

Nét Huế
Một "Nét Huế" rất riêng biệt

Với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, Huế đã sẵn sàng vươn mình trong vai trò thành phố trực thuộc Trung ương mang tính chất “đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam. Khi Huế đã là thành phố trực thuộc Trung ương, nhất định cũng tìm cho mình một chỗ đứng vững chắc, mang tính biểu tượng tầm cỡ quốc gia. Huế hoàn toàn bảo đảm các tiêu chí, điều kiện để sở hữu là thành phố đô thị di sản. Chỉnh thể phong phú của di sản vật thể và phi vật thể của TP. Huế bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vùng đô thị, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vùng đồng bằng ven đô, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vùng đầm phá, ven biển, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vùng miền núi.

Cất cánh từ di sản

Một trong những thách thức lớn nhất chính là bảo đảm hài hòa giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển đô thị. Có một thực tế nữa, di sản đô thị là một di sản sống và thu hút lượng khách du lịch lớn, gấp hàng nghìn các di tích lịch sử ở nông thôn, miền núi. Huế, Hội An đang hoàn toàn sống bằng di sản. Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế cho rằng, Cố đô Huế cần phải có một chiến lược đúng cùng với những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để vừa phát triển Thừa Thiên Huế trở thành đô thị hiện đại mà vẫn bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa. Đây cũng là con đường phù hợp nhất để Thừa Thiên Huế “cất cánh” bằng chính tiềm năng, sức mạnh nội lực, nhằm hiện thực hóa phương hướng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Người Thành phố Huế với những tà áo dài đặc trưng
Người dân Huế với những tà áo dài đặc trưng

Đối với công tác bảo tồn di sản, Huế tập trung đầu tư một số công trình dự án trùng tu, bảo tồn di tích Cố đô Huế, di tích xuống cấp nghiêm trọng, tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống; tăng cường hợp tác với tổ chức quốc tế và chuyên gia để áp dụng các phương pháp bảo tồn tiên tiến. Chú trọng vào phát triển ngành công nghiệp văn hóa nhằm thu hút khách du lịch mà không làm tổn hại đến các di sản. Do chưa cụ thể hóa khái niệm đô thị di sản trong văn bản pháp lý, nên công tác quản lý và bảo tồn di sản cũng gặp khá nhiều vướng mắc. Quần thể di tích cố đô Huế đang sở hữu hệ thống di sản vật thể và phi vật thể quý giá và đồ sộ đang rất cần có những cơ chế đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra quá nhanh.

Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới, việc bảo tồn và phát triển di sản đô thị luôn là một bài toán nhạy cảm, nan giải. Bởi lẽ, đô thị thì luôn luôn biến động, trong khi di sản dễ bị phá hủy. Trong Hội thảo vừa diễn ra cuối năm 2024 với chủ đề “Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương” được Hội Khoa học Lịch sử TP. Huế tổ chức, nhiều chuyên gia nhìn nhận, hướng đi Huế - đô thị di sản là sự lựa chọn đúng đắn, mở ra cơ hội rất lớn để phát triển, nhưng vẫn giữ vẫn bảo vệ được bản sắc riêng có. Huế được định hướng trở thành trung tâm về phát triển kinh tế dựa trên bảo tồn di sản, kinh tế xanh thì hình ảnh tương ứng chính là một thành phố di sản, xanh, sạch và đẹp.

Huế không chỉ mang trong mình vẻ đẹp cổ kính mà còn là trung tâm di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.
Huế không chỉ mang trong mình vẻ đẹp cổ kính mà còn là trung tâm di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.

Để làm được điều đó, các sản phẩm dịch vụ văn hóa di sản hiện nay cần được nâng cấp ở đẳng cấp quốc tế thể hiện qua sự thẩm mỹ và tinh tế. Trước vận hội mới, di sản văn hóa Huế giàu tiềm năng đứng trước ngưỡng lịch sử được cởi bỏ “tấm áo” gò bó để tỏa sáng giá trị lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ ra toàn thế giới. Trong một hình hài mới, ngành Du lịch và Văn hóa nên thể hiện sự tiên phong về đổi mới, phát triển cho một thành phố trực thuộc Trung ương với vị thế trung tâm văn hóa di sản mang tầm vóc thế giới. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế sẽ là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam. Đến 2050, là thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á.

Tái hiện cảnh thiết triều nhà Nguyễn tại Điện Thái Hòa.
Tái hiện cảnh thiết triều nhà Nguyễn tại Điện Thái Hòa.
Tái hiện cảnh thiết triều nhà Nguyễn tại Điện Thái Hòa.
Tái hiện cảnh thiết triều nhà Nguyễn tại Điện Thái Hòa.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Phương chia sẻ, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đảm bảo đúng định hướng, chỉ đạo, quan điểm, tư tưởng của Bộ Chính trị, tạo ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho Huế phát triển mà còn tạo điều kiện cho Huế khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về vị trí, di sản, văn hóa và đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước; tạo ra những vận hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, sẽ giúp thành phố Huế bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cũng là cơ hội để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra. Trong tương lai sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, Huế đã sẵn sàng vươn mình trong vai trò thành phố trực thuộc Trung ương mang tính chất "đô thị di sản" đầu tiên của Việt Nam. Tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, cùng với sự đồng lòng của chính quyền và Nhân dân hứa hẹn sẽ đưa Huế trở thành một đô thị xanh, hiện đại, đáng sống, đồng thời giữ vững bản sắc văn hóa, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của đất nước.

 

Tin cùng chuyên mục
Văn Lãng (Lạng Sơn): Diễn ra nhiều hoạt động lễ hội văn hóa đặc sắc

Văn Lãng (Lạng Sơn): Diễn ra nhiều hoạt động lễ hội văn hóa đặc sắc

Nổi bật là Lễ hội Chùa Tân Thanh và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng do UBND huyện Văn Lãng và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp tổ chức. Lễ hội Chùa Tân Thanh cũng được lựa chọn là lễ hội điểm của huyện.